Học viện Ngân hàng tuần trước công bố điểm chuẩn học bạ với hàng loạt ngành lấy 29,9, như Kiểm toán, Ngân hàng, Tài chính, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Luật Kinh tế... Đây là tổng điểm trung bình cộng các năm THPT của ba môn theo tổ hợp và điểm ưu tiên, khuyến khích (1,5-3 điểm).
Với cách tính điểm xét tuyển tương tự, nhưng điểm ưu tiên tối đa là 1, trường Đại học Thương mại lấy điểm chuẩn học bạ từ 25 trở lên. Trong đó, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cao nhất với 29,25 điểm, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử cùng lấy 29.
Đại học Ngoại thương cũng có hai ngành lấy điểm chuẩn 30/34 là Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp (chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế); Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 29/30.
Ở Đại học Luật Hà Nội, ngành Luật Kinh tế lấy điểm chuẩn học bạ là 30, Luật Thương mại quốc tế 29,8. Trong khi, Đại học Cần Thơ lấy mức 29,6 với ngành Sư phạm Toán, nhiều ngành khác trên 29.
TrườngĐại học Ngoại ngữ công bố điểm chuẩn học bạ theo trung bình môn, cao nhất là 9,4/10. Thí sinh phải là học sinh trường chuyên hoặc THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời vượt qua vòng phỏng vấn.
Thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, ngày 7/4. Ảnh: Quỳnh Trần
Theo đại diện phụ trách tuyển sinh của các đại học và giáo viên phổ thông, có ba lý do chính khiến điểm chuẩn học bạ cao gần tuyệt đối.
Thứ nhất là chỉ tiêu ít. Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Thương mại, cho biết số thí sinh được tuyển bằng xét học bạ chỉ chiếm khoảng 5% tổng chỉ tiêu của trường trong những năm qua. Ví dụ, có ngành tuyển 100 sinh viên, nhưng chỉ 5 em trúng bằng học bạ. Do đó, điểm chuẩn sẽ cao.
Tình hình tương tự với trường Đại học Ngoại ngữ. Theo TS Hoa Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng, năm nay lần đầu trường tuyển sinh bằng học bạ, dành khoảng 10-20% chỉ tiêu. Mức này tương đương 3-10 sinh viên ở một số ngành.
"Chỉ tiêu cho phương thức này khá ít, trong khi thí sinh đông, đều là những em xuất sắc của các lớp chuyên trong cả nước", ông Sơn nói.
Lý do thứ hai là các trường thường có thêm điểm cộng, ngoài điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chẳng hạn trường Đại học Ngoại thương cộng tối đa 4 điểm với học sinh đạt giải nhất thi học sinh giỏi quốc gia. Nếu đạt giải cấp tỉnh, các em được cộng cao nhất 2 điểm.
Ở Đại học Thương mại, ông Trung cho biết điểm mới năm nay là trường cộng thêm 1 điểm cho học sinh hệ chuyên. Vì vậy, điểm chuẩn của hầu hết ngành tăng 1-2 điểm.
Cuối cùng, theo một số giáo viên chủ nhiệm ở phổ thông, vì các đại học xét tuyển bằng học bạ, họ có tâm lý cởi mở, tạo điều kiện cho học sinh về điểm số.
"Có thể nhiều em chưa chốt học ngành gì, nhưng xác định được tổ hợp từ khá sớm. Do đó nếu không may sơ sảy trong 1-2 bài kiểm tra, các em muốn có một bài khác để gỡ lại điểm, chúng tôi cũng không khó khăn", một giáo viên cho biết.
Trước ý kiến về việc điểm chuẩn học bạ cao, có thể gây ra bất công hoặc đánh giá học sinh không chuẩn, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo của Học viện Ngân hàng, nói không đáng lo ngại.
Ông đánh giá thí sinh trúng tuyển đều là có năng lực và thành tích học tập xuất sắc. Những em đỗ bằng học bạ cũng thường có giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.
"Nhóm này còn có thể trúng tuyển theo nhiều phương thức khác, như xét học bạ kết hợp chứng chỉ, kết hợp điểm thi đánh giá tư duy, năng lực hoặc điểm tốt nghiệp", ông nhận định.
Năm 2023, hơn 546.000 thí sinh nhập học đại học. Trong số này, 30% xét tuyển bằng học bạ, tức khoảng 164.000 em. Tỷ lệ này tương tự mọi năm.
Thanh Hằng - Dương Tâm