hoithao1-1725953600661703780971.jpg

TS Trần Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TRẦN HOÀI

Ngày 10-9, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức Hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - Một chặng đường" với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà làm phim trên cả nước. 

Đây là chương trình trong khuôn khổ Giải thưởng Cánh diều vàng 2024 tổ chức tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Từ buổi đầu sơ khai với phim điện ảnh cách mạng

Tại hội thảo, TS Trần Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ, người làm điện ảnh Việt Nam đã làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước, mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật.

"Các bộ phim ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, góp phần tích cực xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà và trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước" - bà Lan nói.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Thanh - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM - cho rằng từ những ngày đầu hình thành, giai đoạn 1975 - 1986 là giai đoạn điện ảnh Việt Nam phát triển với những phim đề tài cách mạng, đấu tranh.

"Chính trong những năm nở rộ phim chiến tranh, phim truyện đã đạt được những đỉnh cao về loại đề tài này và tạo nên một diện mạo nổi bật của phim truyện giai đoạn này" - ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, đề tài chiến tranh chiếm một vị trí quan trọng trong sáng tác của các nghệ sĩ điện ảnh trong và sau chiến tranh.

Những giải pháp cho điện ảnh thời đại mới

Cũng tại hội thảo, TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - cho biết từ năm 1975 đến nay, điện ảnh Việt Nam thống nhất đã trải qua từng giai đoạn phát triển với nhiều sự lột xác.

"Là một nền nghệ thuật cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, điện ảnh Việt Nam luôn lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân bằng chất lượng nghệ thuật cao làm mục đích phấn đấu" - bà Hà nhấn mạnh.

hoithao2-17259536066771599811541.jpg

Quyền Linh trong phim Hai Muối - đề cử cho hạng mục Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều vàng 2024 - Ảnh: ĐPCC

Trong tham luận của mình, phó cục trưởng Cục Điện ảnh đề xuất một số giải pháp cho điện ảnh Việt Nam thời đại mới.

Theo bà, với những nhiệm vụ và giải pháp phát triển lĩnh vực điện ảnh, cùng các cơ chế, chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, phát hành, phổ biến phim, ngành điện ảnh vẫn luôn mong muốn được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí tăng nguồn ngân sách cho các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim nhà nước đặt hàng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị.

Đặc biệt là kinh phí để cải tạo, nâng cấp rạp, cụm rạp chiếu phim thuộc các trung tâm phát hành và chiếu bóng tại các tỉnh, thành.

Cùng với đó, cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số, để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu "người Việt xem phim Việt", lan tỏa tinh thần "người Việt yêu phim Việt".

Tính đến tháng 12-2020, cả nước có 1.207 phòng chiếu phim với 171.552 ghế, doanh thu chiếu phim đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng, doanh thu cuối năm 2020 ước đạt 1.700 tỉ đồng (do ảnh hưởng của dịch COVID-19).

Hiện nay, trong tổng số các phòng chiếu, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm gần 20%, thành phần tư nhân chiếm trên 80%.

Ngoài ra, cả nước hiện đang có 228 đội chiếu phim lưu động, đã phục vụ được khoảng 42.514 buổi chiếu với khoảng 8.705.953 lượt xem, phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022