Những “tấm vé thông hành” khi sở hữu IELTS cao

Linh Anh (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Ngoại giao (DAV). Ngay từ khi vào trường, nữ sinh đã vạch ra cho mình 2 định hướng công việc: Đi làm phiên dịch hoặc đi dạy IELTS. Sau nhiều lần cân nhắc “nâng lên đặt xuống”, Linh Anh “all in” cho lựa chọn thứ hai: Trở thành giáo viên dạy IELTS bởi nhận thấy bản thân hơi hướng nội, khả năng ứng khẩu hay ứng biến với những tình huống bất ngờ không quá tốt.

Có nền tảng tốt là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của trường đại học top, song Linh Anh thấy như vậy thôi là chưa đủ. Cô đã đặt mục tiêu chinh phục thêm chứng chỉ IELTS. Theo Linh Anh, sở hữu tấm bằng IELTS cao giúp cô nàng vừa thỏa mãn điều kiện đầu ra của trường, vừa là “cần câu cơm” phục vụ cho công việc sau này.“Đã là giáo viên dạy IELTS thì IELTS phải ‘khủng’ một chút, với cả mình là sinh viên ngôn ngữ, học thêm các chứng chỉ ngoại ngữ để nâng cao khả năng không hề thừa”, Linh Anh nghĩ.

Sau khi tham gia một khóa học luyện thi IELTS, Linh Anh tham gia thi để lấy chứng chỉ này lần đầu tiên vào tháng 9/2023 và kết quả đạt được là 7.0 IELTS. Không bằng lòng vì cho rằng sinh viên ngoại ngữ mà đạt điểm số như vậy thì vẫn chưa ổn, Linh Anh đặt mục tiêu thi lại và hiện có 8.0 IELTS. Sắp tới đây Linh Anh mới chính thức tốt nghiệp tại DAV, nhưng hiện tại cô đã tìm kiếm được công việc dạy IELTS bên cạnh những nghề “tay trái” khác. Mức lương mà Linh Anh nhận được khá ổn, đủ để cô cho thể thỏa mãn đam mê vi vu khắp nơi của mình.

Linh Anh chia sẻ: “Vì mình là sinh viên ngoại ngữ và định hướng công việc tương lai có liên quan đến nó nên mục tiêu của mình là đạt điểm số IELTS cao nhất có thể. Với 8.0 IELTS, mình có thể đi dạy ngoại ngữ, làm các công việc biên dịch và nó giúp mình tạo nguồn thu nhập cho bản thân. Không biết tương lai thế nào, nhưng mình cảm thấy những nỗ lực của bản thân là hoàn toàn xứng đáng”.

Cũng sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khuất Minh Thu Giang - Luật sư Thương mại quốc tế (thuộc Liên đoàn Luật sư Anh và Xứ Wales) đang công tác tại một hãng luật hàng đầu thế giới có trụ sở chính ở Luân Đôn (Anh Quốc), cho biết:

“Trước khi du học, mình có ôn luyện cả IELTS lẫn TOEFL. Cả 2 chứng chỉ này đều có giá trị tương đương nhau, nhưng TOEFL thường được chấp nhận rộng rãi hơn ở Mỹ, còn IELTS thì ở Anh. Trong quá trình học từ Cử nhân đến Thạc sĩ tại Anh, sở hữu tấm bằng IELTS giúp mình chứng minh phần nào khả năng ngoại ngữ của bản thân. Ngoài ra, IELTS còn là giấy tờ quan trọng giúp mình trong quá trình đi làm visa hay xin việc bên này nữa. Bây giờ đi làm tại Anh, có nhiều từ học thuật từng tiếp xúc từ hồi ôn thi IELTS, mình gặp lại thường xuyên”.

44815621011277590517842872294447800955795863n-17191474226862124073486.jpg

Trước khi đi du học, Thu Giang có ôn luyện cả IELTS lẫn TOEFL

Không chỉ là tấm vé “thông hành” để cử nhân bước chân vào thị trường lao động thuận lợi, mà IELTS còn có ý nghĩa với nhiều bạn học sinh. Nếu chăm chỉ lướt “tóp tóp” dạo gần đây sẽ thấy sĩ tử 2k6 đang chia ra làm 2 thái cực: Đã đỗ đại học bằng hình thức xét tuyển sớm của các trường đại học - Đang ôn luyện cật lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào cuối tháng 6.

Với các bạn đã đỗ đại học bằng hình thức xét tuyển sớm của các trường, trái ngược với cảm xúc hồi hộp, lo lắng của sĩ tử ở bên kia chiến tuyến, đa phần đều đều đang vô cùng thoải mái, thậm chí nhiều bạn đã nghĩ đến những chuyến du lịch “chilling” và “healing” ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc.

Tiến Anh (Hà Nội) trước khi bước vào lớp 12 đã được mọi người “rỉ tai” rằng phải cố “chen chân” vào các trường đại học top bằng hình thức xét tuyển sớm. Đặt mục tiêu vào Đại học Ngoại thương, Tiến Anh đã tham khảo rất kỹ đề án tuyển sinh của trường để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tiến Anh lựa chọn vào FTU theo phương thức 2 – Phương thức xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT, vì sở hữu 7.5 IELTS cùng GPA khủng kèm điều kiện học sinh trường chuyên.

Mới đây, Tiến Anh đã nhận thông báo trúng tuyển vào FTU theo phương thức này. Nam sinh chia sẻ bản thân “chưa bao giờ chill bây giờ”. Tiến Anh cũng đăng ký xét tuyển sớm vào một số trường khác nhưng hiện tại nam sinh đã không còn quá quan tâm nữa do đã trúng tuyển nguyện vọng 1.

Có IELTS là có tất cả?

Có công việc tốt sau khi ra trường - Giúp đỗ xét tuyển thẳng vào các trường đại học top - Giành lợi thế trong bộ hồ sơ du học, là những lợi ích dễ thấy nhất khi sở hữu tấm bằng IELTS “khủng” từ các ví dụ kể trên.

Tuy nhiên, nhiều người hiện nay có tư duy “thần thánh hóa” và lầm tưởng về “quyền lực” của tấm bằng IELTS khi cho rằng có IELTS là có tất cả. Điều này dẫn đến một số hiện trạng như: phụ huynh đổ xô cho con học IELTS càng ngày càng sớm bất chấp việc nó có thực sự phù hợp với con mình hay không, người trẻ vừa ra trường chăm chăm ôm suy nghĩ sẽ được ưu tiên khi đi xin việc nhờ sở hữu điểm IELTS cao hay đơn giản là những đối tượng bọn chen ôn luyện IELTS theo cách học mẹo, học tủ miễn là thi được chứng chỉ thay vì có kiến thức thật…

Tất cả dường như đã quên mất thực tế rõ ràng rằng IELTS chỉ là một bài kiểm tra trình độ ngôn ngữ, nó không đại diện cho năng lực học tập, làm việc của bạn. Chứng chỉ này có thể giúp bạn tạo ra lợi thế cạnh tranh song không phải là yếu tố tiên quyết giúp bạn chinh phục bất cứ mục tiêu nào. Nếu chỉ có tấm bằng IELTS, điều đó sẽ không nói lên được điều gì.

Sở hữu IELTS cao giúp Linh Anh kiếm được công việc giảng dạy mà bản thân yêu thích. Nhưng mọi người quên mất được rằng trong suốt 4 năm đại học, nữ sinh đã phải nỗ lực rất nhiều để trau dồi khả năng nói trước đám đông, truyền tải kiến thức - những kỹ năng quan trọng để trở thành giáo viên, bên cạnh học IELTS.

Sở hữu IELTS cao giúp Tiến Anh trúng tuyển đại học sớm, tuy nhiên bên cạnh IELTS thì nam sinh phải đáp ứng nhiều điện kiện ràng buộc khác kèm theo như: Là học sinh trường chuyên; Có điểm trung bình GPA từ 8,0 trở lên, thì mới có thể trúng tuyển vào FTU.

Sở hữu IELTS cao giúp Thu Giang thuận lợi hơn trong công việc song rõ ràng, sẽ chẳng có trường đại học nào ở nước ngoài hay hãng Luật quốc tế nào lại cô chỉ vì cô có IELTS.

Rồi chắc hẳn các bạn sẽ không còn quá xa lạ với những câu chuyện như: Đạt 8.0 IELTS nhưng khi sang nước ngoài vẫn không hiểu người nước ngoài nói gì… Đương nhiên, nó chỉ là thiểu số, không phải mẫu số chung đánh giá cho tất cả trường hợp. Nhưng cũng nhân đây, chúng ta cũng nên xem lại tư duy “có IELTS cao là có tất cả” của một số người.

Chuyên gia Giáo dục Ngô Huy Tâm chia sẻ: “Khi tôi còn ở bên Mỹ hỗ trợ các bạn sinh viên sang học, nhiều bạn điểm IELTS thi ở nhà rất tốt nhưng sang đến nơi, đi thang máy nghe người bản xứ nói chuyện, các bạn vẫn không hiểu họ nói cái gì.

Vốn dĩ IELTS là một kỳ thi mang tính thang đo, không đo được tính toàn diện mà chỉ đo được lát cắt một chiều nào đó mà thôi. IELTS đo được năng lực của bạn trong môi trường học thuật. Tuy nhiên, bạn được 8.0, 9.0 IELTS không có nghĩa bạn đã đủ giỏi để hiểu hết những kiến thức mình sẽ học ở môi trường nước ngoài. Bởi việc sử dụng và học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau”.

photo-4-1668268981756140334872-17191475897361378804510.jpg

Theo chuyên gia Giáo dục Ngô Huy Tâm, IELTS là một kỳ thi mang tính thang đo, không đo được tính toàn diện

Đồng quan điểm, thầy Luyện Quang Kiên - người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 IELTS tất cả các kỹ năng nói: “Chứng chỉ IELTS chỉ giúp đánh giá về khả năng ngôn ngữ của người dùng và một phần khá nhỏ về tư duy - nhất là với các bạn đã đạt điểm số cao trong bài thi nói và viết. Ngoài ra chưa có nghiên cứu nào chỉ ra mối liên hệ giữa IELTS và trí thông minh hay khả năng thành công. Do đó, IELTS nên được nhận thức đúng đắn và trả về đúng giá trị của nó”.

Tóm lại, IELTS không phải là tất cả, nhưng nó là một trong những nhân tố giúp các bạn đến gần hơn đến mong muốn của bản thân.

photo-6-16867214220561599556273-1719147778491826902540.jpg

Thầy Kiên chia sẻ IELTS nên được nhận thức đúng đắn và trả về đúng giá trị của nó

Và những “lối đi” khác…

Hiện nay bên cạnh IELTS có rất nhiều chứng chỉ tiếng Anh được tạo lập ra với mục tiêu kiểm tra khả năng ngoại ngữ của ứng viên như: TOEIC; TOEFL, Cambridge ESOL... hay thậm chí là chứng chỉ tiếng Anh “hàng nội” như VSTEP (Vietnamese Standardized Test of English Proficiency nghĩa là Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam).

Với tư cách là nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Phương Thảo - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn lớn về công nghệ, hiện là Trưởng phòng nhân sự tại VNG ZingPlay Studios, đồng thời là Chuyên gia khai vấn thuộc Liên đoàn khai vấn quốc tế, chia sẻ:

“IELTS chỉ là một trong số các chứng chỉ để ghi nhận khả năng sử dụng tiếng Anh của ứng viên, bên cạnh đó còn có các chứng chỉ khác tương đương. Quan trọng là dù là chứng chỉ gì, điểm số như thế nào thì năng lực thực tế cần được thể hiện trực tiếp trong phỏng vấn và trong công việc. Chứ nếu bạn có chứng chỉ cao, vượt được vòng hồ sơ nhưng trình độ thực tế không tương đương thì bạn chắc chắn không phải là ứng viên phù hợp.

Tóm lại, IELTS có phải là yếu tố quyết định trong việc chọn lựa ứng viên hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như vị trí tuyển dụng, đặc thù ngành nghề, loại hình công ty… nhưng trên hết là trọng số của điều kiện này đối với vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở mức độ như thế nào”.

photo-3-16934867246871844499085-1719147839678524856978.png

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thùy Linh - hiện là trưởng phòng Hành chính nhân sự tại công ty TNHH JGC Việt Nam kiêm chuyên gia khai vấn lãnh đạo, cho hay nếu một công việc yêu cầu có tiếng Anh tốt thì ứng viên có chứng chỉ TOEIC hay chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đều đủ điều kiện chứ không riêng gì IELTS.

"Với công ty tôi, chứng chỉ TOEIC hay IELTS, hay bất kỳ chứng chỉ ngoại ngữ nào đều không phải là yếu tố quan trọng trong tuyển dụng. Theo quy trình tuyển dụng của công ty, ứng viên phải làm các bài kiểm tra trình độ và phỏng vấn bằng tiếng Anh. Quá trình tuyển dụng này sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng ngoại ngữ cũng như tư duy của ứng viên, từ đó mới quyết định việc tuyển dụng.

Có một vài trường hợp có chứng chỉ TOEIC cao, hoặc là cả IELTS nhưng không đáp ứng được tiêu chí về giao tiếp tốt, logical thinking qua giao tiếp tiếng Anh thì cũng không được đánh giá cao", chị Linh nhấn mạnh thêm.

photo-2-16934867238771305842904-17191480036122031368478.jpg

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh

Ở khía cạnh học hành, Hứa Nhật Thạnh - du học sinh tại Đại học Columbia (Mỹ), lựa chọn thi TOEFL và SAT, thay vì IELTS. Nam sinh chia sẻ tùy thuộc vào từng trường và từng quốc gia mà bạn có thể lựa chọn thi chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp. IELTS chỉ là một thước đo đánh giá khả năng ngôn ngữ. Muốn du học Mỹ, ngoài khả năng ngôn ngữ họ còn đòi hỏi những tố chất khác như khả năng lãnh đạo, hoạt động cộng đồng, tầm nhìn tương lai và sự kiên trì bền bỉ.

messengercreationf9e04341-a576-4213-be34-14b0ec6032e2-1719148185480410097145.jpeg

Nhật Thạnh lựa chọn thi TOEFL và SAT, thay vì IELTS

Tương tự, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Tuyền (học sinh trường Marie Curie) cũng lựa chọn thi chứng chỉ Duolingo để làm hồ sơ du học Mỹ. Trong mùa tuyển sinh vừa qua, cô nàng đã đỗ 9 trường đại học Mỹ, trong đó có trường Dickinson với học bổng gần 6 tỷ cho 4 năm học.

anh-chup-man-hinh-2024-03-24-luc-144234-15051264-17191514727092020956556.png

Thanh Tuyền đã đỗ 9 trường đại học Mỹ

Tổng hợp

https://kenh14.vn/nguoi-tre-trung-tuyen-dh-som-du-hoc-di-lam-kiem-tien-mot-phan-nho-ielts-la-loi-the-canh-tranh-nhung-100-khong-phai-ve-thong-hanh-20240623201916538.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022