Giới chuyên môn, nhà làm phim trong và ngoài nướcgóp mặt tại hội thảo Điện ảnh Hàn Quốc - Bài học thành công quốc tế và Kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025.
Nói về điều kiện để ngành phim phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên sân chơi khu vực, Tiến sĩ lý luận văn học và biên kịch Đào Lê Na cho rằng việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là bước đi quan trọng, giúp các nhà làm phim tiếp cận nguồn lực tài chính ổn định, đồng thời tạo nền tảng cho sự sáng tạo lâu dài.
Trên thực tế, các nhà làm phim độc lập thường mất nhiều năm để hoàn thành một dự án, không phải thiếu ý tưởng hay kịch bản, mà do quá trình kêu gọi tài trợ gian nan. Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết anh thường phải xin từng khoản hỗ trợ nhỏ từ các quỹ quốc tế, khiến quá trình sản xuất kéo dài hơn dự kiến.
Năm 2010, tác phẩm đầu tay Bi, đừng sợ! của anh công chiếu, giành hai giải thưởng ở Tuần lễ Phê bình của Liên hoan phim Cannes. 5 năm sau, anh ra mắt Cha và con và... tranh giải Gấu Vàng Liên hoan phim Berlin 2015. "Đó là quãng đường quá dài cho một tác phẩm, trong khi ngành điện ảnh thay đổi từng ngày", đạo diễn nói.

Đạo diễn Phan Đăng Di phát biểu trong hội thảo ngày 30/6. Ảnh: Minh Nguyệt
Luật Điện ảnh sửa đổi đề cập đến việc thành lập quỹ hỗ trợ, không chỉ dành cho các hãng phim lớn mà hướng đến những dự án điện ảnh có ý nghĩa xã hội, văn hóa và những người làm phim độc lập hoặc khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan chịu trách nhiệm triển khai hay hướng dẫn thi hành chi tiết.
Hiện nhà nước chỉ có cơ chế đầu tư cho phim đặt hàng, ưu tiên các đạo diễn có thâm niên trong nghề. Còn nguồn tiền cho nhà làm phim độc lập đến từ các quỹ của chính phủ các nước, doanh nghiệp tư nhân. Tại Việt Nam, ngoài một số nguồn tài trợ tài năng trẻ của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội hay Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, hiện chưa có quỹ phát triển điện ảnh quốc gia hoạt động bài bản.
Các đạo diễn thường tìm đến các liên hoan phim quốc tế ở nước ngoài, đàm phán công ty sản xuất quốc tế xin hỗ trợ, như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với Tro tàn rực rỡ (2022), nhận nhiều hỗ trợ từ Pháp, Hàn Quốc, Singapore, đạo diễn Phạm Thiên Ân với Bên trong vỏ kén vàng (2023) - đoạt giải Camera d'Or Liên hoan phim Cannes - cũng xin kinh phí từ nhiều nguồn như Ủy ban Điện ảnh Singapore, Purin Pictures (Singapore), Normandie Images (Pháp).
Dự án phim ngắn CJ do công ty CJ CGV Việt Nam khởi xướng là một trong số ít chương trình hỗ trợ có hệ thống, hướng đến việc tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ thực hiện phim ngắn tranh giải quốc tế. Tuy nhiên, chương trình này chưa đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt cơ chế hỗ trợ mang tính toàn ngành.

Trailer "Memories of Murder" (2003) của đạo diễn Bong Joon Ho. Phim nhận được hỗ trợ tài chính từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), giúp Bong Joon Ho có điều kiện làm phim quy mô lớn sau thành công của tác phẩm đầu tay "Barking Dogs Never Bite". Video: Madman Films
Tại các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, nhà làm phim dễ dàng tiếp cận quỹ quốc gia - phần lớn đến từ doanh nghiệp hoặc ngân sách nhà nước - để đầu tư kịch bản, sản xuất phim và quảng bá tại các liên hoan quốc tế.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều chuyên gia Hàn Quốc đề xuất giải pháp hỗ trợ Việt Nam xây dựng quỹ phát triển điện ảnh cùng hệ sinh thái cho ngành. Đạo diễn Kim Hong Joon - giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA) - cho rằng việc hình thành quỹ không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay từ đầu. "Ban đầu, Hàn Quốc cũng từng thiếu nguồn hỗ trợ, lúng túng trong cách hỗ trợ các dự án độc lập. Tuy nhiên, bằng việc nhìn lại những hạn chế, sẵn sàng tiếp thu tư duy mới, chúng tôi từng bước xây dựng được một hệ thống vận hành chuyên nghiệp, tạo nền tảng cho sự bứt phá của điện ảnh nước nhà", ông nói.
Theo ông Kim, điều quan trọng không chỉ là tiền bạc, mà các ban ngành phải có tầm nhìn và sự đồng hành từ xã hội. Ở Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo sớm nhìn ra vai trò của điện ảnh như một công cụ truyền tải bản sắc, tâm tư và câu chuyện dân tộc đến với thế giới. Từ đó, họ quyết tâm đưa điện ảnh trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quyền lực mềm quốc gia.
Từ những năm 1990, Hàn Quốc xây dựng mô hình hỗ trợ điện ảnh, mục đích là trao quyền tự chủ cho nhà làm phim. Chính phủ thành lập Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ phim nội địa. Tiêu chí của tổ chức này là không can thiệp vào quá trình sáng tạo mà đóng vai trò hậu thuẫn, giúp các đạo diễn và êkíp giữ vững tiếng nói nghệ thuật.
Bên cạnh việc cấp vốn trực tiếp cho các dự án, KOFIC xây dựng hệ sinh thái, gồm thành lập học viện điện ảnh nhằm đào tạo thế hệ làm phim mới, quản lý doanh thu phòng vé để đảm bảo minh bạch tài chính và thiết lập cơ chế hoàn vốn linh hoạt dựa trên hiệu quả phát hành thực tế.
Mô hình này không chỉ giúp các nhà làm phim giảm áp lực tài chính mà còn tạo điều kiện để họ tập trung vào sáng tạo. Nhờ hệ thống hỗ trợ toàn diện, nhiều đạo diễn như Bong Joon Ho (phim Mother, Parasite) hay Park Chan Wook (phim Oldboy, Decision to Leave) có thể phát triển những tác phẩm đột phá, mang dấu ấn nghệ thuật cá nhân và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế.

Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Busan, ông Park Kwang Soo, tại buổi hội thảo ngày 30/6. Ảnh: Minh Nguyệt
Đồng quan điểm, ông Park Kwang Soo - Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Busan - nói nền điện ảnh không thể phát triển bền vững nếu chỉ trông chờ vào doanh thu phòng vé hay những bộ phim giải trí dành cho đại chúng. Lĩnh vực cần có không gian cho các tác phẩm nghệ thuật, giàu tính thể nghiệm, phản ánh chiều sâu văn hóa và xã hội để tạo nên hệ sinh thái cân bằng và lâu dài.
"Để ngành công nghiệp văn hóa phát triển tầm cỡ như Hàn Quốc, ngoài tài năng của các nhà làm phim, chúng ta cần sự chung tay của những người xây dựng chính sách và xã hội. Họ phải nhận thấy điện ảnh không chỉ tạo ra sự thay đổi cho ngành, mà còn cho cả quốc gia", ông nói.
Quế Chi