Trong buổi làm việc của Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng với Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) Quốc gia sáng 28/3, các vấn đề gốc rễ trong khái niệm "tiêu chuẩn", "đo lường" và "chất lượng", được phân tích với góc nhìn và cách tiếp cận mới. Dưới đây là quan điểm và thông điệp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập tới vấn đề TĐC.

lq-084662-1743407491-9684-1743407629.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KuQzLbziJt5BnRPTPARXOg

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia, ngày 28/3. Ảnh: Lưu Quý

TĐC phải làm cho các tổ chức, doanh nghiệp thấy đây là đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo uy tín cho họ thay vì là chi phí tuân thủ.

Tiêu chuẩn là dẫn đường. Là phương tiện dẫn dắt, kéo doanh nghiệp, dẫn đường doanh nghiệp, dẫn đường quốc gia. Tiêu chuẩn không chỉ là khuôn khổ kỹ thuật, mà phải đóng vai trò định hướng phát triển công nghệ, sản phẩm, thị trường. Quốc gia muốn tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để dẫn quốc gia tới đó. Quy chuẩn là sàn, cần dựa trên thực tiễn Việt Nam để ban hành. Tiêu chuẩn là đỉnh, là cái phải tiến tới, cần dựa vào tiêu chuẩn quốc tế để ban hành. Quản lý lĩnh vực này thì phải vừa nhìn gần vừa phải nhìn xa.

Đo lường để phục vụ cho đánh giá, ra quyết định, để chứng minh. Thực tế người châu Á chưa trọng số liệu, cảm tính nhiều, nên nhà nước phải có vai trò lớn trong giai đoạn đầu về đo lường. Phải xây dựng được văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu, đo để ra quyết định, để cải tiến, để ra quyết định đúng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ của mình, không phải cho nhà nước, không phải chi phí tuân thủ, mà nó giống như hoạt động nghiên cứu và (R&D) phát triển. Xây dựng hệ sinh thái đo lường đáng tin cậy, dễ dàng tiếp cận, phục vụ mọi cấp ra quyết định, từ người dân, doanh nghiệp tới nhà nước, trong đó nhà nước phải là đầu tiên. Quy định mọi chính sách công đều phải có chỉ số đầu ra và công cụ đo lường. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dễ dàng với dịch vụ đo lường-thử nghiệm-đánh giá đạt chuẩn quốc tế, với chi phí hợp lý.

Chất lượng tạo niềm tin: Chất lượng bao gồm đánh giá và thực thi quản lý chất lượng. Chất lượng là uy tín, danh dự và tự hào (nhấn mạnh vào văn hóa trọng danh dự của người Việt Nam, là yếu tố cạnh tranh số 1, là sinh tồn của doanh nghiệp, là sự phát triển bền vững, là bảo vệ người tiêu dùng, cân bằng giữa tự nguyện và bắt buộc, xây dựng chất lượng phải từ khâu đầu tiên hình thành ra sản phẩm.

Phần dưới đây, khi nói về tiêu chuẩn hay tiêu chuẩn hóa đều có ý là nói về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.

Tư tưởng cốt lõi về tiêu chuẩn hóa

Tiêu chuẩn là nền tảng kỹ thuật cho các hoạt động KT-XH, là một bộ phận của hệ thống thể chế quốc gia. Tiêu chuẩn đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt trong công cuộc CNH, HĐH, trong hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị quốc gia.

Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngược lại, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng sẽ giúp phát triển tiêu chuẩn hóa.

Tiêu chuẩn hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới công nghệ cao, phát triển chất lượng cao, hiện đại hóa đất nước, thực hiện khát vọng hóa rồng. Tiêu chuẩn hỗ trợ và thúc đẩy hội nhập.

Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt quốc gia theo hướng đó. Bởi vậy, tiêu chuẩn phải toàn diện, bao phủ tất cả 5 lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, bao phủ tất cả các ngành.

Tiêu chuẩn thì lấy nhà nước định hướng, thị trường là chủ đạo, doanh nghiệp là trung tâm, xã hội tham gia tích cực.

Chuyển đổi công tác tiêu chuẩn hóa: Từ nhà nước dẫn dắt sang cân bằng giữa nhà nước và thị trường, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng tiêu chuẩn từ công nghiệp là chủ yếu sang toàn bộ nền kinh tế, chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Nhằm vào mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thúc đẩy các mô hình phát triển mới, tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đầu tiên cần làm tiêu chuẩn cho ngành TĐC

Chiến lược quốc gia đang tập trung vào đâu, trọng tâm của Đảng, Nhà nước đang tập trung vào đâu, xã hội có vấn đề nổi cộm gì thì tiêu chuẩn hóa tập trung vào đó. Lúc này là: Tăng trưởng 2 con số; tăng trưởng chất lượng cao, dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; làm chủ các công nghệ chiến lược; phát triển các ngành công nghiệp chiến lược; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; tinh gọn bộ máy (giảm bộ, giảm tỉnh, giảm xã, bỏ huyện); giải quyết vấn đề của 2 đô thị có độ nén cao là Hà Nội và TP HCM; ô nhiễm môi trường; nhà máy điện hạt nhân; năng lượng xanh; nâng cao năng lực quản trị quốc gia; đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Làm tiêu chuẩn là để đi vào cuộc sống, vì vậy phải đo lường được việc này, TĐC phải coi đây là mục tiêu của tiêu chuẩn hóa.

Tiêu chuẩn hóa là để góp phần phát triển đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng cuộc sống người dân. Vậy, cũng phải đo lường được tác động này.

Xây dựng chỉ tiêu đầu ra cho mọi chính sách và đo lường, công bố công khai là yêu cầu của quản trị quốc gia.

Mối quan hệ giữa tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng

Tiêu chuẩn là đặt ra yêu cầu. Đo lường là thu thập dữ liệu liên quan đến tiêu chuẩn. Chất lượng là đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn và thực thi việc tuân thủ tiêu chuẩn.

Thực ra còn một công đoạn nữa là cải tiến chất lượng.

Nếu nhìn theo góc nhìn này thì TĐC là Plan-DO-Check-Act. Plan là làm tiêu chuẩn. 'DO' là tạo ra sản phẩm/dịch vụ. 'Check' là đo lường, đánh giá. 'Act' là quản lý chất lượng (giám sát, xử lý, cải tiến). Khi đó TĐC là một khâu khép kín, liên tục hoàn thiện. Nếu không tư duy theo cách này thì TĐC không bao giờ tốt lên được. TĐC hiện nay đang là các khâu rời rạc.

Về đo lường: Trong 3 khâu trên thì đo lường có lẽ là khâu yếu nhất. Hạ tầng về đo lường, thử nghiệm, kiểm định còn thiếu và yếu, nhất là ở địa phương. Đo lường hiệu quả chính sách là khâu rất yếu, còn sơ sài, mang tính hình thức nên rất thiếu dữ liệu tin cậy. Thiếu hoạt động đánh giá độc lập của bên thứ 3, thiếu niềm tin xã hội vào kết quả đánh giá. Doanh nghiệp ít sử dụng đo lường để đánh giá sản phẩm của mình, mà đánh giá cảm tính, trực quan là nhiều, ít dựa vào số liệu. Đây là đặc điểm văn hóa. Muốn sửa nó thì phải có cách. Thí dụ, các chỉ số đưa ra phải trực quan, gần gũi, dễ cảm nhận, như thời gian chờ khám bệnh trung bình dễ hiểu hơn chất lượng dịch vụ y tế. Tích hợp đo lường vào quy trình, vào trong hành động, để không thể làm tiếp nếu không tiến hành đo lường. Công bố chất lượng thông qua các con số đo lường. Truyền thông đo lường là để làm cho mình tốt lên, không phải cho quản lý nhà nước, không phải chi phí tuân thủ mà là chi phí nghiên cứu, phát triển.

Về chất lượng: Chất lượng thì ngoài đánh giá sự phù hợp, còn một khâu rất quan trọng là thực thi việc tuân thủ các tiêu chuẩn (hoặc quy chuẩn) chất lượng đã được xác lập từ trước. Chất lượng liên quan nhiều đến người tiêu dùng, người dân. Việc bảo vệ người tiêu dùng phải là nội dung quan trọng trong Luật Chất lượng. Phải bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Doanh nghiệp phải có cơ chế bồi thường rõ ràng nếu có lỗi. Cơ chế kiện tập thể khi có vi phạm lớn về chất lượng. Cân nhắc có quỹ bảo vệ người tiêu dùng.

Quản lý chất lượng là kiểm soát chất lượng. Tăng cường giám sát thực thi, kiểm tra chất lượng nghiêm hơn, siết chặt hàng hóa nhập khẩu, hàng trên sàn thương mại điện tử, hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Nhà nước đầu tư hệ thống giám sát mạnh hơn, đặc biệt đối với các sản phẩm có rủi ro cao như thực phẩm, dược phẩm. Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bán trên sàn.

Xử lý vi phạm nghiêm minh hơn, nâng cao mức phạt để răn đe (hàng chục tỷ), vi phạm nghiêm trọng là phạt tù. Vi phạm nhiều lần là cấm kinh doanh, bổ sung hình phạt rút giấy phép kinh doanh, công khai danh sách doanh nghiệp vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ chất lượng, nhất là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu. Hỗ trợ hoạt động chứng nhận tiêu chuẩn, kiểm định sản phẩm, hướng dẫn, hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kiểm soát chất lượng, tài trợ chi phí chứng nhận tiêu chuẩn ISO, JIS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khấu trừ thuế cho các chi phí kiểm tra chất lượng.

Chất lượng thì không chỉ là chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà còn chất lượng dịch vụ, chất lượng quản trị quốc gia.

Mục tiêu của tiêu chuẩn

Nâng cao gấp đôi trình độ tiêu chuẩn hóa. Thời gian xây dựng một tiêu chuẩn quốc gia xuống dưới 12 tháng. Hài hòa tiêu chuẩn quốc tế thì nhanh hơn nữa.

Tăng mức độ mở của tiêu chuẩn. Tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế từ 60% lên 80%.

Mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Tiêu chuẩn hóa các hoạt độngkhoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Xây dựng tiêu chuẩn trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược, công nghệ mới. Tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực AI, tính toán lượng tử, công nghệ sinh học, IT, CNS, dữ liệu lớn, chuỗi khối, y tế, năng lượng mới, đường sắt cao tốc, năng lượng hạt nhân, robot, xe điện, xe tự lái.

Nâng cao chất lượng tiêu chuẩn thông qua đổi mới công nghệ làm tiêu chuẩn. Tăng chi khoa học công nghệ cho nghiên cứu tiêu chuẩn, coi tiêu chuẩn như một bộ phận của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng đầu tư công nghệ cho công tác tiêu chuẩn. Xây dựng các nền tảng số dùng chung cho công tác tiêu chuẩn.

Hoàn thiện cơ chế chuyển đổi kết quả khoa học công nghệ thành tiêu chuẩn. Hoàn thiện cơ chế đánh giá và hỗ trợ của nhà nước trong quá trình chuyển đổi kết quả khoa học công nghệ thành tiêu chuẩn, thúc đẩy tiêu chuẩn hóa đối với các lĩnh vực như quản lý công nghệ, dịch vụ đánh giá kết quả khoa học công nghệ.

Tiêu chuẩn là một bộ phận của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tiêu chuẩn hóa một số ngành ưu tiên

1. Ngành công nghiệp. Tiêu chuẩn hóa để củng cố nền tảng phát các triển ngành công nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn linh kiện, quy trình sản xuất, vật liệu nền tảng và công nghệ nền. Nghiên cứu và ứng dụng các tiêu chuẩn cơ bản và phổ biến. tiêu chuẩn hóa để tối ưu hóa và nâng cấp ngành công nghiệp. Dẫn dắt sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới và ngành nghề mới. Tăng cường tính ổn định của chuỗi cung ứng và năng lực cạnh tranh tổng thể của các ngành công nghiệp. Thúc đẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả cơ sở hạ tầng mới. Tiêu chuẩn hóa cơ sở hạ tầng mới.

2. Phát triển số: Tiêu chuẩn về dịch vụ công trực tuyến, về làng số, xã số, trung tâm điều hành thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh. Tiêu chuẩn về dữ liệu.

3. Đổi mới sáng tạo: Tiêu chuẩn về đổi mới công nghệ. Tiêu chuẩn về mở rộng đường biên công nghệ. Tiêu chuẩn về đổi mới sáng tạo. Tiêu chuẩn về vườn ươm. Tiêu chuẩn về quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm.

4. Khoa học công nghệ: Tiêu chuẩn về tổ chức, các hoạt động khoa học công nghệ.

5. Phát triển xanh: Xây dựng Tiêu chuẩn về trung hòa carbon. Tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Thúc đẩy sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả. Củng cố nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất xanh. Tăng cường vai trò định hướng của tiêu chuẩn hóa trong tiêu dùng xanh.

6. Tiêu chuẩn hóa xây dựng nông thôn, thành thị và xã hội: Thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn trong phát triển nông thôn. Thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn đô thị hóa kiểu mới. Thúc đẩy tiêu chuẩn trong quản lý hành chính và quản trị xã hội. Tăng cường tiêu chuẩn về an toàn công cộng. Thúc đẩy xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ công cơ bản. Nâng cao tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng cuộc sống.

7. Quản trị quốc gia: Xây dựng tiêu chuẩn về quản trị quốc gia, tiêu chuẩn về xây dựng chính sách.

Đổi mới hoạt động tiêu chuẩn hóa

Cơ cấu tối ưu:Tối ưu hóa cơ cấu giữa nhà nước và thị trường, giữa bắt buộc và tự nguyện, giữa ngành và địa phương. Sự công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn của nhà nước và của thị trường. Uỷ ban TĐC phải ra được cơ cấu này cho từng giai đoạn. Cơ cấu mà đúng thì đó là sự phát triển bền vững. Làm quản lý thì phải định hướng đúng cơ cấu ngành mình.

Thúc đẩy doanh nghiệp làm tiêu chuẩn: Thúc đẩy doanh nghiệp làm, dạy họ làm. Tối ưu hóa quy trình làm. Ban hành tiêu chuẩn về làm tiêu chuẩn trong doanh nghiệp.

Tích hợp tiêu chuẩn vào đo lường và chất lượng: Tích hợp tiêu chuẩn vào cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia, đo lường quốc gia.

Tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn vào cuộc sống hàng ngày: Áp dụng tiêu chuẩn trong mua sắm. Tiêu chuẩn hóa các hợp đồng, các điều khoản mẫu.

Chuyển đổi số toàn bộ hoạt động tiêu chuẩn: Chuyển đổi số để nhanh hơn, thông minh hơn, chất lượng hơn, công khai, minh bạch hơn, giám sát tốt hơn và để giảm tải cho cán bộ, nhân viên.

Tích hợp tiêu chuẩn vào các lĩnh vực của Bộ: Tiêu chuẩn trong nghiên cứu khoa học, trong phát triển công nghệ, trong đổi mới công nghệ, trong khởi nghiệp sáng tạo; hoạt động các quỹ; bảo vệ sở hữu trí tuệ; hoạt động bưu chính, viễn thông, trong chuyển đổi số, trong công nghiệp công nghệ số...

Xây dựng các nền tảng phát triển tiêu chuẩn hóa

Nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho tiêu chuẩn hóa, như: Phòng thí nghiệm quốc gia, thư viện tiêu chuẩn.

Phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ tiêu chuẩn hóa: tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận và kiểm nghiệm. tiêu chuẩn là cầm cân nảy mực, do vậy, phải coi đây là ngành dịch vụ đặc biệt, khi phát triển kinh doanh trong lĩnh vực này phải rất chú ý vấn đề chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường đào tạo của nhà nước cho ngành dịch vụ này. Tăng cường xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhân tài trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa. Muốn vậy, phải biến ngành dịch vụ này thành ngành dịch vụ chất lượng cao.

Tạo môi trường xã hội thuận lợi cho tiêu chuẩn hóa: Hưởng ứng mạnh mẽ Ngày tiêu chuẩn Thế giới, coi đây là Ngày tiêu chuẩn quốc gia. Truyền thông, xây dựng văn hóa TĐC.

Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ của nhà nước: Hỗ trợ tài chính, nhân lực và khen thưởng. Lấy ngân sách nhà nước làm định hướng, nhưng khuyến khích xã hội hóa. TĐC là một bộ phận của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, vì nó thúc đẩy lĩnh vực này, vậy sẽ lấy ngân sách cho TĐC từ ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hoàn thiện hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả đầu ra

Công tác đo lường, đánh giá. Muốn quản lý được thì phải đo lường, đánh giá được. Phải có số liệu về lĩnh vực tiêu chuẩn. Trong tháng 4/2025, phải ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa. Tiến hành đo lường, đánh giá và công khai kết quả.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn

Các quy định về online: Kết nối online, báo cáo online phải được luật hóa. Dùng AI để phân tích, đánh giá, cảnh báo.

Ngân sách cho khảo sát: Hoạt động khảo sát ít được quan tâm, nay phải coi là hoạt động thường xuyên, có ngân sách thường xuyên, hàng năm cho công tác khảo sát.

Nguyễn Mạnh Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022