Khi nhận được cuộc gọi của chồng báo tin mất việc, tôi không tin vào tai mình. Tiến – chồng tôi, phó giám đốc của một công ty lớn, người từng đứng lên từ hai bàn tay trắng, từng tự hào kể rằng mình là cánh tay phải của tổng giám đốc – giờ lại bị đẩy ra đường với lý do công ty cắt giảm nhân sự.
Nhưng tôi biết, đó chỉ là cái cớ. Ngay hôm ấy, tôi gọi điện hỏi một chị đồng nghiệp của Tiến, chị ấy ấp úng một hồi rồi bảo thật: "Cậu ấy là người có năng lực, nhưng mà… cháu đích tôn của ông tổng vừa du học về, nên cậu ấy phải nhường ghế thôi. Chuyện này khó tránh lắm em ạ".
Tôi thở dài, lòng đầy cay đắng. Tiến cống hiến bao năm, không ngờ lại phải nhường ghế chỉ vì cái mác "cháu đích tôn".
Những ngày đầu, Tiến vẫn tỏ ra bình thản, thậm chí còn vỗ ngực bảo tôi: "Đàn ông ai chẳng có lúc vấp ngã. Anh sẽ tìm việc khác, còn nhiều cơ hội mà". Tôi cũng gắng tỏ ra lạc quan, động viên chồng rằng mất việc này sẽ tìm được việc khác, có khi còn tốt hơn.
Nhưng rồi từng tuần trôi qua, từng tháng nối tiếp, Tiến vẫn không tìm được việc. Lúc đầu, anh còn chăm chỉ gửi hồ sơ, đi phỏng vấn, gặp gỡ đối tác cũ, nhưng càng về sau, những cuộc gọi phỏng vấn thưa dần, Tiến cũng dần mất đi sự kiên nhẫn.
Anh bắt đầu thay đổi. Từ một người chồng chỉn chu, cẩn thận, anh dần trở nên luộm thuộm, cộc cằn, suốt ngày chỉ ngồi trước màn hình điện thoại, xem hết video này đến video khác.

Ảnh minh họa
Mỗi sáng, khi tôi lục đục chuẩn bị bữa sáng, đánh thức con đi học, Tiến vẫn còn nằm dài trên giường, tóc tai bù xù, râu mọc lởm chởm. Có lần tôi nhắc anh dậy ăn sáng rồi đi gặp vài người bạn để tìm cơ hội, anh chỉ gắt lên: "Em thôi đi! Anh cũng biết mình thất nghiệp chứ có phải đồ vô dụng đâu mà cứ nhắc mãi".
Càng ngày, Tiến càng trở nên khó chịu, hay cáu bẳn với vợ con. Con trai tôi – thằng bé mới học lớp 3 – từng rất thần tượng bố, giờ cũng sợ bố, cứ thấy Tiến ngồi phòng khách là lẳng lặng tránh vào phòng riêng.
Rồi một tối, khi tôi đi làm về muộn, vừa bước vào cửa đã thấy khói thuốc lá bốc lên nghi ngút từ phòng khách. Tiến ngồi bệt dưới sàn nhà, trước mặt là cả đống vỏ lon bia rỗng, khói thuốc cuộn quanh, đôi mắt vô hồn nhìn chằm chằm vào màn hình tivi đang phát mấy video quảng cáo lặp đi lặp lại.
Tôi cố nén cơn giận, đi thẳng vào phòng, đặt túi xách xuống rồi quay ra dọn dẹp. Vừa cầm chiếc chổi, tôi đã nghe tiếng Tiến cười khẩy từ sau lưng: "Cô vợ chăm chỉ quá nhỉ? Làm có đủ nuôi chồng không đấy?".
Tôi sững người nhưng không nói gì, chỉ lẳng lặng quét sạch đống rác dưới chân chồng, dọn từng lon bia lăn lóc, dập điếu thuốc cháy dở trên bàn rồi vào bếp hâm lại thức ăn cho con.
Đêm ấy, tôi nằm trằn trọc mãi. Tôi biết Tiến đang suy sụp, đang mất phương hướng, nhưng sự chịu đựng của tôi cũng có giới hạn. Tôi không thể cứ mãi nhẫn nhịn nhìn chồng mình tự hủy hoại bản thân, hủy hoại cả gia đình.
Một sáng chủ nhật, khi Tiến còn ngáy khò trên giường, tôi lặng lẽ đưa con về ngoại. Tôi biết, nếu còn tiếp tục như thế này, gia đình chúng tôi sẽ tan vỡ. Tôi cần thời gian để suy nghĩ, để tìm cách kéo Tiến ra khỏi vũng lầy trước khi mọi chuyện quá muộn.
Nhưng liệu Tiến có đủ tỉnh táo để tự cứu mình, hay sẽ mãi chìm đắm trong cơn mê của kẻ thất bại?