Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay trên cả nước có khoảng 188.000 nhà vệ sinh ở các cấp học. Bên cạnh 67% nhà vệ sinh kiên cố thì có tới 33% công trình cần sự đầu tư, hỗ trợ nâng cấp, thậm chí xây mới hoàn toàn.

Cũng từ các báo cáo nêu trên, nhiều địa phương và nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn..., các trường học còn thiếu rất nhiều nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, gây nhiều bất cập, khó khăn cho học sinh.

z3882831352419472903680336223711adb4719a2eec97-1668519789405.jpg

Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định: Các công trình "Nhà vệ sinh cho em" sẽ đóng vai trò tích cực trong bảo đảm sức khỏe, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh để học sinh an tâm học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện. (Ảnh: H.B)

Trước thực trạng nêu trên, Hội đồng Đội Trung ương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã triển khai chương trình "Nhà vệ sinh cho em" nhằm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong chăm lo, hỗ trợ thiếu nhi, lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng, chung tay trang bị cơ sở vật chất, nâng cao điều kiện, chất lượng dạy và học cho học sinh, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn.

Từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2023, chương trình sẽ xây dựng, trao 150 công trình "Nhà vệ sinh cho em" với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Đáng chú ý, cùng với việc xây dựng các công trình nêu trên, dự kiến, trong năm 2023, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng 100 nhà vệ sinh thông minh 5 sao đạt quy chuẩn ASEAN tại các công viên, tuyến phố, bãi biển.

100 nhà vệ sinh 5 sao này sẽ được triển khai với sự tham gia của các cơ sở Đoàn thông qua tài trợ từ Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đối với các sáng kiến khởi nghiệp, quản lý, khai thác, vận hành các điểm nhà vệ sinh theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, các bên sẽ gây quỹ, tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động bảo dưỡng, sử dụng liên tục, lâu dài hệ thống nhà vệ sinh đã xây dựng. Qua đó, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong tham gia tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường. Được biết, tổng giá trị kinh phí triển khai các nội dung trên là khoảng 50 tỷ đồng.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình "Nhà vệ sinh cho em" (Ảnh: H.B)

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình "Nhà vệ sinh cho em".

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ ký kết, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định: Các công trình "Nhà vệ sinh cho em" sẽ đóng vai trò tích cực trong bảo đảm sức khỏe, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh để học sinh an tâm học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện.

"Có không ít trường hợp các em học sinh không dám ăn uống vì sợ khi đầy bụng sẽ phải sử dụng nhà vệ sinh ở trường học. Việc này gây ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ sức khỏe mà còn cả tâm lý của các em, lâu ngày có thể trở thành bệnh nguy hiểm", đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang nêu.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, chương trình "Nhà vệ sinh cho em" còn là nội dung nhằm hiện thực hóa chương trình "Điều ước cho em" do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án "Phát triển tri thức Việt số hóa" đang triển khai.

Trong số các chỉ tiêu của chương trình "Điều ước cho em", có việc thực hiện "100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh" theo Quyết định số 1660 ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, cũng là hoạt động của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới 19/11.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022