Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) ngày 31/3 công bố TS Hoàng Anh Đức, nghiên cứu viên Đại học RMIT Việt Nam, Tổng giám đốc hệ thống giáo dục Sky-Line, trở thành người Việt thứ 5 có tên trong danh sách.

TS Hoàng Anh Đức. Ảnh: NVCC
Với nhiệm kỳ 5 năm, các thành viên ở mỗi quốc gia sẽ tham gia phát triển chính sách khoa học quốc tế, thúc đẩy thành lập các học viên trẻ tại các quốc gia, trao đổi, hỗ trợ giáo dục khoa học ở cấp quốc tế về nhiều chủ đề khác nhau trong đó có liên quan đến các nhà khoa học trẻ.
Chia sẻ với VnExpress, TS Đức nói "may mắn và vinh dự khi được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu". Anh cho rằng đây không phải là một thành tựu cá nhân, mà là dấu ấn mở ra một chặng đường học hỏi mới.
Trở thành người Việt Nam thứ 5 tham gia vào mạng lưới này, TS Đức cho rằng đây là cơ hội quý để kết nối, hội tụ và lan toả các nguồn lực, tri thức với cộng đồng khoa học trẻ toàn cầu. "Đây cũng là cơ hội để tôi chia sẻ những kinh nghiệm và góc nhìn từ bối cảnh Việt Nam, góp phần vào nỗ lực chung nhằm kiến tạo một tương lai bền vững và toàn diện", TS Đức nói. Anh cho biết một trong những định hướng quan trọng khi tham gia Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu là tiếp tục phát triển nhóm làm việc về Khoa học mở (Open Science) nhằm thúc đẩy các chính sách và thực hành mở trong nghiên cứu khoa học.
Trong công bố của Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu ghi nhận Tiến sĩ Đức là tác giả và đồng tác giả của 25 ấn phẩm khoa học về lãnh đạo giáo dục, phát triển chương trình giảng dạy và phát triển chuyên môn giáo viên, được xuất bản trên các tạp chí được lập chỉ mục ISI/Scopus. Trong đại dịch COVID-19, anh đã chứng minh được tầm nhìn xa và khả năng lãnh đạo đặc biệt bằng cách ủng hộ chuyển đổi số trong giáo dục trước khi nó trở thành một nhu cầu phổ biến, lập chiến lược và triển khai các biện pháp để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với giáo dục.
Anh từng khởi xướng "Sổ tay Sức khỏe Tâm thần trong thời kỳ đại dịch", đã tiếp cận hơn 3.500 trường học và trường đại học tại Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu của TS Đức trong giai đoạn này về học tập bền vững, sự hài lòng của giáo viên và hiệu quả giảng dạy trực tuyến đã cung cấp những hiểu biết có giá trị được các học giả phát triển khuôn khổ cho giáo dục trong khủng hoảng trích dẫn rộng rãi.
Là tác giả bộ sách "Kể chuyện khoa học" anh chia sẻ mục tiêu lớn nhất muốn hình thành thói quen cũng như nuôi dưỡng tư duy tò mò, đặt câu hỏi của trẻ nhỏ. Anh cho rằng ngoài tài liệu cần tạo ra động lực và môi trường để các bạn trẻ được cọ xát, thực hành và trải nghiệm khoa học một cách sống động. Khi các bạn được tham gia vào các dự án thực tế, được đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, được thử nghiệm và thậm chí thất bại, đó mới chính là khoảnh khắc đam mê khoa học thực sự bùng cháy.
Theo TS Đức, việc kết hợp giữa tài liệu chất lượng cao với không gian sáng tạo, cộng đồng học tập năng động và cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tiễn sẽ tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, nơi tình yêu khoa học được nuôi dưỡng và phát triển bền vững. Anh cũng khuyến cáo hãy cho phép các em được tự nuôi lớn dự án, thay vì chắp vá theo một ý tưởng của thầy cô để giành giật giải thưởng. "Một giải thưởng hào nhoáng có thể là bước đệm cho các em vào một trường đại học tốt, nhưng nếu tấm huy chương đó không thực sự thưởng từ nỗ lực, sáng tạo của chính các em, nó đã cướp đi của các em, của các bạn khác nhiều giấc mơ, khao khát", TS Đức bày tỏ quan điểm.
Hướng thúc đẩy các chính sách và thực hành mở trong nghiên cứu khoa học, TS Đức bày tỏ mong muốn các nhà khoa học trẻ Việt Nam mạnh dạn chia sẻ, kết nối và cộng tác.
Anh cho rằng thời đại của những nhà khoa học đơn độc làm việc trong phòng thí nghiệm khép kín đã dần qua đi. Khoa học hiện đại đòi hỏi tính mở đa chiều, từ việc chia sẻ dữ liệu, phương pháp nghiên cứu, cho đến kết quả nghiên cứu một cách minh bạch và dễ tiếp cận. Khi mở cánh cửa tri thức của mình, không chỉ đồng nghiệp mà cả xã hội sẽ được hưởng lợi. Khoa học mở không chỉ giúp tăng tốc quá trình phát triển tri thức mà còn xây dựng niềm tin của công chúng vào khoa học, đặc biệt trong bối cảnh thông tin giả tràn lan như hiện nay.
Đối với các nhà khoa học trẻ, việc áp dụng nguyên tắc khoa học mở ngay từ đầu sự nghiệp sẽ mở ra cơ hội kết nối với cộng đồng toàn cầu, nhận được phản hồi đa chiều, và tạo tác động rộng lớn hơn cho công trình nghiên cứu của mình. "Tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một điểm sáng trong phong trào khoa học mở khu vực Đông Nam Á và các nhà khoa học trẻ chính là những người tiên phong cho sự chuyển đổi này", TS Đức bày tỏ.
GYA thành lập tháng 2/2010, quy tụ những khoa học hàng đầu nhằm tạo ra tiếng nói chung của các nhà khoa học trẻ đối với chính sách phát triển bền vững trên toàn cầu. Viện có tối đa 200 thành viên, được bầu chọn từ những nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi) có thành tích khoa học xuất sắc từ nhiều quốc gia. Trước đó, Việt Nam có PGS. TS Ngô Văn Thanh (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tham gia năm 2010); PGS.TS Trần Quang Huy, Trường Đại học Phenikaa (năm 2017) và GS. TS Trần Xuân Bách, Trường Đại học Y Hà Nội (năm 2018), TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec (năm 2024) được bầu chọn là thành viên.
GYA có trụ sở tại Halle (Đức), được bảo trợ chính bởi Viện hàn lâm Khoa học Leopoldina, Đức và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức. Hàng năm, thành viên của GYA sẽ được mời tham dự Hội nghị thường niên để họp bàn các vấn đề khoa học cùng những khách mời danh dự là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Hiện GYA đã thu hút các thành viên đến từ hơn 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Hội nghị Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu năm 2025 sẽ được Học viện Công nghệ Ấn Độ (Indian Institute of Technology) đăng cai tổ chức tại Hyderabad từ ngày 8 tới 13/6.
Bảo Khánh