Bệnh nhân làm nghề lái xe, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Trước khi vào Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, anh uống khoảng 500 ml rượu cùng bạn bè, 30 phút sau đau co thắt lồng ngực, cấp cứu giờ thứ hai của cơn nhồi máu cơ tim. Sau khi đo điện tim, bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, rung thất. Bác sĩ sốc điện kịp thời, sau đó xử trí bằng các thuốc cấp cứu và chuyển lên phòng mổ.

"Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi phát hiện bệnh nhân tắc mạch ở tim, phải tiến hành thông mạch", bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Trưởng khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, nói. Hai ngày sau can thiệp, bệnh nhân sức khỏe ổn định, ra viện.

Đây là trường hợp người trẻ mắc bệnh tim mạch điển hình được các bác sĩ chia sẻ tại Hội nghị quốc tế cập nhật những tiến bộ trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam và thế giới, ngày 10/8, ở Hà Nội. Các chuyên gia đánh giá bệnh lý tim mạch đang trẻ hóa, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên "cao hơn chúng ta nghĩ, nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào".

Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tăng khoảng 1% mỗi năm và chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 4 lần và tăng nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch lên gấp 3 lần so với người không mắc bệnh.

ANH01835-2998-1723291862.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VIvhkATyr5IiOTT3waMGFA

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc can thiệp mạch cho bệnh nhân. Ảnh: Phượng Nguyễn

Tại hội nghị, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho biết người trẻ thường cho rằng không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Báo cáo tổng kết về bệnh lý tim mạch trong 30 năm qua phát hiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Ngoài những yếu tố nguy cơ về lối sống như hút thuốc lá, lười vận động, béo phì, còn có các yếu tố nguy cơ mới như ô nhiễm môi trường, stress. Lạm dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, stress, ô nhiễm môi trường và lười vận động khiến ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh lý tim mạch.

"Có những bệnh nhân chỉ hơn 20 tuổi. Đa số trường hợp đột tử ở người trẻ là do nhồi máu cơ tim, trong nhóm nam giới hút thuốc lá, béo phì hoặc có yếu tố gia đình", ông Hùng nói, thêm rằng tim mạch và động mạch vành là những bệnh lý phức tạp nhất, tỷ lệ tử vong cao, nguy cơ để lại di chứng nghiêm trọng.

anh-chup-man-hinh-2024-08-10-l-9229-4768-1723291862.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WfKDMGLUfRIoa8iSQEbaxg

GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Phượng Nguyễn

Hiện nay có nhiều tiến bộ trong điều trị bằng xâm lấn tối thiểu như nong và đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, thay van động mạch chủ và sửa van hai lá qua đường ống thông, nong bóng phủ thuốc...

Hầu hết bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và chữa được một cách chủ động. Không hút thuốc lá, ăn giảm mặn, không ăn nhiều mỡ động vật, hạn chế uống rượu bia, tập vận động thể lực mỗi ngày... có thể tránh được ít nhất 80% ca tử vong sớm do bệnh tim mạch.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022