Nhà tâm lý học so sánh Winthrop Niles Kellogg và cô bé tinh tinh Gua.
Cách đây gần một thế kỷ trước, nhà tâm lý học so sánh Winthrop Niles Kellogg và vợ đã chào đón một thành viên mới của gia đình: một cô tinh tinh nhỏ. Kế hoạch của họ là nuôi chú tinh tinh này lớn lên như một người bạn của con trai mình, Donald. Tuy nhiên, kết cục của nó lại không mấy tốt đẹp.
Cô bé tinh tinh Gua sinh vào ngày 15/11/1930 và được đưa đến nhà của Kellogg khi mới chỉ 7,5 tháng tuổi, còn con trai Donald của họ chỉ mới được 10 tháng tuổi.
Theo dữ liệu được ghi chép lại, thí nghiệm kỳ lạ này được thực hiện nhằm nghiên cứu xem môi trường sống sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của một con tinh tinh. Liệu ở môi trường xã hội loài người, tinh tinh có thể cư xử, tư duy và hành động giống như con người được không?
Kể từ khi còn là sinh viên, Kellogg đã luôn mơ ước được tiến hành một thí nghiệm của riêng mình. Ông sớm bị mê hoặc bởi những đứa trẻ lớn lên trong rừng, được nuôi lớn bởi sói chứ chưa từng tiếp xúc với con người.
Thí nghiệm này đã diễn ra trong vòng 9 tháng liên tục, 12 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần. Họ đã nuôi lớn hai đứa trẻ trong điều kiện giống nhau nhất có thể từ mặc quần áo giống nhau cho đến việc ngủ trên giường và được hôn chúc ngủ ngon mỗi buổi tối. Ngoài ra cả hai còn được ăn cùng một loại thức ăn và tham gia các hoạt động giống nhau.
Trong thời gian này, đôi vợ chồng nhà khoa học cũng tiến hành một số bài tập nhỏ đối với Gua và Donald. Tuy nhiên, đáng buồn thay, kết quả mà họ nhận được lại tồi tệ hơn nhiều so với mong đợi khi Donald bắt đầu bộc lộ những đặc điểm giống vượn người.
Cậu bé bắt đầu thể hiện sự hung hăng, cắn những người đến gần và thậm chí là phát ra những tiếng động giống như tinh tinh. Một số tài liệu còn viết thêm rằng Donald có biểu hiện tranh giành thức ăn của Gua và bắt đầu đi bằng 4 chi.
Khi quan sát được những biểu hiện tiêu cực của con, đôi vợ chồng đã quyết định kết thúc thí nghiệm trước thời hạn. Nhưng mọi việc dường như đã quá muộn.
Dù không có quá nhiều ghi chép về tình trạng của người con trai, nhưng có thông tin cho rằng cậu bé năm nào đã tự sát vào năm 1973, khi mới chỉ được 43 tuổi. Về phần Gua, cô bé tinh tinh được đưa trở lại trung tâm ở Florida sau 9 tháng ở cùng gia đinh Kellogg. Ở đó, cô là đối tượng của những nghiên cứu sâu hơn về loài tinh tinh, cuối cùng, cô đã chết vì viêm phổi khi được 3 tuổi.
Theo The Psychological Record, thí nghiệm của Kellogg là một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất và có ý nghĩa với ngành khoa học: "Thí nghiệm của Kellogg đã thành công hơn bất cứ thí nghiệm nào trước đó trong việc chỉ ra những hạn chế về mặt di truyền của một cá thể, ngay cả khi cá thể đó được đặt vào một môi trường phát triển phong phú hơn".
Tuy vậy, Kellogg vẫn vấp phải vô số lời chỉ trích đến từ các đồng nghiệp, công chúng cũng như chính người vợ của ông. Họ đều cho rằng thí nghiệm này quá vô nhân đạo vì đã sử dụng trẻ sơ sinh, thậm chí là con ruột của mình để nghiên cứu và tách Gua, một loài động vật vốn có tập tính sống theo bầy đàn ra khỏi môi trường sống quen thuộc của mình.
Nguồn: Times Now