Theo ThS Nguyễn Đức Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), thí sinh nên chọn nghề trước, rồi mới chọn trường đào tạo. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo đa ngành nghề nên có sự cạnh tranh cao, thí sinh khó phân biệt.

Nhìn nhận việc học ở cơ sở đào tạo uy tín, "đẳng cấp" rất quan trọng và quyết định đầu ra của thí sinh, nhưng quan trọng các em cần lựa chọn ngành học đúng với sở thích, năng lực của mình. Chia sẻ thông tin trên, cô Lê Thị Thu Hiền – giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang) đồng thời nhấn mạnh: Dù vào trường đại học tốt, thuộc tốp đầu nhưng nếu các em chọn sai ngành, không đúng đam mê thì khó có thể học tốt.

Tại chương trình tư vấn, hướng nghiệp năm 2022 do Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) tổ chức, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho hay, có thí sinh đăng ký tới gần 50 nguyện vọng nhưng không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên nhóm ngành và cơ sở đào tạo phù hợp. Cũng có thí sinh không phân biệt được ngành đó đào tạo đại trà, chất lượng cao hay tiên tiến... nên chọn sai ngành dẫn tới lãng phí thời gian, tiền bạc và cơ hội của bản thân, gia đình và xã hội.

“Khi đã chọn được ngành, các em cần tìm hiểu công việc liên quan đến ngành nghề đó yêu cầu những gì? Mô tả vị trí công việc như thế nào? Nhu cầu thị trường lao động ra sao? Thí sinh cần có cách nhìn dài hạn để lựa chọn đúng. Sau giai đoạn chọn ngành sẽ tiến tới chọn trường. Sĩ tử cần xác định môi trường mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, kết hợp nhận định kinh tế gia đình có phù hợp không? Trên cơ sở đó đưa ra quyết định cuối cùng để đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Trần Thành Nam tư vấn.

PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra khuyến nghị, thí sinh cần dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Nếu chưa tìm ra, hãy tham vấn ý kiến phụ huynh và thầy cô giáo. Họ có thể nhận ra năng lực và điểm mạnh của các em.

Cho rằng, rất khó để có công cụ cho việc lựa chọn ngành học, trường học, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, thí sinh cần xem mình thích ngành nào và lý do thích ngành đó. Ngoài ra, các em lưu ý đến kết quả học tập so với yêu cầu của cơ sở đào tạo, rà soát điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình; đặc biệt chú ý đến các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ.

Nhận định xu hướng nghề nghiệp trong tương lai

ThS Nguyễn Đức Bình nhìn nhận, tâm lý sính bằng cấp đã giảm đáng kể. Học sinh bây giờ thực tế hơn nên việc lựa chọn học cao đẳng, trung cấp trở thành xu thế. Đây là tín hiệu đáng mừng và cho thấy nhận thức xã hội của thí sinh, phụ huynh đã thay đổi. Vì thế, công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp trong những năm gần đây phát triển mạnh và có nhiều tín hiệu khởi sắc.

chon-truong-2-7039-16597597113021341343782.jpg

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NTCC

Quan sát 5 năm trở lại đây, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận thấy, một số lĩnh vực như: Cơ điện tử, công nghệ thông tin…, sinh viên ra trường thường có việc làm ngay; thậm chí nhiều em còn tìm được việc làm từ khi học năm thứ 3…

Chia sẻ về một số ngành nghề có triển vọng trong giai đoạn 2020 - 2030, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức "điểm danh" top 5 ngành nghề, gồm: Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo (AI); Truyền thông – Marketing; Các ngành khối Sức khỏe (Y - Dược); Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới.

Trong tương lai, nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và có ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Do đó, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, thí sinh cần biết định hướng nghề nghiệp, hướng đến thị trường lao động trong 5 - 7 năm tới. Trong tương lai, yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng thay đổi. Sự khéo léo, cần cù, bền bỉ sẽ không phải là yếu tố quyết định để các em được lựa chọn, mà đó có thể là yêu cầu về năng lực thích ứng, tư duy phản biện. Bên cạnh đó, yếu tố IQ vẫn rất quan trọng nhưng EQ ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Theo TS Phạm Như Nghệ, việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh cũng bị ảnh hưởng bởi xu thế chung, trong đó có xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhiều nguồn nhân lực. Cùng với đó, khối ASEAN đã thống nhất trao đổi về nhân lực, các ngành trong khối công nghệ, kỹ thuật và một số ngành nghề có nhu cầu xuất khẩu lao động lớn như điều dưỡng… Đó là những ngành, nghề, lĩnh vực mà thí sinh quan tâm và có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong những năm gần đây.

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, thí sinh cần lựa chọn ngành nghề theo năng lực. Trong môi trường đại học, các em không chỉ học kiến thức mà còn được trang bị kỹ năng và phương pháp luận. Tuy nhiên, học đại học là yếu tố nền tảng, hành trang; điều quan trọng, các em cần nỗ lực không ngừng trong công việc cũng như cuộc sống.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022