Mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm suốt sáng giành suất vào lớp 1 trường tốt cho con luôn là đề tài được nhiều người đem ra mổ xẻ. Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng này không thay đổi, bởi 1 lý do quan trọng: Để con được tắm mình trong môi trường học hành chất lượng ngay từ bước đệm đầu tiên, bỏ thời gian công sức một đôi ngày với phụ huynh là "không thành vấn đề".

Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội cũng gây tranh cãi khi vào một nhóm giành cho phụ huynh xin tư vấn. Chị cho biết, con mình sinh năm 2020 (4 tuổi). Mục tiêu của gia đình là thi vào một số trường cấp 1 "top" đầu. Khả năng hiện tại của con: Tiếng Anh nghe hiểu tốt, chưa nói được dài, chưa thuyết trình được; Toán cộng trừ thành thạo, cộng được các phép tính có nhớ. So sánh, tìm số, các bài Toán có chữ; Tư duy khá; Con chưa đọc được tiếng Việt vì con chưa học, tiếng Anh đọc cơ bản; Kĩ năng thuyết trình bằng tiếng Việt còn hạn chế.

fa0f1246-9d8e-489c-bb80-ec174b022a60-2047-1723257166887-17232571674611067841983.jpeg

Ảnh minh hoạ

Chị thắc mắc liệu với khả năng như vậy con có tiềm năng đỗ được các trường điểm không. Và con cần đạt được kĩ năng như thế nào để có thể đỗ được.

Tranh cãi

Nhiều phụ huynh đọc chia sẻ trên đưa ra những nhận định trái chiều. Có người gợi ý bà mẹ này nên cho con học thêm Toán tư duy, bản chất của phép nhân cơ bản, tiếng Anh giao tiếp, có thể mô tả bức tranh bằng tiếng Anh 3-5 câu. Ngoài ra còn cần rèn nề nếp và tự lập cho con. Với một trường khác thì cho con học thêm kể chuyện theo tranh, các bài học kỹ năng cuộc sống...

Tuy nhiên, có ý kiến nhận định bà mẹ này đang cố tình "flex" con. Mới 4 tuổi mà làm Toán có nhớ, Toán có chữ, tiếng Anh đọc cơ bản… Đọc bài khiến họ thấy hoang mang cho con mình. Chưa kể, với độ tuổi đó, "ép" con học đủ thứ là cướp đi tuổi thơ của con.

"Bạn nhà mình 2019 thực sự vẫn đang mải chơi, học tuỳ hứng, toàn 2 anh em tự rủ nhau chơi đố chữ hoặc con tự lấy vở cũ của anh ra tô nét, chứ mẹ không dạy. Quan điểm cá nhân mình lúc ở nhà với mẹ vui thì học, không vui và hứng thú thì thôi. Còn đến lớp sẽ theo lớp.

Trường bạn nhà mình lứa 5 tuổi đã bắt đầu học tiền tiểu học một cách nghiêm túc. Các buổi chiều các con sẽ được học tô, học viết, học đọc, Toán tư duy, bài tập IQ. Với mình vậy cũng là học sớm rồi", một phụ huynh nói.

Dù vậy cũng có người cho rằng, đồng hành cùng con là cả cuộc đời, miễn sao trong chặng đường ấy bố mẹ và con đều thấy vui, thấy hài lòng là được. Bởi niềm vui, niềm hạnh phúc, sự hài lòng của mỗi người lại dựa theo những tiêu chuẩn khác nhau.

"Khái niệm "cho con có tuổi thơ" có nhiều cách hiểu. Cho con học sớm, học vui, thi cử không có áp lực, vẫn đỗ (thậm chí học bổng cao), có thời gian "enjoy" các hoạt động con thích cũng là 1 trải nghiệm tuổi thơ tốt cho con.

Thời đại 4.0, định hướng cha mẹ dành cho con cũng cần thay đổi. Nếu như ngày trước, con cứ "tằng tằng" từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3 theo tuyến, rồi đỗ đại học, ra trường xin việc làm thì bây giờ, việc lựa chọn môi trường học cho con ra sao cần được lên kế hoạch từ sớm. Có những người bviết đơn "giành" suất học cho con ở trường nước ngoài từ khi con... mới sinh. Đó không phải là áp đặt, tạo áp lực, mà là tầm nhìn xa.

Trước đó, chuyện con lớp 1, mẹ xin định hướng thi đỗ lớp 10 chuyên cũng từng gây chú ý. Trong phần bình luận, hàng loạt cư dân mạng bày tỏ sự "choáng váng" và áp lực thay cho đứa trẻ trước mục tiêu của bà mẹ.

Việc phụ huynh có nguyện vọng cho con thi vào trường chuyên, lớp chọn hay những trường chất lượng cao có tiếng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, dù định hướng cho con ra sao, thì cha mẹ cũng nên nương theo năng lực và tính cách của con. Nếu chỉ vì mục đích vào trường điểm mà các cháu áp lực, căng thẳng thì nên xem lại.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022