"Thà thừa hơn thiếu. Nhìn kiốt dưới sảnh chung cư bay tan nát tôi cũng sợ'', chị Trần Mai Phương, 42 tuổi, ở Láng Hạ nói. Chưa đến giờ ăn tối, nhà chị Mai Phương đã đủ cơm canh bày sẵn trên bàn.
Nghe tin bão Yagi sẽ đổ bộ Hà Nội, từ hai ngày trước, chị đã chuẩn bị sẵn thực phẩm dự trữ vì biết chắc cận ngày bão đến mọi người sẽ đổ xô tích trữ. Mai Phương mua trứng, làm sẵn ruốc thịt, muối vừng và mua gạo đủ một tuần. Hôm qua, chị còn tranh thủ đi chợ sớm mang về nhà một con cá basa, một con vịt, gần một kg mọc để nấu canh.
Các loại rau, thịt, chị mua vừa đủ trong hai ngày, đồ khô ăn được khoảng một tuần. "Lúc tôi mua xong thì mọi người mới bắt đầu đổ xô đi tích trữ'', chị Phương nói.
Một phụ nữ ở Hà Nội nấu cơm tối từ 1h trưa, ngày 7/9.
Từ trưa nay, khi nghe mọi người trong công ty cảnh báo, đang ôm con, chị Nguyễn Hồng, 32 tuổi, ở Cầu Giấy cũng ngồi bật dậy cắm cơm, nấu sẵn thức ăn cho bữa chiều vì sợ bão vào sẽ mưa lớn. Vợ chồng chị tắm cho hai con nhỏ rồi tranh thủ thay nhau đi tắm, đề phòng mất nước, mất điện khi bão đổ bộ.
Trước đó, chị cũng ra siêu thị xách về hai chai nước lớn, mua thịt xay, rau củ để ăn đủ trong hai ngày. Đến cuối ngày, chồng chị Hồng còn mua một thùng mì tôm, hai túi xúc xích vì lo vợ chưa tích trữ gì trong cơn bão lớn. Chiều nay anh cũng đun ba lần nước, đổ đầy ba phích, nếu lỡ mất điện kéo dài còn ăn mỳ tôm thay cơm.
"Hiện tại mưa lớn, gió giật mạnh nhưng tôi khá yên tâm. Giờ có mất điện, cúp nước cả nhà cũng chỉ việc ăn uống, nghỉ ngơi'', chị nói.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, người dân ở các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương cũng nhắc nhau lo sẵn thực phẩm, chuẩn bị sạc dự phòng, tích trữ nước đề phòng tình trạng mưa bão kéo dài gây mất điện, mất nước. Nhiều người cho biết, bão diễn biến phức tạp nên cắm cả nồi cơm to từ nửa đêm, có người mới 6h sáng đã có sẵn cơm cho gia đình.
Trong các hội nhóm chung cư, các gia đình cũng rủ nhau chuẩn bị sẵn thực phẩm, sạc đầy pin dự phòng, chủ động trong mưa bão.
Không chỉ tích trữ thức ăn, chị Lê Thị Thêm, sống tại tầng 6 chung cư trên phố Vũ Tông Phan, quận Thanh Xuân còn gia cố lại căn hộ để phòng chống bão Yagi sắp đổ bộ vào Hà Nội.
"Cơn lốc chiều qua khiến cửa ban công hướng Nam nhà tôi rung bần bật, cây cối đổ rạp, chậu nứt tứ tung. Nay tôi cuộn rồi nhét khăn vào các khe hở ở cửa để tăng thêm độ chắc chắn", người mẹ 34 tuổi nói.
Tham khảo trên các hội nhóm, chị Thêm định dán băng keo vào cửa kính nhưng cách đó chỉ giảm thiểu kính rơi vỡ. Bởi vậy, để tăng thêm chắc chắn, người phụ nữ này còn chặn thêm chiếc ghế sofa ở cửa ban công để nếu cửa kính rơi vỡ cũng giảm thiểu nguy hại tới người ngồi trong nhà.
Một chiếc đèn chiếu sáng cùng với hai chiếc quạt tích điện cũng đã được sạc đầy phòng trường hợp mất điện diện rộng, gia đình ba người vẫn có để sử dụng qua đêm hôm nay.
Ngày từ trưa, chị Thêm đã giục giã cả nhà tắm rửa sạch sẽ, trữ một bình nước nóng lạnh bởi khi bão vào gia đình sẽ tắt hết các thiết bị điện, chỉ để lại bóng đèn vì sợ chập cháy.
Ban công cũng được người phụ nữ này dọn sạch sẽ từ sáng. Móc phơi hay chậu hoa được di tản hết vào nhà tránh trường hợp gió to va đập vào cửa kính gây nứt vỡ. "Tôi sắp đón thêm gia đình người bạn ở tầng 29 di tản xuống vì gió trên cao rít từng đợt, nhà có con nhỏ nên rất sợ".
Chị Lê Thị Thêm chuẩn bị đèn, sạc dự phòng cho bão, trưa 7/9. Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung Tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ đầu giờ chiều nay đã ghi nhận gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6-7. Từ giờ đến đêm nay khi tâm bão càng gần thì dự báo sức gió mạnh nhất ở Hà Nội càng tăng, có thể mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10.
Ông Hưởng khuyến cáo trong 12 giờ tới người dân Hà Nội không nên ra khỏi nhà, thời tiết Thủ đô chỉ trở lại bình thường từ sáng mai.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, do ảnh hưởng của gió mạnh, mưa lớn của bão số 3 Yagi, nhiều đường dây truyền tải điện 500 kV và 220 kV ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị sự cố. Đồng thời, một số đường dây được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn. Đến 14h ngày 7/9, gần như toàn bộ tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng bị mất điện do sự cố nhiều đường dây trung áp.
Tại Thái Bình, ảnh hưởng của bão cũng gây nhiều sự cố lưới điện trung áp, khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện. Đến 14h ngày 7/9, Thanh Hóa đang có mưa to, khiến gần 12.000 khách hàng mất điện.
Phạm Nga - Hải Hiền