Suốt những tuần con ôn thi học kỳ, chị Hoàng Mai Anh ở quận Hà Đông, Hà Nội, chứng kiến cô con gái lớp 2 vật vã với bài tập viết đoạn văn. Học sinh được giao đề bài, như viết về đồ dùng học tập, đồ vật được làm từ tre hoặc gỗ, một buổi đi chơi cùng người thân hay công việc của một người quen biết. Bé Ngọc Minh, con gái chị Mai Anh, viết ra nháp bài làm, sau đó chuyển qua Zalo để cô chữa rồi gửi lại.

Nhận được bài, Ngọc Minh phải chép vào vở và học thuộc. Gần đến ngày thi, cô giáo sẽ khoanh vùng ba đề để đến khi ti các con chỉ việc chép ra một trong các đề đã học thuộc.

Đề bài trong sách giáo khoa chỉ yêu cầu học sinh trả lời 3-4 ý. Dựa vào những gợi ý đó, con sẽ viết theo suy nghĩ của mình với độ dài khoảng 4-5 câu. Tuy nhiên, sau khi gửi cho cô, đoạn văn được sửa thành gần chục câu, với những câu chữ già dặn. Có bài nội dung được thay đổi gần như toàn bộ.

"Con mệt vì phải ngồi chép lại và đọc thuộc. Vì không phải bài con viết ra nên sẽ khó nhớ được từng câu, chữ. Nhiều từ và cách diễn đạt của người lớn khiến con không hiểu phải hỏi lại", chị Mai Anh cho biết.

thi-tot-nghiep-1-2420-1659719380.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tV8khG_NbWKQMZmvljlfhA

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), TP HCM, chiều 6/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo chị Mai Anh, kết quả thi tiếng Việt, trong đó có phần nghe - viết và viết đoạn văn, của lớp Ngọc Minh đạt nhiều điểm giỏi. Giáo viên chủ nhiệm cho biết bài làm của học sinh luôn được đánh giá cao vì "viết chắc tay".

Mặc dù điểm số làm đẹp hồ sơ của con gái, phụ huynh 39 tuổi lo ngại việc học thuộc theo văn mẫu khiến con mất đi sự sáng tạo. Con phải viết lại lời văn của cô và dần dần ngại tư duy. Thắc mắc với cô giáo, chị Mai Anh nhận được trả lời "văn mẫu là cần thiết với học sinh tiểu học".

Là giáo viên tiểu học lâu năm tại quận Thanh Xuân, cô Đặng Thanh Nga đồng ý với quan điểm này. Cô Nga cho rằng học sinh trả lời đủ gợi ý trong sách giáo khoa chỉ là đạt, chứ chưa hay. Học sinh viết được đoạn văn hay và phong phú phụ thuộc vào khả năng và phương pháp của từng giáo viên.

"Trẻ con nghĩ gì viết đấy và thường dùng những câu ngắn. Cô giáo phải hướng cho học sinh cách viết", cô Nga giải thích.

Cách của cô Nga là sửa bài trên nền ý tưởng của học sinh; sắp xếp lại từ ngữ, đảo vị trí của câu cho logic. Đoạn văn sau khi sửa vẫn là của các con.

"Vốn từ của các con rất non, kỹ năng trong đời sống cũng hạn hẹp, hiểu biết chưa phong phú nên cần một điểm tựa và văn mẫu chính là điểm tựa để học sinh viết đủ ý, đi đúng hướng", cô Nga phân tích, cho rằng các con cấp dưới nên đi theo văn mẫu trước khi có thể tự viết.

Thực tế văn mẫu không chỉ dành cho tiểu học mà còn phổ biến với những học sinh chuyển cấp hoặc cuối cấp. Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 10 một trường THPT ở Hà Nam, ám ảnh với khoảng thời gian hai tuần ôn thi nước rút vào cấp ba vừa qua. Tuấn Anh kể lịch học môn Văn của em thường vào buổi chiều 14h - 18h, đôi lúc vào 21-22h.

Các em được yêu cầu học thuộc lòng kiến thức đã được ghi chép và tài liệu phân tích từng tác phẩm được phát, đạt yêu cầu mới được về. Nếu muộn, học sinh sẽ ăn bữa phụ tại trường.

"Có những buổi, chúng em phải đi học lúc 6h. Bạn nào chưa thuộc sẽ phải ra ngoài học. Nhiều bạn nằm, ngồi vật vờ ở ghế đá để học thuộc lòng", Tuấn Anh nhớ lại. Cách học áp đặt kiến thức này khiến em và các bạn cảm thấy mệt mỏi. Một số thấy hoang mang vì không thể học thuộc được.

Khóa của Tuấn Anh có khoảng 100 học sinh lớp 9. Trong đợt thi vào lớp 10 mới đây, điểm trung bình môn Toán, tiếng Anh của các em không quá 5,5 điểm, nhưng điểm Văn ở ngưỡng 7, nhiều học sinh trên 8. Trường THCS mà Tuấn Anh học nằm trong nhóm trường có kết quả Văn cao nhất huyện.

Áp lực điểm số và thành tích, đặc biệt ở các kỳ thi lớn, là có thực, theo thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên Văn một trường THCS ở quận 1, TP HCM. Thầy Tùng thấu hiểu những áp lực xuất phát từ gia đình, nhà trường, thậm chí danh dự bản thân của đồng nghiệp dạy lớp cuối cấp. Nhiều giáo viên "làm mọi cách để ưu tiên điểm cho học trò".

Ở những năm lớp dưới, thầy cô còn có thể nuôi dưỡng đam mê, tình yêu với môn Văn cho các em nhưng vào cuối cấp, trách nhiệm lớn nên họ phải dạy để trò có điểm cao hơn là vì tình yêu với môn Văn.

Thầy cô biết đọc cho học sinh chép bài mẫu là không đúng nhưng đó là cách đối phó với người chấm thi khi giám khảo chưa thay đổi quan điểm, suy nghĩ của mình.

"Đôi khi giáo viên không dùng văn mẫu để dạy lại là gây thiệt thòi cho học trò của mình vì các em cần điểm cao trong kỳ thi đầy cạnh tranh", thầy Tùng nói.

Hơn 30 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Xuân, giáo viên Văn về hưu tại một trường THPT ở tỉnh Hòa Bình, cũng thừa nhận việc giáo viên đọc, chép bài văn mẫu cho học sinh vẫn diễn ra trong các buổi học thêm ở trường. Một số thầy cô dạy thêm nhiều, không có thời gian chăm chút cho bài giảng nên dùng văn mẫu để đọc cho học sinh chép.

Theo Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội, tư duy khuôn mẫu không phải mới có thời nay. Nguồn gốc sâu xa có lẽ từ tư tưởng "phi ngã, vô ngã" trong tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, chi phối vào nguyên tắc "thuật nhi bất tác" trong văn học trung đại suốt nghìn năm nay, tạo nên tâm lý tôn sùng khuôn mẫu.

Tâm lý thông thường của hội chứng đám đông khiến con người thường mong tìm thấy sự an toàn trong đồng phục, thích làm theo khuôn mẫu hơn là sáng tạo, ghi dấu ấn cá nhân, thể hiện cái tôi cá nhân.

"Nguyên nhân quan trọng khác đưa tới hiện trạng khuôn mẫu trong nhà trường hiện nay chính là tâm lý vị thành tích, lười biếng tư duy, sợ đổi mới, sợ khác biệt", cô Tuyết cho biết.

Tiến sĩ chỉ ra rằng, dùng văn mẫu làm phương tiện dạy và học, thầy và trò sẽ không thể phát triển được năng lực hay hình thành nhân cách cá nhân. Không phải động não tư duy, văn mẫu khiến thầy trò mất thói quen quan sát, khám phá thế giới, cuộc sống, con người, không cần tới năng lực quan sát hay tư duy.

Theo chuyên gia giáo dục, văn mẫu công khai trên mạng xã hội, bủa vây người dạy, người học, dồn đẩy cái tôi sáng tạo ra khỏi địa hạt giáo dục, nhường chỗ cho copy – paste (sao chép – cắt dán) thô sơ của phổ thông, những xào xáo tinh vi hơn ở đại học.

Để khắc phục tình trạng dạy và học nặng lý thuyết, đọc chép và học thuộc văn mẫu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu ngăn chặn tình trạng học thuộc, chép văn mẫu trong hướng dẫn mới. Các trường được yêu cầu thay đổi cách tiếp cận môn Văn, giúp học sinh được phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo; có điều kiện trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng tiếng Việt thông qua các hoạt động trong và ngoài lớp.

Thầy Tùng đánh giá văn mẫu không xấu vì trước giờ vẫn luôn được in trong sách giáo khoa để học sinh tham khảo. Tuy nhiên khi bị lạm dụng, văn mẫu trở nên cực đoan.

Thầy Tùng cho rằng thay đổi cách ra đề và cách chấm sẽ khắc phục được tình trạng văn mẫu. Thầy thấy mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn từ năm học tới. Bằng cách này, các giáo viên quen dùng văn mẫu buộc phải bồi dưỡng chuyên môn của mình.

Thầy cho rằng đề thi Văn của TP HCM hiện đã có đổi mới, chú trọng vào kỹ năng và năng lực của học sinh, nhờ đó tình trạng văn mẫu được hạn chế.

Cô Tuyết cũng đánh giá phần kiểm tra đánh giá sử dụng những tác phẩm ngoài chương trình sách giáo khoa là giải pháp xóa bỏ vấn nạn văn mẫu.

Với đối tượng học trò 2005 và 2006, do 11 năm nay, các em vẫn học theo tinh thần của chương trình giáo dục cũ, cô đề xuất cách ra đề hướng tới phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học trò và ra đáp án đủ khoảng trống cho tư duy độc lập của các em, tránh sự áp đặt, khuôn mẫu.

*Tên một số giáo viên, học sinh đã được đổi.

Bình Minh - Duy Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022