Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ UEH lần 15, GS Sử Đình Thành, Giám đốc UEH, nhấn mạnh hai chiến lược trên và xem đây là cách thích nghi trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu đang chuyển mình theo hướng hội nhập, phát triển bền vững.

Với mục tiêu "quốc tế hóa qua công bố quốc tế gắn với đào tạo đa ngành", ban lãnh đạo chủ trương thúc đẩy "lượng và chất" của từng báo cáo khoa học trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục Scopus, ISI. Đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu được khuyến khích hợp tác học giả toàn cầu, tham gia mạng lưới học thuật lớn.

"Kết nối nghiên cứu - đào tạo là nền tảng quan trọng để UEH nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển chương trình lẫn ngành học mới gắn với sự chuyển động tri thức toàn cầu", GS Sử Đình Thành cho hay.

Đơn cử, các công bố quốc tế chỉ được tài trợ khi thuộc lĩnh vực giảng dạy trọng tâm và hướng nghiên cứu chính (research mainstreams) ở từng giai đoạn. Đây cũng cơ sở để nhà trường mở thêm loạt lĩnh vực mới như: arttech; điều khiển thông minh - tự động hóa; công nghệ marketing; kinh doanh số; công nghệ - đổi mới sáng tạo; logistics; kiến trúc - thiết kế đô thị.

image001-1747201127-9212-1747201593.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_gwOP8OIdoMHJhDMpuSMpg

Một tiết thực hành của sinh viên. Ảnh: UEH

Ở mục tiêu thứ hai, UEH dần tạo dấu ấn trên bản đồ học thuật khi nghiên cứu gắn với các vấn đề đương đại của xã hội, địa phương, toàn cầu, theo định hướng 17 mục tiêu SGDs (phát triển bền vững).

Cụ thể, nhà trường khuyến khích những công bố góp phần phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam hoặc giải quyết vấn đề ở cấp độ khu vực, toàn cầu. Tiếp theo, các nghiên cứu này được lan tỏa qua chương trình truyền thông "Thương hiệu học thuật". Sau đó, ban lãnh đạo ứng dụng kết quả nghiên cứu xuất sắc thành sản phẩm tư vấn chính sách, góp phần phát triển vùng, địa phương.

image002-1747201145-1604-1747201593.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EXsHTbBxIKfuVSJzXqk0hQ

Nhà trường đề xuất nhiều chính sách hữu ích tại hội thảo "Đóng góp đường lối phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam giai đoạn 2025-2030", hôm 6/12/2024. Ảnh: UEH

Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo bệ phóng cho các tài năng trẻ, đơn vị chú trọng xây dựng môi trường và hệ sinh thái học thuật chuyên nghiệp.

Về chính sách, đơn vị không tài trợ hoặc thưởng cho công bố quốc tế thuộc Scopus Q4, mà tăng tỷ trọng Q1, Q2 ở tạp chí có ảnh hưởng (top 10% theo Citescore); yêu cầu báo cáo thu thập dữ liệu sơ cấp phải gắn với bối cảnh nước nhà, phục vụ phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.

Về nhân sự, ban lãnh đạo tiếp tục tuyển dụng giảng viên giỏi, tạo điều kiện để họ dự hội thảo nước ngoài hoặc tham gia chương trình học giả để cọ xát, học hỏi, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Về môi trường học thuật, nhà trường đầu tư thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu tạp chí chất lượng; số hóa hệ thống quản lý, theo dõi công bố quốc tế theo quy trình - từ đăng ký đề xuất tài trợ, phê duyệt, triển khai, theo dõi kết quả thực hiện đến quyết toán; phát triển các nhóm nghiên cứu theo Nghị định 109.

Từ năm 2000 đến nay, đơn vị có 3.200 bài công bố trên các tạp chí thuộc WOS/Scopus (255 bài đăng 4 tháng đầu năm nay), 720 báo cáo thuộc top 10% được trích dẫn nhiều nhất theo Scopus (36 bài năm nay). Tỷ lệ bài báo Q1, Q2 trên tổng Scopus đạt 84,60%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ bài báo quốc tế gắn 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ hơn 50% với 1.161 bài. Trong đó, UEH thể hiện thế mạnh ở các lĩnh vực truyền thống gắn SDG8 (công việc tốt, tăng trưởng kinh tế), SDG 9 (công nghiệp, sáng tạo, phát triển hạ tầng), SDG 10 (giảm bất bình đẳng), đóng góp gần 600 công bố quốc tế giai đoạn 2020-2023.

Tính riêng hệ số ảnh hưởng, công bố quốc tế của UEH gắn SDGs đều có hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao hơn 1, đa số là cao 2.

Ở tiêu chí SDG3 (sức khỏe, cuộc sống tốt), SDG7 (năng lượng sạch giá thành hợp lý) và SDG13 (hành động về khí hậu), nhà trường đạt hệ số trích dẫn điều chỉnh theo lĩnh vực (FWCI) cao - mức 5.

* Số liệu công bố quốc tế UEH tính từ đầu năm 2025

Số liệu công bố quốc tế 2025 Tính đến 13/5/2025
Số bài báo WOS 140
Số bài báo Scopus 241
Tổng số bài WOS/Scopus 255
Số bài báo gắn SDGs theo Scopus 117
Số bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất Scopus 36
Tỷ lệ bài báo Q1/Q2 trên tổng bài báo Scopus 87%

* Số liệu công bố quốc tế UEH giai đoạn 2000-2025

Số liệu công bố quốc tế từ năm 2000 Tính đến 13/5/2025
Số bài báo WOS 2.149
Số bài báo Scopus 2.694
Tổng số bài WOS/Scopus 3.200
Số bài báo gắn SDGs theo Scopus 1.161
Số bài báo trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất Scopus 720
Tỷ lệ bài báo Q1/Q2 trên tổng bài báo Scopus 84,6%

Đến nay, tỷ lệ giảng viên UEH tham gia công bố quốc tế ISI/Scopus liên tục tăng (chiếm gần 40% trong khung ba năm), bình quân đạt 0,8 bài báo quốc tế/giảng viên/năm. Song song đó, 85% số bài thuộc Scopus phân vị Q1, Q2; 80% đăng trên tạp chí uy tín (Springer, Elsevier, Wiley-Blackwell, Emerald)...

Qua chương trình truyền thông "Research Contribution for All" triển khai từ 2021, đơn vị lan tỏa hơn 200 chủ đề nghiên cứu đương đại ở đa lĩnh vực - từ kinh tế, kinh doanh, luật, chính sách công, công nghệ đến thiết kế, đạt gần một triệu lượt tiếp cận.

Theo GS Sử Đình Thành, hai hướng tiếp cận chiến lược và hệ sinh thái học thuật giúp nhà trường gắn nghiên cứu với đào tạo đa ngành, ứng dụng thực tiễn. Kết quả trên góp phần giúp UEH đứng thứ 136 danh sách đại học tốt nhất châu Á; top 301+ bảng xếp hạng QS châu Á; vào top "Đại học bền vững 2024" của QS World (thứ 860 toàn cầu, 234 châu Á và thứ ba Việt Nam); vị trí 301+ toàn cầu trên bảng THE Impact 2023; 43 thế giới trong mục tiêu SDG8 (công việc tốt, tăng trưởng kinh tế).

"Chúng tôi đã, đang đổi mới để giải quyết thách thức xã hội, phù hợp thực tiễn phát triển. Ban lãnh đạo sẽ kiên định mục tiêu này, đóng góp cho sự phát triển của nước nhà lẫn tri thức cộng đồng khoa học thế giới, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, qua đó xứng đáng là đại học công lập trọng điểm quốc gia, có vị thế trong khu vực lẫn thế giới", GS Sử Đình Thành nói thêm.

Thiên Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022