Theo Sohu, trong giới giải trí Hoa ngữ Củng Lợi đứng thứ nhất không ai dám cãi. Nữ diễn viên có sức ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi Trung Quốc mà trên toàn thế giới, thường xuyên góp mặt tại các liên hoan phim danh giá và được ban tổ chức dành cho sự đãi ngộ cao nhất. Chính vì thế, khi Củng Lợi phật lòng, cô "chửi" cả một lễ trao giải, cũng chẳng thèm nể mặt chủ tịch Kim Mã là đạo diễn lớn Lý An.
Củng Lợi từng không nể mặt Lý An, từ chối lên trao giải
Theo On, năm 2014, Củng Lợi tới lễ trao giải Kim Mã khi được đề cử nữ chính xuất sắc, tuy nhiên, cô đã thua diễn viên Trần Tương Kỳ, một gương mặt lạ và không được đánh giá cao. Không hài lòng trước kết quả trao giải, Củng Lợi quyết định tẩy chay Kim Mã.
"Cảm ơn ban tổ chức Kim Mã, nhờ họ tôi mới biết thế nào là giải thưởng không chuyên nghiệp, liên hoan phim không công bằng. Đây là lần đầu tôi dự Kim Mã và sẽ là lần cuối cùng", Củng Lợi nhấn mạnh.
Đến năm 2018, để thể hiện sự hòa hợp trong giới điện ảnh Hoa ngữ, chủ tịch Lễ trao giải Kim Mã là đạo diễn Lý An đã đứng ra dàn xếp, nhiều lần mời Củng Lợi tới góp mặt, thậm chí trao cho cô vị trí cao nhất vai trò Chủ tịch Ban giám khảo. Củng Lợi sau đó khẳng định: "Có tôi ở đây, giải sẽ diễn ra công bằng".
Tuy nhiên, đến đêm trao giải, MC lễ trao giải là Đào Tĩnh Oánh đã không giới thiệu tên cô trong danh sách ban giám khảo. Thiếu sót này khiến Củng Lợi khó chịu, cho rằng phía ban tổ chức giải Kim Mã không tôn trọng cô. Vì vậy, khi được Lý An mời lên trao giải, Củng Lời từ chối "tôi không muốn lên", khiến cả hội trường hàng trăm người im lặng và rơi vào tình huống cực kỳ xấu hổ.
Nữ diễn viên tỏ thái độ khó chịu cho rằng mình bị coi thường
Không khí xấu hổ, im lặng khi Củng Lợi từ chối lên sân khấu
Theo Sohu miêu tả "Củng Lợi ngồi đó gương mặt uy nghiêm, thần thái quyền lực lấn át toàn hội trường. Tất cả đều không dám thở mạnh hay vỗ tay tỏ thái độ gì. Củng Lợi đại diện cho các nghệ sĩ Đại lục quyết tâm tẩy chay sự bất công tại Kim Mã".
Sau đó, trong hậu trường, khi được hỏi về lý do Củng Lợi từ chối xuất hiện chung, đạo diễn Lý An chữa cháy rằng có thể nữ diễn viên muốn ngồi cùng hàng ghế với các thành viên ban giám khảo khác thay vì lên sân khấu.
Sự nghiệp của Củng Lợi thành công từ những vai diễn đầu tay. Năm 1987, Củng Lợi trở thành ngôi sao sau bộ phim Cao Lương Đỏ. Năm 1990, cô đảm nhận vai chính trong tác phẩm Cúc Đậu, là bộ phim đầu tiên của Trung Quốc được đề cử Giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất. Năm 1991, với bộ phim Đèn Lồng Đỏ Treo Cao, Củng Lợi giành Giải Bách hoa Nữ diễn viên chính xuất sắc đầu tiên trong sự nghiệp.
Vai diễn giúp Củng Lợi bước ra sân khấu nghệ thuật thế giới là Thu Cúc trong bộ phim Thu Cúc đi kiện (1992). Nhờ vai diễn đó mà cô nhận được Cúp Volpi cho Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Venezia và Giải Kim Kê cho Ảnh hậu. Với bộ phim Bá Vương Biệt Cơ (1993), Củng Lợi lần đầu bước chân lên thảm đỏ Cannes và những gì sau đó đã trở thành huyền thoại.
Củng Lợi có sự nghiệp rực rỡ chống lưng nên cô không e ngại ai
Với những thành tích vang dội trên trường quốc tế, Củng Lợi được ca ngợi như minh tinh Hoa ngữ có ảnh hưởng nhất tại Hollywood và châu Âu. Chính vì vậy, Củng Lợi luôn được hưởng các đặc quyền khác biệt với dàn sao còn lại mỗi khi cô tham dự các Liên hoan phim.
"Giới giải trí Hoa ngữ tự hào vì có Củng Lợi", "Ánh sáng của điện ảnh Hoa ngữ", "Củng Hoàng", "Mỹ nhân đẹp nhất phương Đông" là những mỹ từ mà công chúng dành cho nữ diễn viên Củng Lợi, một trong những cây đại thụ của điện ảnh Trung Quốc nói riêng và Hoa ngữ nói chung.