Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Từ thời điểm được tự chủ, các trường đại học đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại những trường uy tín trên thế giới.

Thời điểm năm 2018, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) chưa có hiệu lực, chỉ 23 trường được thí điểm tự chủ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong cả nước là 25%. Đến năm 2021, khi số lượng trường tự chủ tăng hơn hơn 140, tỷ lệ này tăng lên trên 31%.

Cùng với đó, tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm mạnh, từ khoảng 20% vào năm học 2015-2016 xuống còn dưới 10% trong giai đoạn 2018-2020 và vẫn tiếp tục giảm.

Sự biến chuyển về trình độ giảng viên được thể hiện ở biểu đồ sau:

trinh-do-GV-1-1591-1659770096.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z8CrOw_ju5USA3Z8W3Sb9g

Kết quả khảo sát hơn 130 trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy thời điểm năm 2018, số lượng trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ dưới 25% là 81. Đến năm 2021, con số này còn 62 và không trường nào có dưới 5% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Ở chiều ngược lại, số lượng trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 50% tăng từ 12 lên thành 16.

trinh-do-GV-3-4093-1659770096.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LWZF20lgjv3ZDxn0HZQlbQ

Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng đều trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trong đó giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư 5-6%/năm).

trinh-do-GV-2-3219-1659770097.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5j_10inaEBsvowVDyDQbrw

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các con số trên là minh chứng cho thấy các trường đã ý thức việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Thực tế, các trường cũng có nhiều chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học.

Cùng với nâng cao trình độ giảng viên, các trường đại học cũng đang từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với số lượng giảng viên tăng lên trong khi đội ngũ chuyên viên, nhân viên giảm. Thống kê đến hết năm 2021, tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của trường chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, hơn gấp đôi số cán bộ quản lý và chuyên viên hành chính.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển đội ngũ, cơ cấu nhân lực trong các trường đại học hiện vẫn gặp một số khó khăn.

Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành về giáo dục và đào tạo nên không có nhiều quy định về thẩm quyền đối với lĩnh vực quản lý công chức, viên chức và người lao động. Việc phát triển đội ngũ và nhân sự chịu ảnh hưởng bởi quy định tại Bộ Luật Lao động; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và một số luật chuyên ngành khác.

Cụ thể, về công tác tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, chuyển ngạch, kỷ luật, các trường phải tuân thủ theo các quy định của Luật Viên chức. Việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội lại tuân thủ theo Luật Lao động, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội; ngoài ra còn tham chiếu nhiều bộ luật chuyên ngành khác để quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách đối với các loại hình lao động có trong nhà trường.

"Đây là khó khăn, vướng mắc chung cho các trường trong quá trình thực hiện tự chủ phát triển đội ngũ, nhân sự cũng như quản trị và tổ chức bộ máy", Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022