VNE-Jose-4895-1722510462.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k8weyByXF4BQ8z23SWbpcg

Một phần xác tàu San José dưới đáy biển. Ảnh: Independent

Tàu San José ở vùng biển Caribe ngoài khơi Colombia

Thường được gọi là xác tàu đắm "đắt giá nhất thế giới", tàu chiến San José của hải quân Tây Ban Nha chở 200 tấn vàng, bạc và đá quý thô khi chìm vào năm 1708 trong trận chiến với tàu Anh. Ước tính kho báu trên tàu trị giá từ vài tỷ tới hơn 20 tỷ USD. Một số bên đang tranh giành quyền sở hữu xác tàu, bao gồm công ty trục vớt của Mỹ (tuyên bố tìm thấy xác tàu năm 1982), Colombia (nước khẳng định tìm thấy xác tàu ở vị trí khác năm 2015), Tây Ban Nha (nước cho rằng họ vẫn sở hữu con tàu như 300 năm trước) và bộ lạc Bolivia (người tranh cãi tổ tiên của họ bị bắt đi đào số bạc trên tàu).

Bất luận giá trị thực của kho báu, luật pháp Colombia quy định mọi đồ tạo tác đều không thể mua bán. Tàu San José và kho báu đi kèm vẫn nằm dưới đáy biển.

Tàu Bom Jesus ở vùng ven biển phía nam Namibia

Năm 2008, một nhà địa chất học tìm kiếm kim cương trong khu vực nổi tiếng với những mỏ đá quý. Thay vào đó, ông tìm thấy một thỏi đồng. Các nhà khảo cổ học tiếp tục tìm thấy 22 tấn thỏi đồng (dùng để đổi gia vị vào thời đó), cũng như hơn 100 ngà voi, một khẩu súng thần công bằng đồng, kiếm, kính trắc tinh, súng nòng dài và áo giáp với số lượng lên tới hàng nghìn. Họ còn tìm thấy hơn 200 đồng xu bằng vàng, chủ yếu của Tây Ban Nha và mang hình vua Ferdinand và nữ hoàng Isabella, nhưng có một số đồng của Venetia, Moorish, Pháp.

Số hàng hóa này giúp xác định đây là tàu Bom Jesus, một tàu buôn của Bồ Đào Nha thất lạc năm 1533 trên đường tới Ấn Độ. Con tàu và toàn bộ hàng hóa vẫn nguyên vẹn gần 500 năm. Nó cũng là xác tàu cổ và đắt giá nhất được tìm thấy ở vùng ven biển hạ Sahara châu Phi.

Tàu Belitung ở biển Java ngoài khơi đảo Belitung, Indonesia

Năm 1998, ngư dân địa phương lặn tìm hải sâm phát hiện một khối san hô găm nhiều mảnh gốm sứ. Phát hiện cuối cùng dẫn tới một thuyền buồm thế kỷ 9 của Arab chứa hơn 60.000 đồ thủ công bằng vàng, bạc và gốm sứ thời nhà Đường. Đặc biệt, những đồ gốm sứ phản ánh ngành công nghiệp đồ gốm dưới thời nhà Đường và buôn bán trên Con đường tơ lụa. Trung Quốc thời đó tăng cường mua vải vóc, ngọc trai, san hô và gỗ hương từ Ba Tư, Đông Phi và Ấn Độ. Vào thế kỷ 9, đồ gốm sứ Trung Quốc trở nên thịnh hành, nhưng lạc đà không phù hợp để vận chuyển sản phẩm dễ vỡ. Vì vậy, ngày càng nhiều bát đĩa được chở bằng tàu qua "Con đường tơ lụa trên biển".

Theo John Guy, quản lý nghệ thuật vùng Nam Á và Đông Nam Á ở Bảo tàng Metropolitan tại New York, xác tàu này thuộc hàng đắt giá nhất và chở số hàng hóa (bao gồm vàng và gốm sứ từ miền nam Trung Quốc đầu thế kỷ 9) lớn nhất từng được phát hiện trong một kho báu.

Tàu Palmwood ở biển Wadden ngoài khơi Hà Lan

Được gọi theo tên những hộp gỗ cứng chứa hàng hóa đắt giá trên tàu, tàu Palmwood chở cửa cải từ khắp nơi trên thế giới và hé lộ đời sống của giới thượng lưu thế kỷ 17. Bên trong số thùng vỡ này, thợ lặn thu thập hơn 1.500 đồ tạo tác bao gồm một chiếc váy thêu họa tiết bằng chỉ bạc, áo choàng bằng vải damask tinh xảo và áo dài bằng nhung nhuộm màu đỏ ruby lấy từ côn trùng chỉ tìm thấy ở châu Mỹ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một chiếc cốc bạc và bộ đồ ăn, bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân sang trọng, thảm Ba Tư và bộ sưu tập 32 quyển sách bìa da có niên đại vào thế kỷ 16 - 17.

Trong khi các nhà bảo tồn đã kiểm tra những đồ vật thu thập từ đáy biển, phần lớn xác tàu Palmwood Wreck chưa được khai quật và được phủ lớp lưới để bảo vệ nó trước tác động của dòng hải lưu.

Tàu Santo Cristo de Burgos ở vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi bang Oregon, Mỹ

Chiếc tàu chiến Tây Ban Nha đi chệch hướng và biến mất trên đường di chuyển từ Philippines tới Mexico năm 1693, nhiều khả năng đang nằm ngoài khơi bang Oregon ngày nay. Khoảng một chục cây gỗ được tìm thấy từ thân con tàu. Số hàng hóa trên tàu gồm tơ lụa và gốm sứ Trung Quốc xa xỉ. Những thùng sáp ong nhập khẩu từ châu Âu bị dạt vào bờ suốt nhiều thế kỷ sau khi tàu chìm. Vô số mảnh gốm màu xanh lam và trắng cũng như những khúc gỗ lớn hé lộ xác tàu ở gần đó.

An Khang (Theo National Geographic)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022