Thông tin được Bác sĩ Hoàng Thị Phượng, Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết tại Hội nghị Khoa học nhân kỷ niệm 43 năm thành lập bệnh viện, hôm 17/1 tại Hà Nội.

Vảy nến là bệnh da mạn tính, một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu, với tỷ lệ mắc 2-4% dân số. Ước tính có 200 triệu người bị vảy nến với 50% thể vừa và nặng. Việt Nam chưa có thống kê chính xác số bệnh nhân, song mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận và điều trị 60-80 bệnh nhân mắc vảy nến. Số người bệnh đến khám gia tăng vào những dịp chuyển mùa, thời tiết hanh khô như hiện nay.

Các thương tổn da có thể rải rác cho đến lan tỏa toàn thân. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ. Cơ chế sinh bệnh vảy nến bao gồm yếu tố gene di truyền, rối loạn miễn dịch, môi trường. Theo đó, nếu bố hoặc mẹ bị bệnh thì có khoảng 8% con bị bệnh; nếu cả bố và mẹ bị bệnh thì tới 41% con mắc bệnh.

Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh. Các stress tâm lý, sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon, rượu... có thể làm bệnh nặng lên.

Ba vấn đề chính trong tiến triển của vảy nến là bệnh tái phát, tăng tỷ lệ các bệnh đồng mắc và tiến triển thành viêm khớp vảy nến. Vảy nến gây ảnh hưởng nặng làn da, khiến nhiều người bị kỳ thị, ảnh hưởng tâm lý nặng nề, trong khi thực tế bệnh không lây.

Tại hội nghị, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay vảy nến chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu điều trị sớm, đúng cách, bệnh nhân vẫn có cuộc sống sinh hoạt gần như người bình thường. Hiện, y học có 4 nhóm phương pháp điều trị, gồm thuốc thoa, chiếu ánh sáng toàn thân, thuốc uống, thuốc sinh học. Trong đó, thuốc sinh học là phương pháp điều trị mới nhất hiện nay, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao.

"Các phương pháp này có thể giúp tình trạng bệnh được kiểm soát, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng", PGS Doanh nói.

anh-chup-man-hinh-2025-01-18-l-2314-8851-1737175093.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wkVKAcgsuuePNQnIN4JhYw

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: Lê Nga

Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý khoảng 1.000 bệnh nhân vảy nến. Thời gian qua, bệnh viện hỗ trợ thành lập Phòng khám bệnh vảy nến tại các địa phương, người bệnh không còn phải đi xa mà được chuyển về tuyến tỉnh điều trị, vừa giảm tải cho bệnh viện tuyến trên vừa thuận tiện cho người bệnh.

Như tại Bệnh viện Da liễu Đăk Lăk, trước đây có đủ bác sĩ trình độ chuyên môn nhưng không được sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt thuốc sinh học điều trị bệnh vảy nến. Nay mở phòng khám chuyên đề, bác sĩ có thể lên danh mục dùng cho người bệnh, tiêm các mũi thuốc trị giá hàng chục triệu đồng tại địa phương.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022