Nguyễn Đức Thành, 22 tuổi, là thủ khoa tốt nghiệp của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện) với điểm trung bình học tập 9,1 và điểm thi tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc 9,8/10. Với thành tích này, anh được chuyển tiếp vào chương trình thạc sĩ tại Nhạc viện.

"Đó là vinh dự với Thành và với tôi. Sinh viên được chuyển tiếp lên cao học ngay sau khi tốt nghiệp đại học ở Nhạc viện rất hiếm", NSND Quốc Hưng, Phó giám đốc phụ trách Học viện, nói.

Thầy Hưng cho biết nhà trường đã gửi hồ sơ của anh lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để tham gia vòng xét duyệt học bổng du học Australia.

"Thành rất xứng đáng. Việc học tốt tất cả môn học ở Nhạc viện rất khó nhưng em ấy đã làm được", thầy Hưng chia sẻ.

thanh1-9667-1723712524.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bYZp_ycUBQHml5WMNwPtiw

Thành biểu diễn trong một chương trình tại Nhà hát lớn Hà Nội, hồi tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Hưng nhớ như in cách đây 7 năm, khi lần đầu tiên cậu học trò có dáng người cao lớn đến xin thử giọng để ôn thi vào hệ trung cấp thanh nhạc. Lúc ấy, Thành vừa đỗ vào lớp 10 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội với 55,5/60 điểm. Bố mẹ muốn Thành học ngành Kinh tế để sau này tiếp quản công ty gia đình nhưng thấy con đam mê ca hát nên để anh thử sức.

"Thử giọng nghe cũng được nên tôi nhận", thầy Hưng nhớ lại.

Thành ôn luyện trong 10 buổi, với bài Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt và một bài tiếng Italy nói về tình yêu buồn. Anh kể bật bài hát Tình ca cả ngày để thẩm thấu âm nhạc. Tiếng nhạc luôn bên tai, dù là lúc rửa bát hay khi anh dọn nhà. Nhờ đó, Thành có thể xử lý nhuần nhuyễn và tròn trịa bài hát.

Với ca khúc tiếng Italy, anh phải chật vật để học lời. "Tôi rất lo vì chưa từng tiếp xúc với ngôn ngữ này. Trước tiên tôi cần phát âm chuẩn, sau đó hiểu ý nghĩa lời ca", Thành kể.

Thành dùng Google dịch lời bài hát, nắm bắt câu nào diễn tả niềm vui hay nỗi buồn để thể hiện đúng cảm xúc. Khi đã thuộc lời, anh nghe những ca sĩ thể hiện ca khúc này để học hỏi.

Năm 2017, Thành đỗ hệ trung cấp và học song song chương trình văn hóa ở trường. Càng học, anh càng cảm thấy hứng thú và muốn gắn bó với con đường này. Thành tìm hiểu thêm tài liệu, kỹ thuật bên ngoài để hoàn thiện giọng hát và cách xử lý tác phẩm.

Theo anh, để đi được đường dài với thanh nhạc, cần có sức khỏe, chăm chỉ học hỏi và tích cực nâng cao chuyên môn. Thành chạy bộ, bơi, tập gym thường xuyên. Anh cũng rèn cột hơi bằng ba bài tập: nén hơi, giữ hơi và điều tiết hơi thở trong lồng ngực.

Với ca sĩ, cổ họng cực kỳ quan trọng. Vì thế, anh tránh hút thuốc, uống bia rượu hay dùng đồ lạnh và luôn chú ý dinh dưỡng. Mùa hè, anh cũng không dám ngủ điều hòa, thậm chí còn phải quàng một chiếc khăn mỏng quanh cổ để bảo vệ họng. Trước khi ngủ, Thành xịt họng để giữ độ ẩm.

Lúc đầu chưa quen, làm được vài hôm, anh bỏ nhưng sau đó thấy giọng kém, không hát được. Cũng có lần, Thành ốm trước kỳ thi một tuần nên không thể hiện được bài thi tốt nhất.

"Vì thế, đã xác định theo con đường này, tôi phải kỷ luật và kiên trì", thủ khoa nói.

Chương trình hệ trung cấp kéo dài bốn năm, song với kết quả học tập xuất sắc, hết năm thứ 3, Thành được "nhảy cóc" lên đại học. Năm 2020, Thành là thủ khoa đầu vào ngành Thanh nhạc của Nhạc viện với 26,7 điểm.

Thầy Hưng cho hay học trò có giọng baritone (nam trung) phổ biến ở Việt Nam. Trong quá trình học, Thành bộc lộ năng khiếu, có thể làm được ngay sau khi thầy thị tấu.

"Dạy Thành rất nhàn. Bạn ấy chăm chỉ và giỏi", NSND Quốc Hưng chia sẻ. "Ý thức học tốt nên kỳ nào Thành cũng được học bổng của trường và tổ chức nước ngoài".

Theo thầy Hưng, sinh viên thanh nhạc thi tốt nghiệp bằng 8 bài hát, trong đó 5 tác phẩm là trích đoạn opera, nhạc kịch nước ngoài, tác phẩm Romance, còn lại là các bài trường ca, dân ca... Việt Nam. Sinh viên phải biểu diễn một mạch cả 8 bài trong 45-50 phút.

"Khó nhất là các tác phẩm nước ngoài. Không có năng khiếu, sức khỏe và tài năng thực sự không thể hát được cả một chương trình tốt nghiệp như vậy", ông nói thêm.

thu-khoa-tot-nghiep-nhac-vien-hat-nguoi-me-mien-nam-tay-khon-1723740645.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GlpXUcUBNukqe0Spy5jZwA
Thủ khoa tốt nghiệp Nhạc viện hát 'Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc'

Thành hát "Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc" trong chương trình tốt nghiệp, hôm 13-14/6. Video: Nhân vật cung cấp

Phần thi của Thành được chấm điểm cao nhất khóa. Có được kết quả này, Thành biết ơn thầy Hưng đã dìu dắt và đưa đi biểu diễn cùng. Nhờ đó, anh có nhiều trải nghiệm và học hỏi được các kỹ năng biểu diễn trên sân khấu.

Thành cũng thấy may mắn khi bố mẹ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để theo đuổi mơ ước. Suốt 7 năm học, anh được gia đình khuyến khích tập trung vào việc học, thay vì đi làm để có thêm thu nhập.

"Khi chọn học thanh nhạc, bố mẹ cũng từng lo lắng về tương lai công việc. Giờ bố mẹ tự hào và hạnh phúc vì tôi đã chọn con đường đam mê", Thành nói.

Thành mong muốn trở thành giảng viên nên sẽ học cao học và làm thêm các công việc về chuyên môn để tích lũy kinh nghiệm sống, từ đó thể hiện các ca khúc có chiều sâu hơn.

"Bạn cần hiểu mình có thực sự đam mê âm nhạc không hay chỉ là hứng thú nhất thời, sau đó mới xác định trở thành ca sĩ, nhạc công hay thầy giáo", anh đúc rút. "Nếu chọn làm ca sĩ, bạn phải chọn dòng nhạc theo đuổi, còn làm giảng viên cần tập trung nâng cao chuyên môn và trải nghiệm".

thanh-7713-1723712524.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ngk3ud0TIIQuhGwgo3oDhw

Thành (phải) và NSND Quốc Hưng, trong chương trình biểu diễn tốt nghiệp, hồi tháng 6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022