Đại học CMC khoảng hai năm nay đào tạo tất cả ngành trong ba năm, gồm Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Quản trị kinh doanh, Marketing, Thiết kế đồ họa, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật.
Sinh viên được học đầy đủ môn từ đại cương đến cơ sở ngành, chuyên ngành, thực tập nghề nghiệp và tốt nghiệp. Đổi lại, họ phải học ba kỳ một năm thay vì hai kỳ như sinh viên các trường khác.
Nhóm trường đào tạo hệ cử nhân trong ba năm còn có Đại học Gia Định, Đại học Đại Nam. Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tương tự, song chỉ áp dụng với một số chuyên ngành như Quản trị kinh doanh, Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quan hệ quốc tế...
Nhiều trường khác công bố chương trình học trong 3,5 năm là Đại học Công nghệ TP HCM, Ngoại ngữ - Tin học TP HCM hay Hoa Sen.

Sinh viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Website nhà trường
Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2016, chương trình đào tạo đại học trong 3-5 năm học tập trung, giảm so với mức 4-6 năm trước đó.
Từ năm 2021, quy chế đào tạo đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường linh hoạt thiết kế chương trình, có thể tổ chức 2-3 học kỳ chính mỗi năm và thêm học kỳ phụ.
Việc giảng dạy ba học kỳ chính trong năm, để rút ngắn thời gian bậc cử nhân còn 3-3,5 năm dựa trên quy chế này, theo đại diện nhiều trường. Các trường khẳng định đã tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.
Bà Cao Thị Quỳnh, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Đại Nam, cho biết trường phải đầu tư nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên và cơ sở vật chất, điều chỉnh chương trình học để sinh viên vừa học lý thuyết, vừa tiếp cận thực tế từ sớm.
Thực tế, việc đào tạo bậc cử nhân trong ba năm phổ biến trên thế giới. Một số trường có yếu tố quốc tế cũng theo lộ trình này, như Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), RMIT Việt Nam hay Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
Đại diện BUV cho biết theo mô hình giáo dục đại học của Anh, cấu trúc chương trình học cô đọng, tập trung vào chuyên môn ngay từ năm đầu tiên, thay vì chỉ dạy các môn đại cương.
Tuy nhiên, chương trình học 3-3,5 năm cũng có một số khó khăn. Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình 3,5 năm khóa đầu tiên của Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM đầu tháng 3, nhà trường cho biết đội ngũ giảng viên gặp áp lực khi phải nâng cao chất lượng bài giảng, khả năng ứng dụng tiếng Anh và công nghệ trong giảng dạy.
Về phía sinh viên, đại diện Đại học Đại Nam và BUV nhìn nhận họ đối mặt với áp lực học tập cao hơn do phải học môn chuyên ngành, thực tập sớm, hoàn thành số tín chỉ quy định trong thời gian ngắn hơn trước. Điều này đòi hỏi sinh viên biết cách tự học, quản lý thời gian.
"Với các chương trình học quốc tế, sinh viên còn cần thành thạo tiếng Anh học thuật để tiếp thu bài giảng và trao đổi hiệu quả với giảng viên, bạn bè", đại diện BUV nói.
Dù vậy, hầu hết sinh viên ủng hộ rút ngắn thời gian đào tạo, theo bà Cao Thị Quỳnh. Nhiều trường khác cho hay tại các sự kiện tư vấn tuyển sinh, nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm đến chương trình học 3 năm.
Với các trường đào tạo 4 năm, không ít sinh viên chủ động đẩy nhanh lộ trình học tập để tốt nghiệp sớm, đặc biệt ở các trường khối ngành Kinh doanh - Kinh tế và Khoa học xã hội nhân văn. Như tại Đại Ngoại thương, năm 2024 có gần 1.100 sinh viên tốt nghiệp sớm nửa năm, tăng gần 140 so với năm trước đó, chiếm hơn 30% tổng sinh viên khóa. Năm nay, số sinh viên tốt nghiệp sớm ở trường này tiếp tục tăng - lên 1.300 người.
Dương Tâm