VNE-Ship-2803-1723361450.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jtlBWdksmu_qLq37Jh_Psg

Bình gốm nằm trong số hàng hóa trên tàu San Jose. Ảnh: Myanmar International

Hồi tháng 2/2024, chính phủ Colombia thông báo bắt đầu thu thập cổ vật từ xác tàu ở ngoài khơi Caribe. Các nhà chức trách đánh giá xác tàu San Jose chứa kho báu trị giá 17 tỷ USD. "Kết quả của chuyến thám hiểm này hé lộ nhiều bằng chứng khảo cổ chưa từng có, giúp mở rộng hiểu biết của chúng ta", Viện nhân chủng học và lịch sử Colombia (ICANH) cho biết.

Theo ICANH, một robot khảo sát xác tàu (vị trí chính xác được giữ bí mật từ khi phát hiện vào năm 2015) từ ngày 23/5 đến ngày 1/6. Dù lượng lớn cổ vật được phát hiện năm 2022 trong khu vực xác tàu, hoạt động thám hiểm gần đây cho phép mô tả kỹ hơn số cổ vật này và phát hiện những chi tiết mới riêng biệt, AFP hôm 9/8 đưa tin.

Trong số cổ vật mới phát hiện có một chiếc mỏ neo cũng như một phần hàng hóa trên tàu bao gồm bình gốm cùng chai lọ thủy tinh. Bốn đợt quan sát tiến hành vào năm 2022 bởi Hải quân Colombia với thiết bị công nghệ cao giúp xác nhận tình trạng xác tàu. Ảnh chụp từ chuyến thám hiểm đó ghi lại hình ảnh của những khẩu súng thần công bằng gang, mẩu gốm sứ, và đồ vật bằng vàng, theo Alhena Caicedo, giám đốc ICANH.

Tàu San Jose thuộc sở hữu của Tây Ban Nha khi bị hải quân Anh đánh chìm gần Cartagena năm 1708. Chỉ một số ít trong thủy thủ đoàn 600 người sống sót. Chính phủ Colombia tin rằng chuyến thám hiểu đầu tiên sẽ dấy lên câu hỏi về nguyên nhân chính xác khiến tàu chìm. Tài liệu của Anh cho biết tàu phát nổ từ bên trong và chìm cùng với hàng trăm hành khách cùng kho báu nó chở theo. Tuy nhiên, Tây Ban Nha nhận định nguyên nhân liên quan tới trận chiến.

Trước khi bị chìm, con tàu đang di chuyển từ châu Mỹ trở về Tây Ban Nha khi đó do vua Philip V trị vì, chở đầy báu vật như các rương ngọc lục bảo và 200 tấn đồng xu bằng vàng. Trước khi Colombia thông báo phát hiện năm 2015, con tàu là mục tiêu tìm kiếm của các nhà phiêu lưu. Cả Tây Ban Nha và người bản xứ Qhara Qhara ở Bolivia đều đòi quyền sở hữu xác tàu. Nhưng chính phủ Colombia nhấn mạnh việc trục vớt xác tàu nhằm phục vụ mục đích khoa học và văn hóa, dự án có chi phí ước tính 4,5 triệu USD.

Ngoài ra, công ty trục vớt Sea Search Armada (SSA) của Mỹ cũng khẳng định họ tìm thấy xác tàu đầu tiên cách đây hơn 40 năm. SSA tiến hành cuộc chiến pháp lý với chính phủ Colombia ở Tòa án Trọng tài thường trực để giành quyền sở hữu 10 tỷ USD, bằng khoảng một nửa giá trị ước tính của kho báu trên tàu.

An Khang (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022