Bộ phim đã đưa người xem qua cuộc hành trình dài của một trong những nhiếp ảnh gia được kính trọng nhất thế giới
Nhiếp ảnh gia kiệt xuất người Brazil Sebastião Salgado đã ghi lại hàng vạn bức ảnh đáng giá về nỗi thống khổ của con người trong những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh, nạn đói, tị nạn, di dân... ở nhiều nơi trên thế giới.
Những di sản bằng ảnh (chủ yếu là đen trắng) như những khoảnh khắc đáng giá nhất của lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20.
Đó cũng chính là muối, được kết tinh từ những chuyến đi không mệt mỏi và thậm chí rất nguy hiểm của Sebastião Salgado qua những vùng đất cằn cỗi và đau thương nhất của thế giới.
Cây bút phê bình của tờ Los Angeles Times không quá lời khi gọi bộ phim này là “một sự khai sáng”, trong khi nhiều nhà phê bình và khán giả gọi đó là “một bộ phim truyền cảm hứng mạnh mẽ”.
Còn gì hứng cảm hơn khi được chứng kiến cuộc đời của một con người dành ra hơn 40 năm đi khắp sáu châu lục trên thế giới, đặt chân lên hơn 100 quốc gia, không chứng kiến được khoảnh khắc đứa con trai đầu lòng chào đời, thay vào đó là chứng kiến những cuộc xung đột chiến tranh liên miên ở vùng Balkans, nạn chết đói và di cư ở Sudan, Ethiopia, Rwanda, những bộ lạc thổ dân ở Indonesia, một hầm mỏ khai thác vàng lộ thiên ở Brazil...
Mỗi bức ảnh đều có một câu chuyện, một khoảnh khắc để ghi lại. Hầu hết chúng được chụp đen trắng và tuyệt đẹp, đặc biệt là ánh sáng.
Có lẽ vì thế mà khi xem xong bộ phim này, chúng ta rất đồng cảm với câu nói nổi tiếng của ông: “Vào lúc kết thúc của một ngày, con người là muối của Trái đất”. Nhan đề của bộ phim cũng được rút gọn từ ý của câu nói này.
Hình ảnh của Sebastião Salgado được sử dụng trong phimHình ảnh hơn 50.000 người đàn ông mình trần ở một mỏ vàng gợi nhớ tới hình ảnh người xưa xây kim tự tháp hay tháp Babel, đôi mắt của những đứa trẻ sắp chết đói ở Ethiopia, chân dung một người đàn bà mù lòa nhưng hằng ngày nước mắt vẫn chảy ra từ hốc mắt hay vẻ đẹp tuyệt vời của cơ thể những chàng trai thổ dân trần truồng leo thoăn thoắt lên ngọn cây để thu lượm thành quả săn bắn... Muối của Trái đất vì vậy như những kết tinh đẹp nhất của một chuyến hành trình đi qua nỗi thống khổ của con người mà vẫn thấy đẹp, thấy đầy cảm hứng.
Và Sebastião Salgado chắc chắn là một người nghệ sĩ thuần khiết nhất của thế giới, khi những gì ông chạm vào đều tạo nên dấu ấn của riêng ông. Nhưng nỗi đau đớn và thống khổ của con người thì ông bất lực.
Đó cũng là câu hỏi đạo đức mà ông luôn tự dằn vặt mình, làm sao có thể đứng ngoài nỗi đau của con người khi hằng ngày, hằng giờ ông tiếp cận với nó?
Một trong những chủ đề gây ấn tượng mạnh trong nhiếp ảnh của Sebastião Salgado chính là thiên nhiên, đặc biệt là khám phá những vùng đất nguyên sơ, hoang dã, những loài động thực vật quý hiếm và những cảnh quan hùng vĩ nhất của thế giới, những thứ đang dần mất đi cũng bởi chính con người.
Ông đã dành ra tám năm và tiếp tục với chủ đề này, lang thang ở sa mạc Gobi, đảo Phục Sinh, các bộ lạc biệt lập với thế giới ở Indonesia... để lưu lại “muối của Trái đất”, để trở thành một sinh vật nhỏ bé của thiên nhiên rộng lớn, như câu nói của ông: “Tôi là một phần của tự nhiên, như một chú rùa, như một cái cây, như một hòn đá”.
Một bộ phim tài liệu tuyệt đẹp và khai sáng.
“Photo” trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “ánh sáng”, còn “graphy” nghĩa là “viết lại”. Nhiếp ảnh có nghĩa là viết lại bằng ánh sáng.
Câu chuyện cuộc đời của Sebastião Salgado có thể được định nghĩa ngắn gọn qua bộ phim tài liệu chân dung của đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders và Juliano Ribeiro Salgado, cũng là con trai của Sebastião Salgado: người viết lại bằng ánh sáng những nỗi đau đớn, thống khổ nhưng cũng tuyệt đẹp của loài người, của thiên nhiên.
Với The salt of the Earth, hai đạo diễn đã đồng hành cùng nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado trong một chuyến đi khám phá thế giới và ghi lại những hình ảnh, phỏng vấn trong suốt chuyến đi.
Phần hình ảnh này được xen kẽ với những thước phim tư liệu và đặc biệt là những bức hình đen trắng, những kiệt tác nhiếp ảnh của Sebastião Salgado.
Nguồn: tuoitre.vn