VNE-Split-4182-1722486968.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UDkW6Z4nWyxJpP0Wap744A

Núi Akerneset đang vỡ dần thành nhiều mảnh. Ảnh: National Geographic

Núi Akerneset ở phía tây Na Uy với rêu xanh và cây bụi bao phủ, đang chậm rãi vỡ thành từng mảnh trong hàng thập kỷ. Sườn phía đông của ngọn núi sụt mất 10 cm/năm và dần dần trượt xuống vịnh Sunnylvsfjorden bên dưới, theo AFP. "Toàn bộ sườn núi rất lỏng lẻo và đang dịch chuyển, có thể tạo ra một vụ sụp đổ lớn", nhà địa chất học Lars Harald Blikra cho biết trong lúc đứng cạnh khe nứt mà ông đã theo dõi suốt 20 năm qua tại Cục Năng lượng và Tài nguyên nước Na Uy. "Những khối đá rơi, vỡ ra từ mảng núi lớn sẽ đổ thẳng xuống vịnh, gây ra sóng thần mạnh. Sự kiện có thể xảy ra trong 2 - 3 năm nữa hoặc trong vòng 50 năm. Chúng tôi không biết rõ".

Theo một đánh giá rủi ro năm 2016 của Cục Bảo vệ Dân cư Na Uy, 54 triệu m3 đá có thể nứt vỡ, tạo ra sóng thần cao hàng chục mét chỉ trong vài phút, tràn qua 10 ngôi làng ven vịnh hẹp. Năm 1934, trận sạt lở đất chỉ cách đó vài kilomet gây ra sóng thần nguy hiểm với độ cao lên đến 64 m, cướp đi sinh mạng của 40 người.

Nằm ở góc trong cùng của vịnh, làng Hellesylt và Geiranger có nguy cơ lớn nhất. Trong trường hợp xấu nhất, những điểm nóng du lịch này có thể bị nhấn chìm dưới ngọn sóng cao 70 - 80 m. Olav Arne Merok, một cư dân hơn 70 tuổi đã sống cả đời tại Geiranger sẽ nằm trong số những người chịu ảnh hưởng. "Tại đây, chúng tôi đang sống ở độ cao 30 - 40 m. Rõ ràng, nếu có sóng cao 90 m, chúng tôi sẽ chìm dưới nước. Nhưng chúng tôi không thể sống trong nỗi sợ hãi thường xuyên khi nghĩ tới điều đó", Merok giải thích.

Ở bến tàu, nơi nhiều du thuyền đậu vào mùa hè, Geir Gjorva, đại lý tàu 69 tuổi, cũng tỏ ra điềm tĩnh. "Không ai biết ngọn sóng sẽ lớn tới đâu. Nó có thể đến chậm hoặc nhanh. Đó không phải chủ đề chúng tôi nói chuyện hàng ngày. Mọi người biết hệ thống cảnh báo và các biện pháp khẩn cấp hoạt động tốt", Gjorva chia sẻ.

Do nguy hiểm rình rập, Akerneset là một trong những ngọn núi được theo dõi nhiều nhất thế giới. Một loạt thiết bị GPS và đo vẽ địa hình trên mặt đất cùng với cảm biến trong lòng đất đo mỗi chuyển động của ngọn núi nhằm phát báo động nếu cần. Theo các nhà địa chất học, sườn núi sẽ không rơi thẳng xuống biển mà không có dấu hiệu cảnh báo. Trước hoạt động nứt vỡ chính sẽ có nhiều dấu hiệu, cung cấp đủ thời gian để sơ tán người dân trong vùng.

"Sơ tán hàng nghìn người từ một khu vực nhỏ do nguy cơ sạt lở đất là cơn ác mộng đối với một thị trưởng", Einar Arve Nordang, thị trưởng mới nhận chức ở Stranda, tỉnh bao gồm làng Hellesylt và Geiranger, thừa nhận. "Nhưng chúng tôi đã sẵn sàng". Mọi kế hoạch khẩn cấp đã được vạch sẵn, mỗi cơ quan biết phải làm gì khi thảm họa xảy đến.

Trên đỉnh Akerneset, những chuyên gia đang tìm cách trì hoãn thảm họa. Một khả năng là hút nước khỏi núi, vốn đóng vai trò cả như chất bôi trơn và điều áp. Nhưng việc đó rất phức tạp và tốn kém bởi mọi thiết bị cần vận chuyển bằng trực thăng. Sverre Magnus Havig, giám đốc ở Cục năng lượng và tài nguyên nước, cho biết hoạt động như vậy có thể làm chậm đáng kể thời gian ngọn núi sụp đổ. "Thay vì nguy cơ sạt lở xảy ra trong vòng trăm năm hoặc hai trăm năm, nó có thể xảy ra trong 1.000 năm nữa", Havig nói.

An Khang (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022