VNE-Jet-1746353597-3173-1746353684.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_eaHYZx6LHRQ2Sbg7NlMKA

Thiết kế của máy bay SR-72. Ảnh: National Security Journal

Máy bay phản lực siêu vượt âm SR-72, hay còn gọi là "Con trai Blackbird" sẽ ra mắt trong năm 2025. Lockheed Martin, công ty phát triển mẫu máy bay phản lực, có thể hoàn thành nguyên mẫu SR-72 vào cuối năm nay. Quá trình phát triển máy bay phản lực tuân theo những mục tiêu dài hạn về năng lực siêu vượt âm của Không quân Mỹ (USAF), theo Interesting Engineering.

SR-72 được phát triển bởi đội ngũ Skunk Works của Lockheed Martin. Thiết kế này có mục tiêu kế nhiệm máy bay SR-71 Blackbird huyền thoại. Nếu trở thành hiện thực, SR-72 sẽ là máy bay nhanh nhất từng được phát triển với tốc độ tối đa dự kiến trên Mach 5 (6.437 km/h).

SR-72 sẽ phục vụ nhiệm vụ tình báo chiến lược, giám sát và trinh sát (ISR) trong môi trường tranh chấp, nơi những nền tảng có người lái thông thường đối mặt với rủi ro. Tốc độ siêu vượt âm của nó không chỉ nhằm xuyên thủng hệ thống phòng không tích hợp tiên tiến mà còn cung cấp thông tin tình báo quan trọng kịp thời với rủi ro bị ngăn chặn tối thiểu. Các nhà phân tích cho rằng SR-72 cũng có thể phục vụ như nền tảng phóng cho vũ khí tấn công siêu vượt âm, có khả năng tích hợp Vũ khí tấn công tốc độ cao (HSSW).

Dựa trên mẫu SR-71 ngừng hoạt động vào năm 1998, SR-72 có thể sở hữu tốc độ và khả năng tồn tại tốt hơn. Không giống phiên bản tiền nhiệm có người lái, SR-72 sẽ hoạt động như một máy bay không người lái, có thể tái sử dụng và thực hiện nhiệm vụ tự động ở tốc độ siêu vượt âm. Dài hơn 30 m, SR-72 nhiều khả năng có kích thước tương tự SR-71 nhưng sở hữu cấu trúc động cơ hoàn toàn khác biệt.

Theo Army Rcognition, SR-72 có thể sẽ trang bị hệ thống động cơ chu kỳ kết hợp dựa trên tuabin (TBCC) do Lockheed Martin hợp tác phát triển với Aerojet Rocketdyne. Hệ thống này kết hợp động cơ tuabin thông thường, hiệu quả cho chuyến bay hạ âm và cận âm đến khoảng Mach 2,2 (2.716 km/h), với động cơ scramjet cho tốc độ siêu vượt âm, có thể hoạt động hiệu quả trong khoảng tốc độ từ Mach 4 đến Mach 6 (4.939 - 7.408 km/h) hoặc cao hơn.

Không có hệ thống động cơ nào có thể đáp ứng toàn bộ dải tốc độ từ hạ âm đến siêu vượt âm hiệu quả. Hệ thống động cơ chu kỳ kết hợp dựa trên tuabin sử dụng một cửa hút và vòi phun chung nhưng phân chia luồng khí thành các kênh riêng biệt tùy theo tốc độ. Khả năng này cho phép SR-72 tăng tốc từ khi cất cánh trực tiếp đến tốc độ siêu vượt âm mà không cần bộ tăng cường. Tốc độ cao của máy bay, ước tính cho phép di chuyển từ Mỹ đến châu Âu hoặc châu Á trong 90 phút. Điều này giúp rút ngắn thời gian ra quyết định và cung cấp cho các chỉ huy lựa chọn mới để thực hiện nhiệm vụ trinh sát tốc độ cao và tấn công với thời gian ngặt nghèo.

Tuy nhiên, chương trình SR-72 đối mặt với nhiều thách thức kỹ thuật và tài chính quan trọng. Dù đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với những bên liên quan của chính phủ Mỹ, chưa có đủ kinh phí cho việc phát triển khung máy bay và động cơ thử nghiệm. Theo lộ trình siêu vượt âm của Không quân Mỹ, SR-72 có thể đi vào hoạt động năm 2030, phụ thuộc vào việc vượt qua thách thức lớn về hệ thống đẩy, quản lý nhiệt và vật liệu.

An Khang (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022