Với sự nhạy cảm sâu sắc về nghệ thuật và thị giác, đạo diễn Mark Cousins vừa giành được Quả cầu Pha lê của Liên hoan phim Karlovy Vary 2024 (Cộng hòa Séc) cho phim tài liệu A Sudden Glimpse To Deeper Things (tạm dịch: Một cái nhìn thoáng qua về những điều sâu sắc hơn).

Như chia sẻ, Cousins cảm thấy nhân vật chính của bộ phim, họa sĩ người Anh Wilhelmina Barns-Graham (1912 - 2004), "đã sống trọn vẹn, chân thực và tuyệt đối. Chúng ta hãy thử làm điều đó".

Một nhà làm phim "tự học"

Phiên bản năm 2024 của Liên hoan phim Karlovy Vary- với chủ đề đặc biệt về nhà văn Kafka - có hơn 10 ngàn người tham gia, trong đó có 411 nhà làm phim, 1.097 chuyên gia điện ảnh được công nhận và 535 nhà báo. Tổng cộng 177 phim đã được chiếu trong 453 buổi, bán được127.325 vé.

Đạo diễn Mark Cousins ăn mừng giải Quả cầu Pha lê

Sau 8 ngày trình chiếu và tranh giải, cuối cùng, giải thưởng cao nhất đã thuộc về phim A Sudden Glimpse To Deeper Things của đạo diễn Mark Cousins.Phim nhận được sự đồng thuận từ một ban giám khảo đa dạng, đứng đầu là Christine Vachon (người Mỹ), cùng Geoffrey Rush (Australia), Sjon (Iceland), Eliska Krenkova (Séc) và Gabor Reisz (Hungary).

Mark Cousins là đạo diễn, biên kịch người Bắc Ireland gốc Anh. Là một nhà làm phim tài liệu xuất sắc và sung mãn, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là phim tài liệu dài 15 tiếng The Story Of Film: An Odyssey (2011). Ông cũng là cái tên quen thuộc tại LHP Karlovy Vary, từng có năm là thành viên ban giám khảo.

Ban đầu ông là nhà báo kiêm nhà du hành. Sau đó, Cousins đã tự mày mò tìm đường vào thế giới điện ảnh. Quá trình tự học của Cousin khiến các giám tuyển LHP Karlovy Vary phải kinh ngạc.

"Tôi từng cho rằng phim chỉ nên được làm bởi những người được đào tạo về điện ảnh" - giám tuyển Karel Och chia sẻ- "Nhưng thỉnh thoảng có những người có thể tạo ra thế giới nội tâm phong phú với một chiếc máy ảnh cầm tay. Bằng việc dần dần học hỏi, họ có thể bằng cách nào đó chuyển nó sang những hình thức điện ảnh đặc trưng".

Trong sự nghiệp của mình, Cousins đã phỏng vấn rất nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới điện ảnh như David Lynch, Martin Scorsese, Roman Polanski, Steven Spielberg, Woody Allen, Tom Hanks… Đặc biệt, ông có mối quan tâm lâu dài về các nữ đạo diễn trong suốt lịch sử điện ảnh. Và lần này là với nữ họa sĩ Wilhelmina Barns-Graham trong A Sudden Glimpse To Deeper Things.

wilhelmina-barns-graham-1720481405430235794371.jpg

Wilhelmina Barns-Graham

"Tôi nghĩ ông ấy thành công trong lĩnh vực này là nhờ khả năng thấu hiểu và vô cùng nhạy cảm" -theo Och - "Ông ấy đã tìm ra cách đi vào thế giới nội tâm của những người phụ nữ và giới thiệu họ với khán giả theo cách rất thú vị".

Trước giải Quả cầu Pha lê, Cousins tỏ ra khá ngạc nhiên khi nói về phim tài liệu. "Phim tài liệu từng là thể loại chẳng đi đến đâu. Thế rồi, vào cuối thập niên 1990, chúng bỗng khả thi về mặt thương mại trên màn ảnh rộng với phim về Madonna (Truth Or Dare) hay Buena Vista Social Club" - ông nói - "Mỗi khi thực tế trở nên kỳ lạ và khó hiểu, phim tài liệu bắt đầu trở nên cần thiết. Và thực tế của chúng ta tại thời điểm này khá kỳ lạ".

Gần đây, một số phim tài liệu cũng dần đạt được thành tựu lớn như On The Adamant đoạt giải Gấu Vàng tại LHP Berline 2023 hay All The Beauty And The Bloodshed đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice 2022.

"Khi nhìn vào trí tưởng tượng của Barns-Graham, ta sẽ bắt gặp một thứ không thể cản trở như Leonardo Da Vinci, nơi khoa học và nghệ thuật kết hợp với nhau" - đạo diễn Mark Cousins.

"Một sinh lực không thể ngăn cản"

Không cố gắng gây ấn tượng bằng những điều to tát, cũng như những tác phẩm thực hiện trước đây, Mark Cousin đã bắt đầu A Sudden Glimpse To Deeper Things bằng một hình ảnh rất thường rồi thuyết phục khán giả ngẫm nghĩ lại.

Hình ảnh lần này là một bức ảnh chụp nhanh không có gì nổi bật trong kỳ nghỉ của họa sĩ người Anh Wilhelmina Barns-Graham. Khi đó, bà tầm 70 - 80 tuổi, mặc một chiếc áo mưa giản dị để đi ngắm cảnh, không cho thấy bất cứ hào quang đặc biệt nào của một thiên tài nghệ thuật.

film-1720481405352625348547.jpg

Một cảnh trong phim “A Sudden Glimpse to DeeperThings”

Cùng với hình ảnh đó là lời tường thuật của Cousins.Như một câu đố, đó là suy ngẫm rằng tại sao những chi tiết nhỏ - dáng đứng, quần áo, thái độxuề xòa- lại dễ dàng làm lu mờ tài năng phi thường của họa sĩ Barns-Graham đến thế.

Sau đó, với sự hỗ trợ giọng của cộng sự thân thuộc - ngôi sao Tilda Swinton -  khi đọc lại nhiều lá thư và nhật ký của Barns-Graham, A Sudden Glimpse To Deeper Things dần phác ra câu chuyện về cuộc đời của người nghệ sĩ vốn không có nhiều thông tin tiểu sử này.

Khán giả biết được rằng bà sinh ra ở St. Andrews, Scotland, trong một gia đình quý tộc; rằng bà đã học tại Đại học Nghệ thuật Edinburgh; rằng sau đó bà định cư ở Cornwall, nơi bà tìm thấy cả nguồn cảm hứng về phong cảnh lẫn một cộng đồng nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại; rằng bà đã kết hôn một lần nhưng không thành công.

Nhưng Cousins ít quan tâm đến kiểu tường thuật này. Thay vào đó, ông thích những thứ trừu tượng hơn, đôi khi mang tính suy đoán về mặt thẩm mỹ và tinh thần của nữ họa sĩ. Tất cả xoay quanh chuyến đi bộ đường dài của bà vào năm 1949, tới vùng băng hà Grindelwald ở Thụy Sĩ.

Ở đây, bà đã trải qua những khoảnh khắc làm thay đổi sâu sắc cả về tinh thần, thẩm mỹ và tư tưởng của mình. Những hình khối tự nhiên của đá và băng nơi đây sẽ ám ảnh bà trong suốt phần đời còn lại. Trong 50 năm, bà đã vẽ lại những gì đã nhìn thấy hôm đó, bằng một hình thức thể hiện mới. Chuyến đi thật sự đã mang đến cho cuộc sống của bà một ý nghĩa khác.

Cousins đã trình chiếu những bức tranh của Barns-Graham theo cách rất đơn giản, chủ yếu theo trình tự thời gian, không có tường thuật. Giống như khán giả đang bước vào một phòng trưng bày với một cái nhìn thoáng qua!

Sự sâu sắc hơn tới từ những cuốn sổ tay của Barns-Graham. Từng trang viết được mã hóa phức tạp bằng màu, những tác phẩm được hình thành bằng toán học đã tiết lộ những cảm giác tưởng nhưgiao thoa giữa thị giác với thính giác, vị giác nơi bà. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật của Barns-Graham.

a-sudden-glimpse-to-deeper-things-17204814053301166243131.jpg

Hình ảnh quảng bá phim “A Sudden Glimpse to Deeper Things”

Mặc dù được coi là một trong những nghệ sĩ trừu tượng hàng đầu của Anh, trong A Sudden Glimpse To Deeper Things, có thể thấy, Barns-Graham đã bị gạt ra ngoài lề tầm nhìn phổ quát của nghệ thuật Anh thế kỷ 20.

Ngày nhỏ, hẳn vì phân biệt giới, bố bà cực lực phản đối đam mê hội họa của con gái. Tranh của bà cũng bị loại khỏi triển lãm bom tấn Hoàng gia dành cho những người cùng thời với bà.

Nhưng có thế nào, bà vẫn vẽ cực kỳ sung mãn, với "một sinh lực không thể ngăn cản" - như Cousins nói.Và vẫn có những con mắt tinh tường đã theo dõi bà, "ví dụ, David Bowie đã sưu tầm tác phẩm của bà" - Cousins chia sẻ.

Bản thân Cousins lần đầu tiên nhìn thấy một trong những bức tranh vẽ cảnh băng hà của bà vào cuối những năm 1980 và đã mê mẩn ngay từ đó.Chính vì vậy, Cousins đã làm phimA Sudden Glimpse To Deeper Things, không chỉ bằng tình yêu mà bằng cả sự giận dữ cho bất công mà bà gánh chịu. "Tình yêu và giận dữ là một cặp bài trùng" - ông nói.

Với Cousins, nhìn bề ngoài, Barns-Graham có thể giống "một bà già nhỏ nhắn, kiểu phụ nữ mà ta thường thấy đang uống trà và ăn bánh nướng phô mai sau buổi bán đồ cũ". Nhưng "khi nhìn vào trí tưởng tượng của bà, ta sẽ bắt gặp một thứ không thể cản trở như Leonardo Da Vinci, nơi khoa học và nghệ thuật kết hợp với nhau". Và hơn thế, bà "đã nhìn rất nhiều thứ quen thuộc bằng ánh nhìn tươi mới".

Trong phim, có một lúc, Cousins hỏi người viết tiểu sử cho Barns-Graham rằng liệu nữ họa sĩ có hoan nghênh việc làm phim về mình. Câu trả lời là có thể bà sẽ muốn nói nhiều hơn.

Không một nghệ sĩ nào có thể kiểm soát di sản của họ. Nhưng giờ đây, nhờ A Sudden Glimpse To Deeper Things, chắc chắn sẽ có nhiều người biết tới Wilhelmina Barns-Graham hơn, dù chỉ thoáng qua nhưng vô cùng sâu sắc.

Vài nét về Liên hoan phim Karlovy Vary

LHP Quốc tế Karlovy Vary được tổ chức hàng năm vào tháng 7 tại Karlovy Vary, Cộng hòa Séc. Ra đời năm 1946, đây là một trong những LPH lâu đời nhất trên thế giới và hiện là sự kiện điện ảnh hàng đầu ở Trung và Đông Âu.

Ban đầu, LHP Karlovy Vary có mục tiêu chủ yếu là chiếu những thành quả điện ảnh xuất sắc của Séc, không nhằm mục đích tranh giải. Sau nhiều năm phát triển và được mến mộ rộng khắp, LHP đã tiến hành trao một số giải thưởng, tôn vinh điện ảnh cả trong và ngoài nước, từ những cái tên tiếng tăm tới rất ít được biết đến.

Giải thưởng cao nhất của LHP là Quả cầu Pha lê, dành cho những phim chưa từng tham gia tranh giải tại bất kỳ LHP nào. Ngoài sự tôn vinh, giải còn đi kèm 25.000 USD.

LHP Karlovy Vary: Cuộc đua Quả cầu Pha lê đầy kịch tính

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022