Năm 2025, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển 2.700 sinh viên, tăng 400 so với năm ngoái, trong đó chỉ tiêu hệ chính quy là 2.400, liên kết quốc tế là 300.
Đại diện trường cho biết có bốn điểm mới trong tuyển sinh năm nay. Thứ nhất, trường mở thêm ngành học Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam (giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ).
Thứ hai, điểm ngoại ngữ được quy đổi sang thang điểm 10, tùy thuộc vào mức điểm của chứng chỉ. Ví dụ, IELTS 5.5 được quy đổi thành 8,5; mức 7.0-9.0 là 10. Năm ngoái, chứng chỉ ngoại ngữ được xét kết hợp với học bạ hai môn trong tổ hợp (trên 14 điểm) để tuyển đầu vào.
Các mức quy đổi chứng chỉ của Đại học Ngoại ngữ năm 2025 như sau:




Thứ ba, trường Đại học Ngoại ngữ bổ sung phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp học bạ với học sinh THPT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc hệ chuyên/lớp chuyên trong toàn quốc. Điều kiện là điểm ba năm cấp ba đạt mức tốt, học lực xếp loại giỏi trở lên.
Công thức tính điểm xét tuyển như sau:
Điểm xét tuyển = [(Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + (Điểm quy đổi chứng chỉ sang thang điểm 10 x 2))/4 x 3] + điểm thưởng + điểm ưu tiên (nếu có)
Cuối cùng, trường sử dụng 42 tổ hợp với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó 6 tổ hợp gốc đều có môn Ngoại ngữ, gồm D01 (Toán, Văn, Ngoại ngữ), D14 (Văn, Sử, Ngoại ngữ); D15 (Văn, Địa, Ngoại ngữ); A01 (Toán, Lý, Ngoại ngữ), D07 (Toán, Hóa, Ngoại ngữ); B08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ). Trong đó, Ngoại ngữ là 1 trong 7 môn thi tốt nghiệp, gồm tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn.
Điểm xét tuyển như sau:
Điểm xét tuyển = [(Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + (Điểm Ngoại ngữ x 2))/4 x 3] + điểm thưởng + điểm ưu tiên (nếu có)
42 tổ hợp xét tuyển năm 2025 của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội:



Ba phương thức xét tuyển còn lại tương tự năm ngoái, gồm xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét điểm thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức và chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Với phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sang thang điểm 10 kết hợp với hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển. Công thức tính như sau:
Điểm xét tuyển = [(Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + (Điểm quy đổi chứng chỉ sang thang điểm 10 x 2))/4 x 3] + điểm thưởng + điểm ưu tiên (nếu có)
Với phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức, thí sinh cần có điểm hợp phần tiếng Anh đạt tối thiểu 30/50 điểm. Thang điểm xét tuyển là 150, sau đó quy về thang 30 theo công thức của Đại học Quốc gia Hà Nội, cộng điểm ưu tiên.
Các phương thức trên đều áp dụng cách tính điểm thưởng và điểm ưu tiên giống nhau. Cụ thể, thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia; cấp tỉnh, thành phố; Olympic hoặc bậc THPT cấp Đại học Quốc gia Hà Nội được cộng từ 1,5 đến 3 điểm. Thí sinh tham gia Chương trình VNU 12+ (dự bị đại học) có điểm thưởng 1,5-2,5 điểm. Ngoài ra, nếu có các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, A-Level, học sinh có thêm 1-2 điểm.
Điểm thưởng không bao gồm điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được đã bao gồm điểm thưởng)/7,5] × Mức điểm ưu tiên khu vực, đối tượng
Cuối cùng, phương thức xét tuyển thẳng dành cho thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn ngoại ngữ.
Năm 2024, điểm chuẩn của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, từ 26,75 đến 38,45 trên thang điểm 40 (môn ngoại ngữ nhân 2), cao nhất là ngành Sư phạm Tiếng Anh.

Sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ULIS
Bình Minh