Kể từ ngày 6-11, Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sửa đổi, bổ sung Thông tư 30 về đánh giá học sinh (HS) tiểu học chính thức có hiệu lực. Tuy không khác nhiều so với Thông tư 30 nhưng phản hồi ban đầu từ giáo viên và các trường cho thấy HS và phụ huynh vẫn thích được thi lấy điểm hơn là chỉ đánh giá bằng nhận xét.
Kiểm tra cuối kỳ theo thang điểm 10
Theo quy định của Thông tư 22, đề thi cuối học kỳ I phải đánh giá được kết quả thực chất của HS, bảo đảm bám sát theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng khối lớp. So với Thông tư 30, Thông tư 22 có thêm yêu cầu vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt, chiếm 10% việc đánh giá.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, đề kiểm tra do hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn ra. Tuy nhiên, sở khuyến khích các trường thực hiện việc ra đề theo phương án đề kiểm tra do giáo viên chủ nhiệm soạn, sau đó nộp về tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn chọn lọc và gửi cho ban giám hiệu từ 2 đến 3 đề. Ban giám hiệu duyệt đề và ra quyết định cuối cùng. Bài kiểm tra cuối kỳ được giáo viên nhận xét, sửa lỗi. Bao gồm nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế; cho điểm cuối cùng theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), cho biết chủ trương của nhà trường là các giáo viên của từng khối lớp đều phải làm đề, từng tổ chuyên môn sẽ chọn ra một đề hợp lý nhất, sau đó ban giám hiệu họp và thống nhất chọn đề.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, phụ trách giáo dục tiểu học, ở thời điểm hiện tại, do thời gian thực hiện Thông tư 22 còn rất ngắn nên chưa nghe phản hồi từ phía giáo viên. Chỉ lưu ý giáo viên trong quá trình dạy và ra đề thi có thêm mức vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới…
Thêm bài kiểm tra giữa kỳ
Theo tổ trưởng chuyên môn một trường tiểu học tại quận 3, về cơ bản, quy định kiểm tra cuối kỳ của Thông tư 22 không khác nhiều Thông tư 30, chỉ khác ở chỗ đối với lớp 4 và lớp 5 theo Thông tư 22 có thêm bài kiểm tra giữa kỳ. Vừa qua, khi thực hiện theo quy định mới, phản hồi của HS và phụ huynh khá tích cực vì tâm lý thích có điểm số như trước đây. “Nhất là HS lớp 5, nếu có bài kiểm tra lấy điểm thì tiện lợi hơn cho các em khi lên bậc THCS sẽ bắt đánh giá bằng điểm số. Bên cạnh đó, việc có thêm bài kiểm tra giữa kỳ sẽ giúp cả HS và giáo viên kiểm soát, đánh giá được từng giai đoạn học tập để có những điều chỉnh hợp lý. Thay vì dồn đến cuối học kỳ để làm một bài thi thì sẽ áp lực hơn” - vị này cho biết.
Ở Thông tư 22, việc nhận xét, đánh giá HS có thêm mức độ “cần cố gắng” so với 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành như Thông tư 30 cũng nhận được phản hồi tốt của giáo viên. Theo một giáo viên tại quận 1, đánh giá HS chỉ dựa vào 2 mức hoàn thành và chưa hoàn thành là không chính xác và rất chung chung, phụ huynh không biết con ở mức độ nào trong khi giáo viên bị gò bó bởi 2 mức đánh giá đó, kéo theo không biết tìm từ ngữ gì để nhận xét cho hợp lý. Nay giáo viên có cơ hội nhận xét tỉ mỉ, chu đáo từng HS, phụ huynh dựa vào đó để theo dõi quá trình học tập của con mình.
Trong khi đó, một giáo viên trực tiếp ra đề tại quận 4 nhìn nhận tỉ lệ mức độ nhận biết kiến thức như hướng dẫn ra đề chưa thật sự hợp lý. Tỉ lệ nên linh hoạt ở từng khối lớp, từng độ tuổi. Chẳng hạn, tỉ lệ mức độ nhận biết trong yêu cầu đối với HS lớp 1 phải khác yêu cầu đối với HS lớp 5. Nếu cứ áp dụng theo tiêu chí này sẽ không đánh giá được chính xác HS.
Nên kiểm tra giữa kỳ tất cả các khối lớp
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 bày tỏ sau quá trình thực hiện Thông tư 22, nhà trường tổ chức khảo sát ý kiến phụ huynh ở các khối lớp thì đa số vẫn muốn có bài kiểm tra giữa kỳ lấy điểm số như lớp 4, 5. Thế nhưng, với mức độ nhẹ nhàng, giáo viên vẫn có thể ghi thêm nhận xét. Lý do chính là ở lớp 1, nhiều HS chưa đọc thông viết thạo nên dù giáo viên có nhận xét thế nào thì các em cũng khó hiểu hết, giáo viên lại phải tìm từ ngữ đơn giản, ngắn gọn để nhận xét thì lại rơi vào tình trạng qua loa, hời hợt.