Với những ai yêu mến điện ảnh nước nhà, Những đứa trẻ trong sương là cái tên khiến họ tự hào. Đây là phim Việt đầu tiên vào top 15 Oscar. Tất nhiên, danh sách rút gọn này vẫn chưa phải đề cử chính thức ở hạng mục cho phim tài liệu. Thế nhưng, chừng đó cũng đủ để nói lên chất lượng của tác phẩm do đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm thực hiện.

Điều gì giúp Những đứa trẻ trong sương lọt top 15 Oscar?

Với Những đứa trẻ trong sương, đạo diễn Hà Lệ Diễm mang khán giả tới vùng núi phía bắc Việt Nam. Ở đó có những ngọn núi xinh đẹp, xanh tươi, toát lên vẻ hoang sơ, hoang dã. Đây cũng là nơi ở của rất nhiều em gái nhỏ. Đó là những người mà trong tương lai có thể trở thành nạn nhân của tảo hôn. Và Di, nhân vật chính của phim, cũng nằm trong số đó.

2-16717878701961115180344-1671791538198-1671791538496448195664.jpg

Cô bé Di, nhân vật chính trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương - nguồn: ĐPCC

Di là một cô bé với vẻ ngoài tinh nghịch, đáng yêu và sở hữu tiếng cười rất đẹp. Nếu sinh ra ở dưới xuôi, những gì cô bé nghĩ đến ở tuổi này có lẽ chỉ bao gồm chuyện ăn gì, chơi gì, học gì mà thôi. Nhưng thực tế, Di lại sống ở một nơi mà cả việc nhà lẫn việc đồng áng đều do phụ nữ đảm nhận. Trong khi trưởng làng dành phần lớn thời gian để uống rượu, có những lúc Di phải vác những khối gỗ to hơn cả người mình.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để nói lên những bất công mà Di nói riêng cùng phụ nữ nói chung tại đây phải gánh chịu. Ở dân tộc Mông tồn tại một tập tục mang tên "kéo vợ". Vào ngày Tết, những người đàn ông, thường là các cậu nhóc tuổi teen, sẽ "bắt cóc" một cô gái về làm vợ mình. Đó là cách mà cha mẹ Di đến với nhau, và chị gái em ở tuổi 14 cũng lấy chồng theo cách như vậy.

4-16717880955691425795985-1671791540771-16717915417292118819918.jpg

Bộ phim mang tới những lát cắt chân thực về cuộc sống của các bé gái người Mông - nguồn: ĐPCC

Ở cộng đồng mà Di sinh sống, "kéo vợ" là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, Di lại không muốn chấp nhận số phận. Là một trong những thế hệ đầu tiên được hưởng giáo dục chính quy, Di mong ước được hoàn thành việc học và tự quyết định cuộc đời của mình.

Dẫu thế, mọi chuyện nào có dễ dàng. Di bị "bắt cóc" bởi một cậu bé tên Vang. Đến đây, máy quay chuyển sang mẹ của Di. Thông qua chiếc điện thoại, bà truyền cho con gái những kinh nghiệm xương máu để có thể tồn tại.

Những đứa trẻ trong sương là một bộ phim để lại nhiều dư âm trong lòng người xem. Hóa ra bên ngoài kia, vẫn có những "góc tối" mà ánh sáng của cuộc sống văn minh chưa thể rọi đến. Thông qua tác phẩm của đạo diễn Hà Lệ Diễm, khán giả thấy được cuộc sống của những em gái phải chịu nhiều thiệt thòi như Di. Tuy nhiên trong tương lai, có lẽ sẽ ngày càng có nhiều người đứng lên để phản kháng, thay vì chấp nhận số phận giống như những người phụ nữ ở thế hệ của mẹ Di.

3-16717883030321741612432-1671791542991-1671791543070721743160.jpg

Hình ảnh trong phim Những đứa trẻ trong sương - nguồn: ĐPCC

Trên nhiều trang báo uy tín, giới chuyên gia quốc tế đã dành cho bộ phim những lời có cánh. Ở một bài viết được đăng lên trang Variety, tác giả Guy Lodge đánh giá bộ phim đã khai thác vấn đề một cách thẳng thắn nhưng không kém phần tế nhị, tinh tế. Cây viết Phuong Le của tờ The Guardian nhận xét tác phẩm của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã có những chi tiết kích thích khán giả, đồng thời phá vỡ tính trung lập được cho là của các nhà làm phim tài liệu.

Trên Screen Daily, cây bút Nikki Baughan đánh giá rất cao việc đạo diễn Hà Lệ Diễm coi các nhân vật như chính người thân thực sự của mình. Trong khi đó, nhà làm phim Marya E. Gates viết: "Bộ phim gieo mầm cho kiểu tương lai mà Di khao khát nhưng không hứa hẹn với cô ấy hay với khán giả rằng liệu Di có thể đạt được những gì mình muốn hay không. Bộ phim không phải sự phán xét đối với truyền thống của một dân tộc, đồng thời thể hiện được nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cuối cùng, phim giống như lời nhắc nhở đối với mỗi chúng ta rằng thế giới này tràn ngập những cô gái như Di và hy vọng rằng họ có thể có một tương lai tươi sáng hơn".

6-1671788328127994767345-1671791544647-16717915447201300341858.jpg

Những đứa trẻ trong sương nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên gia cũng như các khán giả - nguồn: ĐPCC

Không chỉ giới chuyên gia mà các khán giả quốc tế sau khi ra rạp cũng để lại nhiều bình luận tích cực:

- Cảm ơn Hà Lệ Diễm. Đây là một bộ phim tuyệt vời. Tôi nghĩ sau khi bộ phim kết thúc, cả rạp đều đã rơi nước mắt.

- Xin chúc mừng. Bạn đã làm tốt dù đây là một đề tài rất khó.

- Chúc mừng Diễm. Bộ phim này thật đáng ngạc nhiên và cực kỳ cảm động.

- Mẹ tôi cũng là một cô dâu từng bị bắt cóc khi còn rất trẻ và đó là một quá trình rất tàn khốc. Đột nhiên, bà ấy bị mang đi khỏi gia đình rồi buộc phải kết hôn với một chàng trai hoàn toàn xa lạ. Tôi hiểu đó là vấn đề văn hóa, nhưng nó thực sự rất tàn nhẫn và bạo lực đối với các cô gái trẻ, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thật buồn khi biết rằng điều này vẫn đang xảy ra. Tôi hy vọng rằng bộ phim của bạn sẽ truyền cảm hứng cho những người khác, những người vẫn tin vào nghi lễ này. Từ đó, mọi người có thể cùng nhau tạo ra sự thay đổi hoặc chấm dứt nó. Tôi mong được nhìn thấy nhiều tác phẩm tuyệt vời của bạn trong tương lai. Chúc mừng thành công của bạn.

Nguồn: Film Fest Report/IDFA 2021

Chia sẻ của đạo diễn Hà Lệ Diễm về hành trình làm phim

Những đứa trẻ trong sương không chỉ gây ấn tượng với khán giả, mà nó cũng để lại nhiều cảm xúc đối với bản thân đạo diễn Hà Lệ Diễm. Chắc chắn cô rất thương Di, nhưng song song với đó còn là nỗi sợ trước phong tục "kéo vợ". Trong một cuộc phỏng vấn tại Liên hoan phim tài liệu Quốc tế 2021 được tổ chức tại Amsterdam, Hà Lan, Hà Lệ Diễm chia sẻ:

"Lần đầu tiên nhìn thấy những ngọn núi phủ sương, những gì tôi cảm thấy là cảnh sắc nơi đây thật tuyệt vời. Nhưng một năm sau, khi biết về tục "kéo vợ" của người bản địa, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Tôi cảm thấy mình có thể đánh mất Di và cả những bé gái khác bất cứ lúc nào. Điều đó thực sự làm tôi sợ".

5-16717882481651191770204-1671791546163-1671791546254284374239.jpg

Đạo diễn Hà Lệ Diễm, người đứng đằng sau thành công của Những đứa trẻ trong sương - nguồn: IDFA

"Tôi cũng có những người bạn kết hôn từ sớm. Nhưng ở chỗ chúng tôi không có tục lệ nào như vậy. Vì thế, đây là lần đầu tiên tôi được biết về tục "kéo vợ" trong văn hóa của người Mông. Tôi cảm thấy cô đơn. Tôi không nói tiếng Mông và cũng chẳng hiểu họ nói gì. Tôi chỉ có thể suy đoán những gì họ nói, họ làm.

Có lúc họ cũng dịch ra tiếng miền xuôi, và tôi cứ phải chờ đợi xem điều gì đã xảy ra. Sau 4 năm, những đoạn footage với tổng thời lượng lên tới 100 phút của tôi mới được dịch ra. Từ đó, tôi mới hiểu rõ ràng mọi chuyện.

Bố mẹ Di coi tôi như người trong nhà. Tôi giống như chị gái của Di. Thế nhưng nhiều lúc, rất khó để mọi người thực sự thấu hiểu nhau. Và khi mà Di bị "bắt cóc", đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn với tôi".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022