Web drama nhảm, nhạt: Đừng mơ lên màn ảnh rộng
Câu chuyện chuyển từ kịch bản phim chiếu mạng (web drama) lên phim điện ảnh chiếu rạp đã xuất hiện cách đây khoảng 5 năm. Chị mười ba (phiên bản điện ảnh của web drama Thập tam muội) của diễn viên hài Thu Trang có thể nói là tác phẩm đánh dấu cột mốc thành công trong xu hướng này. Tiếp theo phải kể đến Bố già của Trấn Thành hay Pháp sư mù của Huỳnh Lập. Tuy nhiên, sau những tác phẩm nói trên, giới chuyên môn hay khán giả vẫn khó để tìm những phim gây tiếng vang ở hai phiên bản chiếu mạng và điện ảnh.
Thời điểm hiện tại, Biệt đội rất ổn là minh chứng cụ thể nhất cho thấy khoảng cách từ web drama tới phim rạp hãy còn… rất xa vời.
Bộ phim được phát triển từ web drama ăn khách Gia đình cục súc ra mắt năm 2021 - thu hút hơn 13 triệu lượt xem chỉ tính riêng tập đầu khi phát hành trên mạng. Tuy nhiên, phiên bản điện ảnh công chiếu gần một tuần nay (từ 31/3 - 6/4) lại... "thua đau", khi ghi nhận mức doanh thu thấp với chỉ hơn 8 tỷ đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam - đơn vị thống kê doanh thu phòng vé độc lập.
Phiên bản điện ảnh "Biệt đội rất ổn" quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như: Hoàng Oanh, Lê Khánh, Hứa Vĩ Văn (Ảnh: Đoàn phim).
Kết quả này có thể nói là một thất bại và "không hề ổn" đối với Biệt đội rất ổn bởi phim ra rạp vào thời điểm này - không chỉ được nhiều suất chiếu mà còn không phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký khi phim của Mỹ Tâm, Thái Hòa, Lý Hải... đều ra vào giữa đến cuối tháng 4 năm nay.
Theo nhiều ý kiến đánh giá, bộ phim tồn tại những lỗi, lỗ hổng về kịch bản đến diễn xuất gượng gạo của dàn diễn viên… Câu chuyện phát triển theo hơi hướng của thể loại heist (trộm cướp), nhóm nhân vật bàn bạc để tiếp cận chiếc vòng cổ kim cương giả Tuấn trao cho Tư Xoàn, chứng minh gã là kẻ lừa lọc. Dù vậy, cách họ vạch ra kế hoạch còn thiếu thuyết phục.
Không ít ý kiến nhận xét, tác phẩm của Tạ Nguyên Hiệp khó có thể coi là một dự án điện ảnh hoàn thiện, câu chuyện phim sáo rỗng, phi logic, kịch bản không đảm bảo chất lượng và thể hiện rõ tính sắp đặt. Xuyên suốt thời lượng 104 phút, ấn tượng đặc biệt mà phim để lại là một dự án... hài nhảm và kém duyên. Một số khán giả cho rằng, đây là sản phẩm đáng quên của các diễn viên Hứa Vĩ Văn, Lê Khánh.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng thẳng thắn cho hay, ê-kíp của Biệt đội rất ổn đánh giá thấp thị hiếu của khán giả và đã làm một bộ phim không thực sự tâm huyết. "Họ cứ nghĩ, đã có Gia đình cục súc quá thành công trên web, Youtube rồi nên Biệt đội rất ổn được đà lấn tới và sẽ thành công thôi. Nhưng thực tế, đâu đơn giản như vậy.
Tôi nghĩ, chính bản thân các nhà làm phim hãy thức tỉnh và nhớ một điều rằng: Chúng ta đang bán tấm vé với giá 80, 120 và 150 ngàn cho khán giả. Khán giả không chỉ bỏ tiền ra rạp mà họ còn bỏ cả thời gian và quan trọng là niềm tin nữa. Nhưng cuối cùng họ nhận về là sự thất vọng".
Đưa web drama "Gia đình cục súc" lên màn ảnh rộng không được đánh giá cao (Ảnh: Đoàn phim).
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cũng chia sẻ thêm, trong bối cảnh của năm 2023, khi nền công nghiệp điện ảnh đang phát triển, khán giả trong nước đang được tiếp cận với những bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình hay của các quốc gia trên thế giới qua nhiều nền tảng xem phim thì chúng ta không cho phép những tác phẩm độc hại ra rạp và len vào giới trẻ. "Cởi mở để tự do sáng tạo chứ không phải cởi mở để du nạp với những thứ độc hại, nhảm nhí, cởi mở với những thứ độc hại", anh nói.
Nhà sản xuất, diễn viên Thu Trang dù gặt hái thành công nhờ bản điện ảnh của Thập tam muội thu về cả trăm tỷ đồng cũng từng phải thừa nhận, đưa phim mạng ra rạp là quyết định liều lĩnh.
Những năm gần đây, nghệ sĩ nổi tiếng và nhiều nhà làm phim không chuyên đua nhau sản xuất phim chiếu mạng. Số lượng phát hành nhiều, nhưng chất lượng chưa tương xứng. Những cái tên như Sugar daddy and Sugar baby, Đại Cathay,.. nhiều lần bị phê bình vì nội dung nhảm nhí, dùng cảnh nóng để thu hút người xem.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận định, việc các web drama đang có xu hướng phát triển và phổ biến như hiện nay là bởi trong bối cảnh mạng xã hội lên ngôi. Hơn nữa, nhà sản xuất web drama không quá lo lắng vấn đề kiểm duyệt, còn phim điện ảnh ngược lại.
"Các phim chiếu mạng, khán giả được xem miễn phí và đa phần đều không có tính nghệ thuật. Câu khách bằng những đề tài 18+ dung tục, hài nhảm và xã hội đen", anh nói.
Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng, trách nhiệm một lần nữa thuộc về cơ quan kiểm duyệt. Anh đề xuất, cần những tiêu chí, yêu cầu rõ ràng: "Đây là lúc các nhà làm luật có những quy định, điều lệ để đảm bảo việc bất cứ tác phẩm nào dù xuất hiện trên rạp hay trên web, Youtube cũng phải tuân theo những quy định của tác phẩm ở Việt Nam", anh chia sẻ thêm với PVDân trí.
Anh cũng bày tỏ: "Tôi tin chẳng có nhà làm phim nào lại muốn làm một bộ phim nhạt, nhảm cả. Nhưng cơ bản là đánh giá của họ với khán giả và khả năng không có.
Tôi khuyên, trong trường hợp bạn không có khả năng làm một bộ phim chất lượng thì tốt nhất nên là nhà đầu tư. Nếu muốn đóng góp gì đó cho điện ảnh Việt Nam nhưng không có khả năng là người đạo diễn, là người biên kịch hay nhà sản xuất thì hãy đứng vai trò là nhà đầu tư để đưa tiền vào trong thị trường, để giúp thị trường có những nguồn tài chính tốt cho ra những sản phẩm tốt".
"Biệt đội rất ổn" nhưng bị đánh giá "không hề ổn" bởi nội dung phim nhảm, nhạt, sáo rỗng và phi logic (Ảnh: Đoàn phim).
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo quy định của Luật Điện ảnh 2022 và Nghị định quy định chi tiết thi hành luật, phim phổ biến trên không gian mạng được quản lý theo hình thức hậu kiểm. Doanh nghiệp phổ biến phim phải tự phân loại theo tiêu chí đã được quy định trong Luật Điện ảnh, phải cung cấp danh sách phim phổ biến về Cục Điện ảnh.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xác nhận thông tin, Cục Điện ảnh thành lập tổ công tác về nội dung này để rà soát một số nền tảng phổ biến phim và các doanh nghiệp thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, từ đó yêu cầu thực thi tốt Luật Điện ảnh, góp phần làm trong sạch môi trường mạng.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Điện ảnh trong quá trình kiểm tra, rà soát nội dung phim chiếu mạng, lập biên bản xử phạt nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm về hiển thị cảnh báo, phân loại phim. Các cơ quan cần có sự phối hợp và phân định trách nhiệm rõ ràng, nhằm làm trong sạch môi trường văn hóa trên không gian mạng", ông Lê Thanh Liêm nói.
Ông Liêm cho biết, trường hợp phát hiện vi phạm, Thanh tra Bộ VH,TT&DL không chỉ ra quyết định xử phạt, mà còn yêu cầu các doanh nghiệp trung gian có nền tảng mạng chịu trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật, gỡ bỏ và ngăn chặn các nội dung vi phạm. Doanh nghiệp có mạng viễn thông cũng phải ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng đã cho biết, Cục Điện ảnh đang họp bàn phương án rà soát phim chiếu mạng. Luật Điện ảnh năm 2022 và văn bản liên quan quy định khá chi tiết việc quản lý phim trên không gian mạng.
Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL khẳng định: "Để việc dẹp loạn phim chiếu mạng nhảm, độc hại có hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa Bộ VH,TT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Cục Điện ảnh đã gửi văn bản tham mưu lãnh đạo Bộ VH,TT&DL có văn bản đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT.
Hai bên trước hết tiến hành rà soát, xử lý những nội dung vi phạm từ danh sách chính thức do các đơn vị phát hành, phổ biến phim chiếu mạng cung cấp. Trong quá trình này, nếu phát hiện phim chiếu mạng, clip ngắn không được xếp vào phim chiếu mạng, Bộ VH,TT&DL gửi thông báo tới Bộ TT&TT để xử lý theo quy định".