Nữ sinh cho hay học hai buổi mỗi ngày từ lớp 10. Em không phủ nhận một số hoạt động có ích như hướng nghiệp, ôn luyện để chuẩn bị cho các kỳ thi trong nước. Nhưng Linh cũng muốn dành thời gian cho các sở thích cá nhân, tham gia hoạt động ngoại khóa để làm hồ sơ du học. Ngoài ra, nữ sinh cần luyện thi IELTS và SAT (bài thi chuẩn hóa được các đại học trên thế giới dùng xét tuyển đầu vào).
"Phải học cả ngày ở trường, rồi tối đi học thêm nữa thì rất mệt", Linh nói.
Minh Tâm, lớp 11 ở Hà Nội, cũng thấy "oải" nếu phải học 2 buổi mỗi tuần. Tâm kể trước đây, trường tổ chức học thêm vào các buổi chiều nhưng không có bán trú. Vì nhà xa, em phải mang cơm theo lỉnh kỉnh. Có buổi trưa, em gục xuống bàn chợp mắt được 15-20 phút, nhưng phần lớn vạ vật vì xung quanh ồn ào. Không phủ nhận lợi ích khi được thầy cô ôn luyện, bổ trợ kiến thức nhưng nữ sinh thấy quá vất vả.
"Nếu học buổi 2 bắt buộc cả tuần mà như vậy thì chúng em sẽ bị đuối, mất sức", Tâm nói.
Từ giữa tháng 2, khi trường dừng dạy thêm theo Thông tư 29, Tâm thấy thoải mái vì được tự học ở nhà, dành thời gian ôn luyện các môn còn yếu.
"Em thấy tự học khá hiệu quả, không cần đi học buổi hai", Tâm nhìn nhận.

Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024 tại trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Cách đây hai ngày, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ sẽ cân nhắc bắt buộc dạy 2 buổi một ngày với cấp THCS, THPT thay vì chỉ khuyến khích như trước đây.
"Việc tổ chức 2 buổi mỗi ngày với bậc trung học là nhiệm vụ không thể chậm trễ hơn được nữa", ông nói.
Có con học lớp 7 ở Hà Nội, chị Thu Hương, phản đối. Chị cho rằng học sinh trong lớp không đồng đều về học lực, nên việc học buổi 2 khó đạt hiệu quả. Chưa kể ngoài giờ chính khóa, mỗi gia đình, học sinh có nhu cầu khác nhau, chẳng hạn em muốn học thêm về Toán, số khác muốn học Tiếng Anh.
"Tôi cũng lo cơ sở vật chất của trường công", chị nói. Theo chị, trước nay thế mạnh của trường công là triển khai chương trình chính khóa. Các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng như tranh biện, phân tích tài chính, học nâng cao, ôn thi các chứng chỉ... "khó so" với trường tư và các trung tâm bên ngoài. Vì vậy, chị Hương thấy hoài nghi nếu trường công "ôm" thêm phần này.
Nhìn con có thời gian buổi chiều để nghỉ ngơi, tham gia hoạt động lớp, làm bài tập, nữ phụ huynh nhận thấy chỉ cần học một buổi ở trường là đủ.
Chị Ngọc ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, thì muốn con chơi thể thao, tập gym, giúp bố mẹ làm việc nhà hoặc tìm tòi các chủ đề yêu thích vào buổi chiều.
"Tôi muốn con có thêm thời gian ra ngoài, phát triển sở thích, kết nối với bố mẹ. Tuổi 17, 18 mà cả ngày quanh quẩn trong khuôn viên trường thì chán lắm".
Hơn 19.600 trong số 33.600 độc giả trong khảo sát của VnExpress ngày 4/4 chung quan điểm với chị Hương và chị Ngọc, chiếm tỷ lệ 58%.
Khoảng 33% độc giả đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo, số còn lại cho rằng dạy học 2 buổi mỗi ngày chỉ nên triển khai bắt buộc ở THCS (9%).
Theo một số phụ huynh, học 2 buổi một ngày giúp học sinh phát triển toàn diện, bố mẹ yên tâm làm việc.
Anh Trần Châu Giang có con học THCS ở Hà Nội, nhìn nhận cấp THCS là giai đoạn cần ổn định tâm lý và kèm cặp con em học tập, trong khi phụ huynh bận làm việc, không theo sát được. Học sinh thường chưa thể tự đi học, nếu chỉ học nửa ngày, bố mẹ lại làm xa nhà thì bất tiện về đưa đón, cơm nước.
Nếu học hai buổi, trường có thể chuyển 1-2 tiết buổi sáng sang chiều, xen kẽ cùng các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, thể thao để học sinh được phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, anh thấy không nên dạy hai buổi mỗi ngày với bậc THPT. Lý do là học sinh độ tuổi này đa số có thể tự học, chăm sóc bản thân và có mục tiêu cho chặng đường tiếp theo. Ngoài thời gian trên lớp, các em có thể học thêm SAT, IELTS hoặc chuẩn bị hồ sơ du học.
Ở TP HCM, hơn 93% trường THCS và THPT tổ chức dạy hai buổi mỗi ngày, theo thống kê gần đây. Chị Giang Hương, phụ huynh hai con lớp 9 và 10, hài lòng vì con được học cả ngày ở trường từ tiểu học đến nay.
"Con ở trường là an toàn nhất, phụ huynh cũng yên tâm đi làm. Nếu các con ở nhà mà không ai quản lý thì dễ cắm đầu vào máy tính, điện thoại", chị nhìn nhận.
Theo chị, sau giờ học buổi sáng, con ăn trưa, ngủ nghỉ tại trường. Buổi chiều, các con được học tăng cường một số môn hướng nghiệp, trải nghiệm, STEM, bóng rổ, bóng đá.
"Tôi thấy con rất thích thú, không phàn nàn gì. Nếu không có buổi chiều ở trường chắc tôi cũng tìm lớp học thêm hoặc cách khác để gửi con", chị cho hay.

Học sinh trường THCS Nguyễn Du, TP HCM, trong hoạt động tìm hiểu lịch sử địa phương, tháng 12/2024. Ảnh: THCS Nguyễn Du
Từng một buổi mỗi ngày ở bậc THCS và tăng lên 2 buổi khi vào THPT, Ngọc Anh, lớp 12 trường THPT Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cũng thấy học hai buổi có lợi hơn.
Ngọc Anh cho hay học một buổi, em linh hoạt thời gian tự học nhưng phải biết quản lý thời gian, tính kỷ luật cao. Còn học hai buổi, em được thầy cô đốc thúc, ôn tập thêm, khó lơ là.
"Khi lên lớp 10, theo chương trình mới em thấy bị ngợp, mất phương hướng. Nếu không có buổi 2 ở trường chắc em không tiếp thu nổi kiến thức", nữ sinh nói.
Còn Linh và Tâm ở Hà Nội thì vẫn mong được nghỉ học buổi chiều. Nếu phải học hai buổi mỗi tuần, Tâm mong trường tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức bán trú để em được ăn ngon, đảm bảo giấc ngủ trưa.
Theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, khi dạy buổi 2, các trường cần khai thác các chủ đề, chuyên đề học tập để biến kiến thức thành năng lực cho các em.
"Các chủ đề, chuyên đề này cần được tổ chức khác và minh bạch với việc dạy từng môn theo thời khóa biểu. Chuyên đề không tổ chức theo đơn vị lớp mà phải dạy theo nhu cầu", ông nói.
Bộ dự kiến 5 phần bắt buộc nhà trường phải đưa vào nội dung giáo dục khi tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày, gồm: Giáo dục kỹ năng số, STEM, hướng nghiệp, Luật An toàn giao thông và các chuyên đề, hoạt động giáo dục hình thành năng lực cho học sinh.
Lệ Nguyễn - Thanh Hằng
* Tên một số học sinh, phụ huynh được thay đổi