Phim được chuẩn bị trong nửa năm, phần ghi hình kéo dài hơn một tháng với nhiều cảnh quay ở không gian khác nhau như đất liền, trên đại dương, trong vịnh và các đảo tại Trường Sa.

Ngoài 105 người thuộc đoàn phim, tác phẩm quy tụ số lượng lớn chiến sĩ thuộc các đơn vị hải quân, học sinh, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Dự án còn có sự tham gia diễn xuất của nhà báo, nhà ngoại giao Đinh Quang Tiến, các nghệ sĩ Mạnh Cường, Minh Phương, diễn viên Tiến Lộc, Huyền Thạch, Bình An.

Khanh-Hoa-1-3989-1722300063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dv8HKtlOegnSIlJiNc43vw

Nghệ sĩ Khánh Hòa bên các chiến sĩ hải quân. Tác phẩm, sẽ ra mắt trên VTV1 ngày 4/8, do Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam phối hợp Quân chủng Hải quân, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện, kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc (ngày 2 và 5/8/1964). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tác phẩm có thời lượng 60 phút, nói về một gia đình có ba thế hệ là bộ đội hải quân, với lối kể đan xen quá khứ - hiện tại, tiền tuyến - hậu phương. Trong phim, khoảnh khắc người vợ, người con tiễn chồng, cha của họ đi làm nhiệm vụ tại biển đảo, hay giây phút sum họp gia đình hiếm hoi được thể hiện. Một số chi tiết như Nam (Tiến Lộc đóng) bối rối vì đi công tác quá lâu khiến con trai không nhận ra, hay Hoa (Khánh Hòa thể hiện) đau đớn nhận di vật của Nam, nửa đêm cầm đèn báo bão ra bờ biển để lễ chồng ở mộ gió gợi nhiều cảm xúc. Gần cuối phim, êkíp còn tái hiện lễ tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Nghệ sĩ Ưu tú Khánh Hòa là người lên ý tưởng ban đầu, biểu diễnhầu hếtca khúc và tham gia sản xuất dự án. Trong phim, chị hóa thân cô giáo Hoa, có chồng và con trai đều là bộ đội hải quân.

Tác phẩm là phim ca nhạc thứ hai về Trường Sa của nghệ sĩ, kể từ Gần lắm Trường Sa ra mắt năm 2012. Chị từng đến Trường Sa tám lần, dành tình cảm đặc biệt cho nơi đây. Khi bắt đầu có ý tưởng làm tác phẩm, trong nhiều ngày, Khánh Hòa thường thức đến 3h để ôn lại kỷ niệm. Qua kết nối của nhà báo Đặng Hương - chủ nhiệm dự án, chị gặp nhạc sĩ Lê Tâm và cùng anh hoàn thiện kịch bản.

Đạo diễn Phú Trần từng gặp thử thách khi sắp xếp các tình huống thực tế với những chi tiết trong kịch bản, đồng thời hài hòa với phần âm nhạc. Anh có nhiều cảm xúc khi xây dựng đại cảnh để nghệ sĩ Khánh Hòa hát ca khúc Nơi ấy là Trường Sa cùng 60 nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của Quân chủng Hải quân, sân khấu trên tàu Yết Kiêu thuộc Lữ Đoàn 189 được xây dựng. ''Khi bắt đầu những cảnh quay đầu tiên, ánh bình minh lộ ra, mọi người đều chung cảm xúc. Đứng giữa biển khơi, biểu diễn và thưởng thức một bài nhạc mang âm hưởng hào hùng của biển đảo, hải quân cũng như bộ đội Việt Nam, ai cũng xúc động, tự hào'', Phú Trần kể.

Khanh-Hoa-6700-1722300063.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PT2qyVwEcwPiEM-eHZvE8w

Nghệ sĩ Khánh Hòa hát cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại sự kiện ra mắt phim chiều 29/7, đạo diễn hình ảnh Trịnh Minh Tuấn cho biết mỗi khi quay cảnh Khôi (Bình An đóng) đứng trên tàu làm nhiệm vụ tuần tra ở đảo Song Tử Tây và Trường Sa, một đàn cá heo nổi lên bơi song hành mũi thuyền của đoàn. Ba cảnh quay cá heo cùng tiếng thu thanh trong phim đều là thật.

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân - nhận xét tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, ngợi ca tình yêu đất nước, biển đảo quê hương. Ông tin tưởng phim sẽ khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, bồi đắp tinh thần chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022