Mọi người tỏa ra tìm kiếm. Một thanh niên trong xóm tìm được cô bé lớp 10 kéo về trong khi Thu Hà vẫn phản kháng quyết liệt.

Thu Hà là con một trong gia đình có bố mẹ đều thành đạt, giỏi giang ở Hà Nội. Cũng vì vậy, họ luôn muốn con mình phải thật xuất sắc. "Bố mẹ cho con học đủ thứ và bắt con phải thật hoàn hảo", Thu Hà kể với chuyên gia tâm lý.

Ý thức được kỳ vọng của bố mẹ, cô bé nói mình đã cố gắng chăm chỉ, nhưng "năm ngoái đứng thứ 5, năm nay leo được lên thứ 3". "Con tưởng mẹ sẽ khen nhưng lại bảo con thế này suốt đời đứng sau đít đứa khác", cô bé bộc bạch nỗi thất vọng, khiến mình lao ra khỏi nhà trong đêm tối.

Nhưng đó không phải điểm khởi phát. Cảm giác bất mãn đã tích tụ trong Thu Hà từ lâu. Mẹ chê Thu Hà không năng động, lúc nào cũng như gà rù, lười học, học dốt. Mỗi khi em khoe đạt giải cấp quận, cấp thành phố, mẹ không những không khen mà còn nói "ngày xưa mẹ ăn khoai ăn sắn thi toàn giải nhất, giờ con sướng như tiên mà chỉ được cái giải ba lẹt đẹt, tốn bao nhiêu tiền".

z5619994703331-d60c7a61123018e-1760-2826-1720928157.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DqzVkh3oELkbqyKhr-K9Tw

Ảnh minh họa: P.N

Mỹ Dung, học sinh lớp 10 ở Hà Nội cũng được mẹ đưa đến chuyên gia tâm lý trong tình trạng người gầy rộc, đen nhẻm, da sạm lại nhưng khăng khăng theo đuổi chế độ ăn kiêng. Người mẹ cho rằng con gái ở lớp bị cô giáo chê xấu, khó tìm quần áo vừa kích cỡ nên mới quyết liệt giảm cân một cách thái quá.

Nhưng khi nói chuyện với chuyên gia tâm lý, Mỹ Dung cho biết chính những lời chê bai của bố mẹ mới khiến em ám ảnh ngoại hình.

Mẹ em là phụ nữ xinh xắn, dáng đẹp, trẻ hơn so với tuổi, nhưng con gái lại có nước da ngăm đen, mũm mĩm. ''Từ khi con còn bé mẹ đã bảo 'con bé này không biết giống ai mà đen thế''', Mỹ Dung kể.

Khi con gái đến tuổi dậy thì, cơ thể phát triển, nặng cân hơn so với bạn cùng lứa nên thường xuyên bị mẹ nhắc nhở ''Béo lắm rồi đấy, ăn ít thôi" hay ''Sắp thành cái cối xay rồi'', ''trông như mẹ sề''.

''Bố cũng hùa vào với mẹ, hay đùa cợt về cân nặng của con, lại hay so sánh con với em gái. Bố mẹ bảo em xinh hơn, học giỏi hơn con'', Mỹ Dung nói.

Cô bé quyết định chỉ ăn rau, củ thay cơm để giảm cân. Mỗi lần ăn, em cho vào bát thật nhỏ để ăn ít nhất có thể, nhiều lần bị ngất vì kiệt sức nhưng tỉnh lại vẫn muốn ăn kiêng. Dù cao 1m55, cô bé nặng chỉ 35kg. ''Con muốn đẹp hơn trong mắt bố mẹ, nhưng khi con giảm cân, họ lại nói 'không thể hiểu nổi con''', em kể.

Một nghiên cứu về Gen Z với 500 học sinh (THCS, THPT) sinh viên đại học và phụ huynh năm 2024, cho thấy hơn 43% bạn trẻ thấy cha mẹ không hiểu mình, 22,8% xảy ra tranh cãi với bố mẹ.

Chuyên gia tâm lý gia đình trẻ em Hồng Hương (Hội bảo vệ trẻ em Việt Nam) cho rằng ngày nay quan điểm ''thương cho roi cho vọt'' vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Một số cha mẹ sợ con không khiêm tốn, sợ con ảo tưởng về năng lực bản thân nên không dám khen con. ''Bởi thực tế vẫn có những đứa trẻ đạt được thành tích do nguồn lực nào đó, không phải do năng lực và quá trình rèn luyện'', bà nói.

Tiến sĩ y tế công cộng, thạc sĩ Lã Linh Nga (Hà Nội) cho rằng tình trạng trẻ bị chê bai phổ biến trong các gia đình, do bố mẹ chưa biết cách góp ý về khuyết điểm của con, thậm chí luôn chê bai, trách mắng mà không ghi nhận sự nỗ lực của trẻ, khiến con không còn muốn nói chuyện, có thể khiến mối quan hệ cha mẹ và con trở nên xa cách.

Nghiêm trọng hơn, khi không được ghi nhận ở chỗ này, trẻ sẽ tìm niềm tự hào, mong được ghi nhận ở chỗ khác. ''Đó là một phần nguyên nhân khiến trẻ nghiện game, yêu sớm. Tệ hơn, con có thể không tập trung vào việc học, lao vào tệ nạn xã hội'', chuyên gia nói.

Nhưng không chỉ gây hậu quả ở hiện tại, những lời chê bai của bố mẹ còn có thể trở thành nỗi ám ảnh dẫn đến sự tự ti khi trưởng thành, là nguyên nhân khiến con thất bại trong đời.

Hà Thu, 28 tuổi, ở Hải Dương chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành một sinh viên, nhân viên xuất sắc hay một đồng nghiệp tốt, bởi những ám ảnh vì lời chê bai của bố mẹ. ''Bố luôn nói nuôi đứa con như tôi cả đời không thể ngóc lên được, chỉ vì làm sai bài tập hay vỡ cái gì đó'', Thu kể. Cô cũng bị chê hậu đậu, dốt nát, ''không bằng cái móng chân'' con hàng xóm.

Vì vậy, rời nhà đi đại học, Hà Thu như được cởi trói khi bạn bè khen ngợi, thầy cô và đồng nghiệp đánh giá tốt thành tích của mình. Dẫu vậy, cô chưa bao giờ dám tin năng lực của mình đủ tốt. Khi có cơ hội được thăng tiến trong công việc, Thu nghĩ mình không thể đảm nhiệm, bởi những ám ảnh lời bố nói.

Mãi sau này, khi gặp được sếp tốt thường nói với Thu ''em không thiếu gì ngoài sự tự tin'', cô mới nhìn nhận lại, mạnh dạn hơn trong thể hiện bản thân. ''Nếu không được làm việc trong một môi trường tử tế và lành mạnh, có lẽ tôi sẽ mãi chôn chân trong vũng bùn do chính bố dội cho mình'', cô nói.

Bà Hồng Hương khuyên trẻ nên nói ra nguyện vọng, mong muốn của mình để bố mẹ hiểu, nhưng với thái độ lễ phép. ''Hầu như bố mẹ nào cũng yêu thương con nên khi con nói ra mong muốn với thái độ tích cực, họ sẽ hiểu và cố gắng thay đổi'', bà nói.

Để con biết cách nói ra nguyện vọng của mình, bà Linh Nga cho rằng cha mẹ và nhà trường cần dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc, biết bộc lộ cảm xúc trực tiếp hoặc thông qua nhật ký, viết thư. ''Rất nhiều phụ huynh khi đọc thư hay vô tình đọc được nhật ký mới biết vấn đề con gặp phải để tìm chuyên gia tâm lý'', bà Nga nói.

Chuyên gia khuyên phụ huynh nên hiểu chê bai chỉ làm con thấy tệ hơn. Khi muốn góp ý điều gì đó với con, nên khen ngợi điểm mạnh trước, sau đó nói đúng vào những điều con chưa làm được để tìm cách điều chỉnh, không nên phán xét.

''Đương nhiên không tránh được những lúc chê bai, nhưng thái độ chê rất quan trọng, chê để thấy sự quan tâm, muốn tốt cho con chứ không phải để cười nhạo'', bà Nga nói và khuyến nghị nên khen, chê với tỷ lệ 70-30, khen trước, chê sau, để con dễ tiếp nhận.

Sau những ngày điều trị tâm lý, cả mẹ và Thu Hà đều hiểu ra vấn đề của mình để cùng điều chỉnh. Giờ đây, cô bé đã không còn phải chui vào phòng khóc hay lao ra đường giữa đêm vì bất mãn, mà có thể điềm tĩnh nói ra mong muốn của bản thân. "Cháu vui vì mẹ cũng đã biết lắng nghe. Tuy chưa nhiều, nhưng mẹ và cháu đã có thể kết nối với nhau hơn'', cô bé nói.

*Tên nhân vật trong bài đã đổi.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022