concept-may-bay-3075-1723301708.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h-cyYy2U0miq3f-Z9s4O_w

Thiết kế máy bay hydro Climate Impulse. Ảnh: Syensqo

Nhóm chuyên gia do nhà thám hiểm Thụy Sĩ Bertrand Piccard dẫn đầu tại Les Sables-d'Olonne, Pháp, đang phát triển máy bay hydro mang tên Climate Impulse, Interesting Engineering hôm 9/8 đưa tin. Mẫu máy bay này được thiết kế để bay liên tục quanh xích đạo trong 9 ngày, sử dụng hoàn toàn hydro xanh làm nhiên liệu.

Mục tiêu của nhóm dự án là thực hiện chuyến bay đầu tiên vòng quanh thế giới bằng máy bay hydro, dự kiến diễn ra năm 2028. Việc thử nghiệm sẽ bắt đầu vào năm 2026. Dự án nhằm chứng minh tiềm năng của hydro xanh như một nguồn nhiên liệu bền vững cho ngành hàng không.

Piccard nổi tiếng với các chuyến bay tiên phong vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu và máy bay năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, ông cho rằng máy bay năng lượng mặt trời không thiết thực với ngành hàng không thương mại. Ông giải thích, máy bay lớn hơn đòi hỏi bộ pin lớn hơn, và một phần năng lượng sẽ bị lãng phí để mang theo những bộ pin nặng như vậy. "Khi đó việc sử dụng hydro sẽ hiệu quả hơn", Piccard nói.

Thiết kế của Climate Impulse gồm một khoang trung tâm nhỏ cho các phi công, hai bên là hai bình chứa hydro lỏng lớn. Một chiếc cánh mỏng giúp kết nối các thành phần này. Mỗi bình chứa có một cánh quạt gắn phía trước và đuôi, giúp tạo lực đẩy và sự ổn định.

Tuy nhiên, trở ngại chính là phải duy trì hydro lỏng ở mức nhiệt cực thấp, gần độ 0 tuyệt đối, trong suốt chuyến bay kéo dài 9 ngày. "Thách thức kỹ thuật lớn nhất là chế tạo một chiếc máy bay với trọng tâm là hai bình chứa hydro lỏng duy trì ở mức nhiệt -253 độ C, cung cấp năng lượng cho động cơ điện thông qua các tế bào pin nhiên liệu", Raphael Dinelli, người giám sát quá trình thiết kế và chế tạo Climate Impulse, giải thích.

Để xử lý, nhóm dự án đang phát triển các bình nhiệt mang tính cách mạng có thể duy trì trạng thái của nhiên liệu trong suốt chuyến bay. Họ hợp tác với công ty khoa học Syensqo để phát triển các hệ thống tiên tiến của Climate Impulse.

Máy bay Climate Impulse dự kiến hoàn thành trong hai năm. Trong bối cảnh thế giới đang rất cần giảm thải carbon, mẫu máy bay này thể hiện một bước đi táo bạo hướng tới tương lai xanh hơn cho ngành hàng không. "Bảo vệ môi trường chỉ trở thành hiện thực nếu được coi là khả thi về mặt kinh tế và không đòi hỏi sự hy sinh tài chính hay hành vi", Piccard kết luận.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022