Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nêu ý kiến trên tại buổi đối thoại về phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao do Đại học Quốc gia TP HCM cùng Tổng lãnh sự quán Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức, sáng 27/8.

Theo ông Coppola, nguồn cung nhân lực chuyên môn cao và sáng tạo của Việt Nam đang tăng chậm và không đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp công nghệ.

Số liệu năm 2022 cho thấy tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo nghề hoặc đại học, sau đại học của Việt Nam là 13%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Ông cho biết vấn đề của Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ là chỉ tham gia vào khâu sản xuất trung gian với giá trị gia tăng thấp. Việc xuất khẩu thiết bị điện tử phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) đang rất thấp, chỉ bằng 1/6 giá trị trung bình các nước Đông Á, bằng một nửa Malaysia, Thái Lan. Đó là lý do Việt Nam thiếu các nhà khoa học và kỹ sư để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Để nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp này cần nguồn nhân lực có trình độ học vấn cao, chuyên môn về STEM và kỹ năng phức tạp như sáng tạo, giải quyết vấn đề, khả năng lãnh đạo, thiết kế và sử dụng công nghệ.

Đại diện Ngân hàng thế giới đề xuất Việt Nam nâng tỷ lệ người tốt nghiệp đại học, cao đẳng lên khoảng 24,3%, gần gấp đôi mức hiện tại, mở rộng quy mô đào tạo các ngành STEM, đầu tư cho R&D.

Ông nói thêm việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần theo nhu cầu thị trường. Trường đại học nên đào tạo dựa trên nhiệm vụ, tập trung vào kỹ năng. Nhận thức được điều này, các trường sẽ định hướng chương trình giảng dạy tốt hơn.

dai-dien-ngan-hang-the-gioi-1240-1724741765.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=imzlceaL725v-XHm3qJHkA

Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, tại tọa đàm sáng 27/8. Ảnh: VNUHCM

Ông Đỗ Đức Dũng, Giám đốc bộ phận phát triển phần mềm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV), cho rằng các trường đại học đào tạo ra nhiều cử nhân, kỹ sư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chất lượng cao của các tập đoàn lớn.

Nguyên nhân, theo ông Dũng là sinh viên không có cơ hội mở rộng, thử nghiệm những kiến thức, công nghệ mới. Do đó, trung tâm này đang hợp tác với một số trường để đào tạo những môn cốt lõi như thuật toán ứng dụng, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an toàn thông tin. SRV cũng mở các chương trình thực tập sinh cho sinh viên năm cuối để các em tiếp cận thực tế ở doanh nghiệp.

Theo ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, kiến thức thực tế quan trọng không kém lý thuyết. Các trường đại học và doanh nghiệp cần kết hợp tốt để thực hiện việc này.

Công ty đã ký hợp tác với nhiều trường với mục tiêu hỗ trợ đào tạo hơn 50.000 kỹ sư cho ngành sản xuất chất bán dẫn vào năm 2030.

Ngoài ra, ông Phùng Chí Hướng, đại diện công ty TNHH Công nghệ phần mềm Kaopiz, nhận định các kỹ sư mới ra trường thường đuối về kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, kỷ luật công việc.

Ông đề nghị trường đại học tăng cường đào tạo các kỹ năng này, chẳng hạn tăng năng lực tiếng Anh cho sinh viên bằng cách tạo môi trường dùng ngoại ngữ thực tế nhiều hơn.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022