Theo một số nguồn tin thì sau một thời gian ở ẩn, mới đây anh đã có ý định sản xuất phim trở lại?
Thực ra, tôi chưa muốn tiết lộ điều này với báo giới, mới chỉ trò chuyện với những người thân tình thôi. Nhưng các bạn lỡ biết rồi nên tôi xin chia sẻ một chút là tôi mới vừa viết xong kịch bản của một bộ phim cách đây khoảng một tháng. Kịch bản “ra ngô, ra khoai” hay không tôi chưa biết nhưng đã gửi cho một số người đồng nghiệp để thăm dò ý kiến của họ. Tôi chưa nói trước được điều gì cụ thể, không biết là năm 2017 hay năm 2018 sẽ làm xong bộ phim này nhưng chắc chắn tôi sẽ trở lại với nghề.
Nếu bắt tay làm phim trở lại, điều anh lo ngại nhất có phải là vốn đầu tư?
Tôi không lo ngại gì hết. Nói chung điều lo ngại mỗi thời điểm một khác vì điện ảnh ngày một phát triển. Hồi xưa, lúc tôi sản xuất phim thì các cụm rạp còn ít, còn giờ nhiều hơn rất nhiều. Thị trường rạp chiếu ở Việt Nam mỗi năm lại có thêm khoảng 50 đến 60 rạp mới. Quan trọng là tác giả và đạo diễn phải cập nhật, bắt kịp thông tin để làm sao tác phẩm của mình đừng lạc hậu, đừng bị quê và phải “phả” được hơi thở cuộc sống cũng giống như sự sáng tạo mới. Thông qua những LHP Quốc tế Hà Nội như lần này, các nhà sản xuất phim như chúng tôi cũng sẽ học được những điều về quy luật phát triển của điện ảnh, cái mới, cái lạ mà xã hội lẫn thị trường đang chấp nhận, giới làm phim chấp nhận. Kinh nghiệm chỉ đóng một phần nhỏ, còn sự sáng tạo mới mẻ thì phải thường xuyên phải cập nhật, không sẽ thất bại.
Anh có tự tin rằng, sau một thời gian gián đoạn, anh sẽ vẫn làm ra được những bộ phim “ăn khách” như thương hiệu Phước Sang trước đây?
Tôi có thể trả lời chắc chắn rằng, nếu không tự tin, tôi sẽ không làm. Tôi đã làm là tôi rất tự tin, làm là phải thắng, không thắng không làm. Còn chuyện cập nhật thông tin chưa nói trước được điều gì. Mỗi người có cách cập nhật thông tin và cảm nhận khác nhau. Có những thứ với người khác là hay ho nhưng với tôi không hay thì sao. Điện ảnh không phải được tính bằng công thức “1+1=2” mà phải là cái duyên.
Cuộc sống của anh thời gian qua thế nào?
(Cười). Cuộc sống của tôi vẫn bình thường, cũng cơm ngày hai bữa, ăn no rồi lại tập trung suy nghĩ để viết. Tôi giống như người mới qua cơn bạo bệnh, khi hết bệnh phải từ từ mà đi mới không bị ngã. Cái gì cũng vậy, hết bệnh phải dùng sức tập tành này nọ, đi đứng cho tốt, chứ không thể nào bình thường ngay được.
Nói vậy nghĩa là đến thời điểm này, “sóng gió” của anh đã đi qua và anh đã chuẩn bị tinh thần cho sự trở lại?
Tính đến bây giờ tôi đã ổn, đã sẵn sàng cho sự trở lại. Tôi có chút e ngại vì quá lâu rồi không làm phim. Tất nhiên, với thói quen của một người làm kinh doanh, tôi vẫn thường xuyên theo dõi thị trường sản xuất và phát hành phim. Bên cạnh đó cũng nắm bắt được thị hiếu của từng đối tượng khán giả.
Anh với Kim Thư có thường xuyên liên hệ với nhau không?
Có chứ. Các con vẫn sống với tôi mà. Chuyện cá nhân tôi thực sự cũng không muốn nói đến nhiều.
Với tôi, chỗ dựa tinh thần lớn nhất bây giờ là các con, gia đình và bạn bè. Biến cố xảy ra với tôi chứ không xảy ra với bạn bè tôi nên chuyện tình cảm giữa tôi với bạn bè vẫn bình thường. Biến cố xảy ra với tôi do bước đi sai lầm, tôi chấp nhận điều đó, còn tình cảm bạn bè cũng như đồng nghiệp vẫn tốt đẹp như trước đây.
Lúc anh gặp “sóng gió”, có người đã bỏ anh đi, có người vẫn ở lại nắm tay anh… anh có giận những người đã bỏ anh đi không?
Tôi không quan tâm chuyện ai bỏ mình đi, ai không bỏ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, bạn bè mỗi người mỗi cảnh,. Tương tự như anh em ruột khi ở với nhau khác, khi có vợ có chồng lại khác huống chi là bạn bè. Thời sinh viên nghèo khổ, anh em, bạn bè chơi với nhau khác và khi bạn có gia đình câu chuyện lại càng khác. Còn vợ chồng, con cái, nhiều thứ phải lo... không thể còn như thời sinh viên chỉ một thân một mình, có thể sống chết với nhau, móc gan móc ruột ra chơi với nhau được.
Ngày xưa anh từng rất thành công với vai diễn chính trong phim “Thuốc khóc, thuốc cười”. Anh có nghĩ vai diễn trong phim này đã vận vào cuộc đời anh?
Đúng là những câu chuyện trong phim thường “vận” vào cuộc đời. Thường thì 90% vai diễn “vận” vào cuộc đời nhưng tôi nghĩ những người như tôi cần phải chấp nhận những sóng gió cuộc đời vì có trải qua những cái đó mới có nhiều vốn sống để đem vào tác phẩm của mình. Tôi không dám so sánh cuộc đời mình với những người khác nhưng tôi ví dụ, cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một nhạc sĩ tài hoa nhưng cũng nhiều sóng gió bi kịch. Nhờ những va vấp đó mà ông đã viết nên được những bản tình ca bất hủ. Đại khái, tạo hóa đã đẩy đưa những người làm nghệ thuật phải đối mặt với nhiều bi kịch cuộc đời để từ đó có cảm xúc mà đưa vào những tác phẩm của mình.
Nhưng thời buổi này làm nghệ thuật mà không có “thủ thuật” e chừng khó mà ngoi lên được?
Tôi nghĩ cái gì cũng vậy, sự thật mãi mãi tồn tại với thời gian, thực sự đi vào lòng người mến mộ. Tôi đơn cử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mánh khóe gì đâu mà tác phẩm của ông vẫn để đời. Rồi sân khấu có đạo diễn Doãn Hoàng Giang, điện ảnh có bác Vương Hồng Sến… Các bậc “trưởng lão” đó có mánh khóe gì đâu, thủ thuật gì đâu mà tác phẩm của họ vẫn đến gần được với số đông và “sống” mãi trong lòng khán giả. Tôi nghĩ mánh khóe có bền đâu, thời gian ngắn lắm. Cả trăm năm nữa thì tác phẩm của những người làm nghệ thuật chân chính vẫn trường tồn.
Đã bao giờ anh nghĩ sẽ làm phim về cuộc đời mình? Và nếu làm phim về mình anh sẽ nhấn vào những điểm nào?
Tôi đã từng nghĩ tới điều này nhưng đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp. Nhiều người khuyên tôi nên viết hồi ký trước khi làm phim về mình nhưng tôi thấy bây giờ nhiều người viết quá đâm ra khái niệm “hồi ký” bị hiểu lệch nghĩa đi. Viết hồi ký để nổi tiếng khác mà viết hồi kỳ để cảnh tỉnh cảnh báo cho thế hệ trẻ sau không vấp ngã, có bước đi tốt hơn thì khác. Tôi nghĩ, khi tôi viết hồi ký thì phải làm sao giới trẻ đọc cảm nhận được, rút kinh nghiệm vượt qua được khó khăn, còn không viết để nổi tiếng.
Tôi không muốn trở lại showbiz là vậy. Vô showbiz sớm muộn gì cũng xuất hiện những scandal không ai muốn. Hồi trẻ, tiến tới đâu hay tới đó, khi lớn rồi, có gia đình rồi, khi trở lại rất phải suy nghĩ. Phải làm sao để không ảnh hưởng phiền lụy đến gia đình là cả một vấn đề. Như tôi, nếu gặp scandal 10 năm trước thì không sao nhưng ở thời điểm vừa qua là ảnh hưởng đến gia đình nên đau lắm. Mình đau một nhưng nghĩ đến con đau 10.
Ai cũng có một thời, vận số đến phải đón nhận. Vến đề là đón nhận rồi nhưng vượt như thế nào. Tôi rất thấm thía câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du: “Chữ tài đi với chữ tai một vần”.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long