Sau Tết, việc ngày nào cũng ăn đồ ăn còn lại như bánh chưng, nem, giò chả khiến không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng chán ngán. Vì thế, không ít gia đình đưa nhau đến nhà hàng dịp đầu năm để cải thiện bữa ăn và cũng là cơ hội để các thành viên quây quần sum vầy.
Gia đình anh Việt Đức, 29 tuổi (tỉnh Ninh Thuận) cũng vậy. Trước khi quay trở lại công việc, anh Đức đưa gia đình nhỏ của mình ra ngoài thưởng thức đồ nướng - món ăn các con rất yêu thích.
Anh Đức có 2 con: Con đầu 5 tuổi, con út 1 tuổi. Vì 2 con còn nhỏ, con trai cả lại đang trong độ tuổi hiếu động nên vợ chồng anh vừa ăn vừa không ngừng để mắt. Anh Đức nhiều khi phát bực vì con ăn làm rơi vãi đồ ăn và đặt hàng ngàn câu hỏi dành cho bố mẹ. Con có cả tá băn khoăn, thắc mắc mà nhiều khi vợ chồng anh cũng chưa biết phải giải thích ra sao.
Ngồi ăn đến giữa buổi, cậu con trai quay qua thủng thỉnh nói với anh: "Bố ơi, bà kia bụng bự rồi mà còn ăn nhiều nhỉ?". Con hồn nhiên nói về một bác gái lớn tuổi ngồi bàn kế bên. Con nói không quá to nhưng đủ để mọi người ngồi xung quanh đều nghe thấy, ai cũng cười tủm tỉm.
Vị khách bàn bên bị con nhắc đến giả vờ như không nghe thấy nhưng mặt thoáng đỏ vì xấu hổ. Còn anh Đức thì vô cùng ái ngại trước câu nói của con. Anh lúng túng nhắc nhở: "Sao con lại nói tinh tinh vậy? Bình phẩm ngoại hình người khác là rất mất lịch sự".
Ngay sau bữa ăn, khi về nhà, anh Đức lập tức giáo dục lại con cách cư xử văn minh, lịch sự với mọi người xung quanh. Một trong những điều đó là không được phép bình phẩm, chê bai ngoại hình của người khác.
Con trai lớn của vợ chồng anh Đức
Loại bỏ thói quen xấu bình phẩm ngoại hình
Anh Đức giảng cho con trai hiểu rằng, trời sinh ra mỗi người có một vẻ bề ngoài khác nhau và không phải ɑi cũng may mắn để có được diện mạo xinh xắn, ưa nhìn. Nhưng không phải vì thế mà người ta có quyền chê bai hay miệt thị ngoại hình của những người không được dễ coi. Bởi lời nói miệt thị gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng với người đối diện, khiến họ rơi vào trạng thái mặc cảm, tự ti, bế tắc.
Nếu cha mẹ không yêu cầu trẻ dừng chuyện nhận xét ngoại hình người khác sẽ tạo cho trẻ sự ám ảnh về ngoại hình và hình thành thói quen "nhìn mặt bắt hình dong" như ông bà ta vẫn nói. Vì vậy, trẻ cần được dạy không bao giờ được bình phẩm về ngoại hình của người khác từ khi còn пhỏ để tránh thói quen xấu sau này.
Anh Đức cho rằng có thể trẻ nhỏ hồn nhiên nghĩ gì nói đấy, chưa hiểu hết được phép tắc. Vì thế mới cần sự dạy dỗ, chỉ bảo kịp thời của cha mẹ. Và cha mẹ không thể xuề xòa bỏ qua chuyện, đổ rằng "trẻ con có biết gì đâu". Bởi nếu cha mẹ dung túng, trẻ sẽ hình thành thói quen xấu, đem ngoại hình của người khác ra để chê bai, đùa giỡn. Đây là hành vi vô cùng phản cảm.
Thậm chí, nếu không được giáo dục cẩn thận trước vấn đề này, lớn lên trẻ có thể trở thành người nhỏ nhen, ích kỷ, kém văn minh. Tất nhiên người như vậy sẽ khiến mọi người xung quanh xa lánh.
"Cha mẹ cần dạy con biết tôn trọng khuyết điểm của người khác, cư xử với họ như bao người bình thường. Con người sinh ra dù xấu hay đẹp cũng đều bình đẳng và đảm nhận một trọng trách khác nhau với cuộc đời. Con người hơn nhau không phải ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở chữ tài và đức.
Đừng chỉ trích bất kỳ ai, miệt thị họ bằng ngôn ngữ tiêu cực. Bởi làm như vậy chỉ khiến nhân cách trở nên thấp kém, thua người ta về mọi mặt. Chúng ta đừng nhìn người khác bằng đôi mắt độc đoán, định kiến mà hãy biết bao dung, độ lượng", anh Đức nhấn mạnh.