NSƯT Phạm Bằng sinh 1931 tại Hà Nội. Ông là một nghệ sĩ sân khấu, hài kịch và truyền hình Việt Nam. Nghệ sĩ Phạm Bằng tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội vào tháng 12/1959. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương và GS. Đình Quang là người phát hiện ra khả năng đóng vai hài của ông.
Một số tiểu phẩm tiêu biểu của Phạm Bằng như: “Nghe đồn”, “Cờ bạc”, “Về quê”… Nhắc về sự nghiệp diễn xuất của ông người ta vẫn nhớ những vai diễn để đời của ông từ chính kịch đến những vai diễn hai trên các tiểu phẩm của truyền hình. Từ vai thiếu úy Minh trong vở kịch tình báo “Đêm tháng 7” (đạo diễn Dương Linh) đến vai Lý Trưởng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (của Lưu Quang Vũ) và vai Thương trong “Mớ đời Thương” (của Tất Đạt). Có thể nói đây là hai vai diễn để đời của ông, với một vai phản diện, một vai bi hài mà không ai có thể thay thế được.
Vào những năm 2000, ông nổi tiếng với các vai “sếp đầu hói” trong chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của VTV3. Với lối diễn hài tưng tửng, tỉnh queo, ông đã định hình được một phong cách hài rất riêng mang thương hiệu Bằng "hói" trong các tiểu phẩm trên truyền hình. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục.
NSƯT Phạm Bằng từng tâm sự, lúc ông về hưu có nhiều hụt hẫng, nếu không tìm lấy một việc gì đó để làm thì sẽ rất buồn. Cái buồn đấy nó sẽ càng dội đến lúc tuổi cao sức yếu. May mắn ông chịu khó tập tành nên sức khỏe tốt, chưa có gì phải quá lo lắng về tuổi già. Trí nhớ thì cũng mới hao hụt ba phần mười (3/10) thôi nên vẫn có thể đi diễn tốt.
Ông thú thực, đi diễn còn là cách để khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Vợ ông qua đời cách đây gần 15 năm, sau hai năm ông về hưu.
Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Tuy nhiên do đợt ốm trong khoảng thời gian 2013, ông nghỉ bán quán.
Ngoài đời, NSƯT Phạm Bằng luôn được đồng nghiệp yêu quý và ngưỡng mộ bởi con người vừa say mê với nghề diễn, vừa hiền lành, đức độ, lại là người làm việc cực kỳ nghiêm túc. Thậm chí là diễn viên hài, nhưng bước xuống sân khấu, không bao giờ thấy ông bông phèng, hay trêu đùa theo cách như ở trên sân khấu.
NSƯT Phạm Bằng đã ra đi sau một thời gian điều trị bệnh gan ở Singapore và dưỡng bệnh ở TPHCM.
Hà Tùng Long