Hôm 3/4, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP HCM - ra văn bản về việc giải quyết kiến nghị giải thể công ty TNHH một thành viên phim Nguyễn Đình Chiểu (hãng phim Nguyễn Đình Chiểu). Thành phố đề nghị đơn vị chủ quản của hãng - Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn - rà soát toàn bộ hoạt động để có phương án xử lý, báo cáo tổng thể trước ngày 15/4.
Kiến nghị giải thể được Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn gửi tới UBND TP HCM hồi cuối 2022, với lý do "thua lỗ kéo dài, lỗ lũy tiến vượt qua vốn điều lệ ban đầu".
Theo báo cáo của công ty, hãng phim hiện có 19 nhân sự, hai mặt bằng (số 6 Ngô Thời Nhiệm, quận 3 và số 207 Đinh Tiên Hoàng, quận 1). Tuy nhiên, "hai mặt bằng này bị xuống cấp trầm trọng vì đã xây dựng từ trước năm 1975, với kết cấu cũ, không được nâng cấp cải tạo phù hợp với một hãng phim điện ảnh và không có một phim trường hiện đại đủ chuẩn để có thể mở rộng công năng".
Đơn vị cũng cho rằng do thiếu nguồn vốn, công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác cũng như hợp tác thực hiện phim gia công, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Về trang thiết bị, hãng cũng gặp khó khăn khi sau năm 2008, toàn bộ máy móc hoạt động theo quy trình analog của đơn vị đều không còn phù hợp. Hãng từng được hỗ trợ để chuyển đổi sang digital (kỹ thuật số) nhưng đầu tư nhỏ giọt, thiếu đồng bộ, chưa đúng tiêu chuẩn của một hãng sản xuất phim.
Nghệ sĩ Thụy Vân trong "Làng ven" - một trong những tác phẩm tiêu biểu của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Đạo diễn Quế Lâm
Về tình hình kinh doanh, từ năm 2011 đến nay, hiệu quả hoạt động của đơn vị rất thấp. Theo báo cáo tài chính năm 2022, lỗ lũy kế của hãng phim là 7,038 tỷ đồng, vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu là 4,844 tỷ đồng. Nợ phải trả là 7,745 tỷ đồng, lớn hơn tổng tài sản là 5,561 tỷ đồng.
Do đã ngưng làm phim từ lâu, chương trình Văn hóa thành phố là nguồn thu chính của hãng với 2,5 tỷ đồng mỗi năm.Tuy nhiên, trong năm 2022, đơn vị không được giao làm chương trình này dù đã liên hệ Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM để xin được thực hiện. Dù chưa được tái ký hợp đồng, hãng phim vẫn thực hiện 43 chương trình trong năm ngoái, tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng và chưa được quyết toán. Giai đoạn 2023-2025, công ty không chủ động xây dựng được phương án kinh doanh, mà vẫn phụ thuộc vào chương trình Văn hóa thành phố của Đài Truyền hình TP HCM. Nếu không được giao chương trình này, công ty cho biết sẽ lỗ mỗi năm 1,7 tỷ đồng. Do đó, tổng công ty kiến nghị xin giải thể hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.
Trụ sở của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP HCM. Ảnh: Mai Nhật
Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu ra đời từ năm 1975, có trụ sở làm việc tại đường Ngô Thời Nhiệm và rạp chiếu phim Cầu Bông, sản xuất phim truyện lẫn phim tư liệu, nội dung chủ yếu ca ngợi những thành quả của thành phố sau năm 1975.
Thời huy hoàng nhất của hãng phim là thập niên 1980, với các gương mặt như nghệ sĩ Thụy Vân, Thế Anh, đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Nhiều tác phẩm phim truyện của hãng gây tiếng vang, như Làng ven, Biển sáng, Bầu trời cho chim câu, Ngọn lửa Thành Đồng, Trên lưng ngựa. Năm 1988, phim Cơn lốc đen (Thụy Vân đạo diễn) giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim toàn quốc năm 1988. Sang thập niên 1990, đơn vị kết hợp với nhiều nhà làm phim tư nhân như Lý Huỳnh, Chánh Tín để sản xuất các tác phẩm dòng phim thị trường.
Giải thưởng gần đây nhất hãng phim đạt được là Bông Sen Vàng, hạng mục phim tài liệu video với Hồ Chí Minh - cội nguồn cảm hứng sáng tạo năm 2011. Hiện giám đốc hãng là ông Bùi Xuân Khoa, phó giám đốc hãng là đạo diễn Nguyễn Quế Lâm.
Mai Nhật