Mới đây, chương trình Đời nghệ sĩ đã lên sóng với sự tham gia của ca sĩ Long Nhật, một tên tuổi quen thuộc trong dòng nhạc Bolero và trữ tình quê hương.
Tại chương trình tuần này, Long Nhật đã tâm sự với khán giả về chặng đường nghệ thuật của anh.
Long Nhật
Tôi chỉ là một nghệ sĩ biết làm nghề mà thôi
Trải qua rất nhiều năm làm nghề và cống hiến cho khán giả, đến hiện tại, cái tên Long Nhật đã có một chỗ đứng khá vững chắc trong làng nhạc Việt và được đông đảo khán giả mến mộ.
Dù đã là một ngôi sao nổi danh khắp chốn, nhưng trong gia đình, ba tôi vẫn chưa thể chấp nhận con trai mình là một nghệ sĩ.
Mặc dù tôi đã làm rất nhiều thứ, nỗ lực, thuyết phục và khẳng định với ba rằng tôi đi con đường này là đúng, đàng hoàng.
Tôi không chơi bời lêu lổng, không hư hỏng. Tôi chỉ là một nghệ sĩ biết làm nghề mà thôi.
Ngày xưa, tôi xin ba cho tôi đi hát 3 năm, nếu nổi tiếng thì tôi đi tiếp còn không sẽ về học sư phạm. Vậy mà mới 2 năm tôi đã đạt được huy chương rồi.
Nhưng đến giờ này ba vẫn nói rằng ông muốn tôi là một công chức, ông không mơ ước đứa con nào là người của công chúng cả.
Sở dĩ ba vẫn mang nặng suy nghĩ này là bởi ngày xưa ông dạy chung với nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Thành ra, ba đã có dịp tiếp xúc rất nhiều với giới nghệ sĩ.
Hơn hết, trong tư tưởng của những người lớn tuổi như ba tôi đều cho rằng không có gì vất vả và khổ bằng nghệ sĩ.
Nổi tiếng để làm gì, cái nghề gì đâu mà chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Chưa kể, khi đối diện với công chúng thì có quá nhiều thứ rủi ro, may mắn được thương thì thương dữ lắm, còn xui lại bị đem ra mổ xẻ. Nhiều khi họ nói những cái làm mình đau lòng.
Làm nghệ sĩ gì thì làm nhưng phải có gia đình
Có những năm tháng tôi phải tỏ ra nhiều chuyện để hâm nóng tên tuổi nhằm trở lại làng giải trí.
Đó là giai đoạn sai lầm nhất của tôi, dám đi một con đường nguy hiểm. Khi ấy tôi từ bên Mỹ về, thời gian trở lại với công chúng cũng coi như gần hết.
Lúc đó, tôi mới xin ba mẹ, Tổ nghiệp và bà xã để cho tôi đi con đường tắt. Bây giờ nhìn lại sao thấy bản thân liều quá, cũng may tôi hạ cánh an toàn. Tôi sẽ không bao giờ quay lại con đường đó nữa, chỉ tập trung làm nghề, cống hiến cho nghệ thuật.
Thời điểm ấy, tôi căng thẳng đến mức có nhiều lần phải lên mạng viết luôn rằng nếu có rủa xả hay chửi mắng gì thì hãy nhắm vào một mình tôi, đừng đụng tới những người thân xung quanh tôi vì họ ở chỉ ở nhà đâu biết chuyện gì.
Mỗi lần có giông bão ập xuống thì gia đình là những người tội nhất. Đó cũng chính là thứ ba tôi sợ, người Huế họ thường chọn những giải pháp an toàn, thích bình yên và không màng danh tiếng.
Sự nhắc nhở của ba mẹ về gia đình cứ ăn sâu vào tâm trí tôi cũng là lý do thôi thúc tôi lập gia đình sớm hơn những đồng nghiệp cùng trang lứa.
Tôi được dặn dò rằng, làm nghệ sĩ gì thì làm nhưng phải có gia đình. Khi màn nhung khép lại, khán giả ra về, nói cho cùng là lúc mọi thứ đã lùi hết vào bóng tối thì chỉ có gia đình là chốn để đi về.
Đến giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn vì có những người đồng nghiệp luôn yêu thương và hiểu tôi.