Vài giờ sau khi tàu vũ trụ Peregrine cất cánh từ Florida hôm 8/1, chở thiết bị khoa học và nhiều khối hàng khác, phương tiện bị rò rỉ nhiên liệu đẩy, theo công ty chế tạo là Astrobotic ở Pennsylvania. Sự cố rò rỉ khiến động cơ đẩy của tàu vũ trụ không hoạt động như chu kỳ tuổi thọ dự kiến để ngăn tàu đổ bộ khỏi đổ nhào mất kiểm soát, theo Business Insider. Thay vì đi vào lịch sử khi đưa Mỹ quay trở lại Mặt Trăng 5 thập kỷ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng, tàu thăm dò gặp khó khăn trong việc quay về phía Mặt Trời để sạc bộ pin. Astrobotic hôm 9/1 thông báo con tàu không có khả năng hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng.
Bức ảnh đầu tiên chụp bởi tàu đổ bộ Peregrine sau khi phóng. Ảnh:Astrobotic
Namrata Goswami, chuyên gia về chính sách vũ trụ ở Đại học Arizona tại Phoenix, cho biết sự cố trên sẽ ảnh hưởng tới tham vọng quay lại Mặt Trăng của Mỹ nói chung. "Có nhiều kỳ vọng thông qua chương trình Commercial Lunar Payload Services của NASA, Mỹ có thể đạt mục tiêu bay tới Mặt Trăng theo cách hiệu quả về chi phí hơn", Goswami nói.
Peregrine là nhiệm vụ đầu tiên trong hàng loạt nhiệm vụ Mặt Trăng ra đời theo chương trình Commercial Lunar Payload Services do NASA hợp tác với các công ty vũ trụ tại Mỹ. Chương trình khuyến khích các công ty chế tạo và phóng tàu bay tới Mặt Trăng mà NASA có thể đặt chở thiết bị khoa học.
Theo Goswami, những tàu đổ bộ Mặt Trăng thương mại trước đây, bao gồm Beresheet của Israel vào năm 2019 và Hakuto-R 1 của Nhật Bản năm ngoái, tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng nhưng gặp sự cố trong vài giây cuối cùng trước khi hạ cánh nhẹ nhàng. Tuy nhiên, Peregrine gặp vấn đề nghiêm trọng về phần cứng trong vòng 24 giờ sau khi phóng. Kết quả như vậy có thể khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua tới Mặt Trăng với Trung Quốc, đất nước đã thực hiện nhiều nhiệm vụ đổ bộ Mặt Trăng thành công trong những năm gần đây.
Trung Quốc đang chuẩn bị phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Hằng Nga 6 trong nửa đầu năm nay, động thái chứng tỏ khả năng đánh bại Mỹ. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) hôm 10/1 thông báo tàu thám hiểm của họ đã chuyển tới bãi phóng cho nhiệm vụ thu thập mẫu vật ở vùng tối của Mặt Trăng. Nhiệm vụ này có thể trở thành minh chứng quan trọng cho thành tựu khám phá vũ trụ của Trung Quốc bởi chưa có bất kỳ quốc gia nào đưa mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng về Trái Đất.
Tàu Hằng Nga 6 chuyển tới bãi phóng. Ảnh: CGTN
Trung Quốc gặt hái nhiều thành tích vững chắc về hạ cánh trên Mặt Trăng và trở thành nước đầu tiên đưa robot tự hành tới vùng tối vào năm 2019. Nhiệm vụ đó cho phép họ thu thập mẫu vật Mặt Trăng mới đầu tiên trong 45 năm vào năm 2020. Nhiệm vụ mới của Trung Quốc hướng tới phóng tàu thăm dò Hằng Nga 6 tới Mặt Trăng. Con tàu sẽ thu thập khoảng 2 kg vật chất bằng cách xúc và khoan từ vùng tối Mặt Trăng trước khi vận chuyển mẫu vật an toàn về Trái Đất.
Tàu đổ bộ Trung Quốc cũng sẽ chở thiết bị của Pháp, Italy, Thụy Điển và Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Tàu bay quanh quỹ đạo của nhiệm vụ, chờ sẵn để đưa tàu thăm dò về Trái Đất, sẽ chở theo một khối hàng của Pakistan.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều tích cực thực hiện chương trình quay trở lại Mặt Trăng. CNSA đặt mục tiêu đưa người tới Mặt Trăng vào cuối thập kỷ. Trong khi đó, gần đây Mỹ thông báo rời ngày phóng nhiệm vụ Artemis 2 tới năm 2026.
An Khang (Theo Business Insider)