7h sáng, chú rể Tấn Dư trong bộ vest đen nắm chặt tay vợ tiến vào lễ đường. Họ đã về sống chung nhà được 9 năm nhưng không có đám cưới nào vì không đủ kinh phí. Chàng trai 31 tuổi quê Đồng Nai cho biết bất ngờ khi được Công đoàn tỉnh Bình Dương thông báo tổ chức đám cưới miễn phí, từ khâu chụp ảnh cưới, chuẩn bị trang phục, không gian và bữa ăn trong tiệc cưới.

"Tổ chức đám cưới là điều vợ chồng tôi không dám mơ, dưới sự chứng kiến của đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Tôi ngẩn người không tin đây là sự thật", Dư nói.

anhcuoi1-6142-1719854691.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TURmXTB9jyQMMXUr1DV0xg

Xe hoa đón 10 cặp vợ chồng công nhân tại điểm tập trung để bắt đầu tham quan, chụp ảnh kỉ niệm trước khi vào lễ cưới, ngày 30/6/2024. Ảnh: Đ.T

Vợ chồng anh đều là người Huế vào Bình Dương làm công nhân, tổng thu nhập của gia đình chưa đến 15 triệu. Số tiền không đủ để họ trang trải tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt, nuôi con nhỏ, chu cấp cho bố mẹ già ở quê. Nhiều lần Dư nghĩ tới tổ chức tiệc báo hỉ nhỏ vài mâm cỗ nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Không chỉ vợ chồng Tấn Dư, 9 cặp vợ chồng khác cũng cùng được tổ chức hôn lễ tại Trung tâm văn hóa Lao động tỉnh Bình Dương. Theo đại diện ban tổ chức đây là hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Ban tổ chức cho biết thêm nhiều cặp đã đăng ký kết hôn vài năm đến gần chục năm nhưng do dịch bệnh hoặc không có điều kiện tổ chức đám cưới. Một số gia đình thuộc hộ nghèo, bận lo cho cha mẹ già bệnh tật, nhà đông anh em.

Theo người đại diện, mỗi đôi sẽ được hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng, bao gồm nhẫn cưới, quà tặng, lì xì chúc mừng, hai bàn tiệc và khâu chụp ảnh cưới, quay phim kỷ niệm cùng xe hoa, trang phục.

Đám cưới được chuẩn bị kỹ lưỡng từ âm thanh ánh sáng, ca nhạc, thiệp mời đến bạn bè, người thân, thùng tiền mừng riêng cho từng đôi. Trước phần lễ, các đôi còn được đi tham quan, chụp hình kỷ niệm tại Nhà truyền thống thành phố Thủ Dầu Một, đến công viên thành phố mới tỉnh Bình Dương và qua các cung đường đô thị tập trung và các khu công nghiệp hiện đại của tỉnh.

"Lễ cưới tập thể này sẽ là lời chúc phúc, động viên đến các cặp vợ chồng. Dù là hoạt động nhỏ nhưng là mơ ước cả đời của họ, giúp họ có thêm niềm vui, tạo dựng hạnh phúc gia đình", đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết.

anhcuoi3-9341-1719854691.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=q5KYphdwdHOFtO1qpa1UCw

Các cặp đôi lần đầu được trải qua những nghi thức đám cưới truyền thống, điều mà họ không thể dù đã đăng ký kết hôn nhiều năm, ngày 30/6/2024. Ảnh Đ.T

Chị Lộc Thị Vân, 25 tuổi, vợ anh Lê Quang Vinh ngắm nghía chiếc váy cưới lấp lánh, tay bế hai con ngại ngùng nhìn vào ống kính của thợ ảnh. Vân nói hai vợ chồng làm công nhân xí nghiệp ở Dĩ An, Bình Dương, trang phục thường ngày là đồ lao động, đẫm ướt mồ hôi. Lần đầu được mặc váy cưới, cài hoa, trang điểm thành cô dâu, Vân tâm sự đây là ngày hạnh phúc nhất của cô.

Đi hơn 1.000 km từ Nghệ An vào Bình Dương dự đám cưới con trai, ông Lê Quang Lý bố của Quang Vinh mang theo quà quê để mừng hai con. Ông Lý nói con trai tự lập, xa nhà sớm, gánh vác gia đình. Vinh kết hôn được gần ba năm, có hai con nhưng hai gia đình đều khó khăn, không thể làm đám cưới.

"Đám cưới lần này là dịp tôi được gặp thông gia, họ hàng hai bên, được tự hào đăng hình cưới của các con khoe với xóm làng, hai con cũng được trọn nghĩa trọn tình", ông Lý nói.

Thanh Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022