"Bố từng là tuyển thủ, nhưng giấc mơ dở dang. Nay con muốn thành công, thực hiện ước mơ của bố", Bai Lianfeng, 17 tuổi, hiện khoác áo CLB Alcobendas ở Madrid, Tây Ban Nha, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Phía sau cậu là người cha Bai Tao, 60 tuổi, từng khoác áo U15 Trung Quốc, nay đã bán hết 5 căn nhà để nuôi hai con theo đuổi giấc mơ.

photo-1748148071-9367-1748148861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JYMhRp_-8CmSMQfrSkPTmA

Ông Bai Tao, người cha bán 5 ngôi nhà để cho hai con đi du học bóng đá từ nhỏ. Ảnh: Backchina

Sinh ra ở Đại Liên, Liêu Ninh, ông Bai Tao bắt đầu chơi bóng từ 7 tuổi. Ông từng là niềm hy vọng của bóng đá Trung Quốc, khoác áo các đội trẻ Đại Liên, Liêu Ninh, rồi tuyển U15 quốc gia, từng dự AFC Champions League.

Nhưng con đường thể thao của Bai Tao dừng lại khi chọn học ngành luật tại Đại học Dân tộc Trung ương Bắc Kinh. Sau này, ông làm việc cho tập đoàn công nghệ Tsinghua Unisplendour, rồi tự mở công ty dạy học trực tuyến, thu nhập ổn định, gia đình sống sung túc trong căn hộ 150 m2 tại Bắc Kinh.

Nhưng niềm đam mê sân cỏ của ông chưa tắt. Năm 2004, con trai đầu lòng Dahu chào đời, bốn năm sau là con thứ Bai Lianfeng. Ngay từ lúc biết đi, cả hai đã được cha cho tập đá bóng.

Không tìm được trung tâm huấn luyện phù hợp, ông Bai lập luôn một câu lạc bộ bóng đá, ban đầu chỉ để huấn luyện hai con, sau mở rộng cho nhiều trẻ ở Bắc Kinh.

Năm 2014, Lianfeng mới 6 tuổi đã cùng CLB đánh bại đối thủ trong một trận chung kết giải bóng đá nhi đồng của Bắc Kinh. Khi đó, cậu thi đấu ở vị trí chạy cánh trái, thuận chân trái, ghi bàn từ pha đá phạt góc hẹp. Cái tên Bai Lianfeng được báo chí nhắc đến như một thần đồng.

Lúc đó, một huấn luyện viên nước ngoài gợi ý nên đưa các con sang châu Âu để học bóng đá. Ông Bai quyết định đánh cược. Vợ chồng ông đưa hai con sang Bồ Đào Nha. Một năm sau, gia đình chuyển hẳn đến Barcelona, Tây Ban Nha và gia nhập một CLB bóng đá địa phương có tiếng.

Từ đó đến nay, Dahu và Xiaohu đã lần lượt chơi cho 5 - 6 CLB khác nhau, từng được báo chí địa phương đưa tin vì được nhiều đội mời chào.

Ở châu Âu, cơ hội cọ xát cao gấp nhiều lần Trung Quốc. "Ở quê nhà, mỗi năm con tôi chỉ được đá vài trận. Còn ở đây, tuần nào cũng có thi đấu, được đối đầu với lò đào tạo trẻ của các đội lớn", Bai Tao chia sẻ.

Lianfeng, hiện học lớp 11, ngày nào cũng luyện bóng. Hàng ngày cậu vẫn giữ thói quen sinh hoạt kỷ luật như hồi còn bé. "Khi 5 tuổi, Lianfeng đã có thể thực hiện 400 lần gập bụng liên tục, nhảy xa tại chỗ 1,3 m, từng ghi 14 bàn trong một trận", Bai Tao kể.

"Con muốn trở thành Messi của Trung Quốc", Lianfeng nói.

Anh trai cậu Dahu, hiện là sinh viên Đại học Amsterdam (Hà Lan), duy trì tập bóng ba buổi một tuần. Cả hai đều nói được ba thứ tiếng và từng đạt giải trong các kỳ thi toán tại châu Âu.

Hiện các con vẫn ở giai đoạn quan trọng quyết định sự nghiệp nên gia đình cho biết vẫn chưa thể về nước.

0-1748148177-5859-1748148861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AIR8-FD9oKgJM2Qwx6-a-A

Lianfeng nổi tiếng với năng khiếu bóng đá từ khi 6 tuổi. Ảnh: Backchina

Là một trong những gia đình đầu tiên đưa con ra nước ngoài học bóng đá, Bai Tao và hai con đối mặt không ít khó khăn. "Ban đầu tôi không ngờ sẽ tiêu tốn nhiều đến vậy", ông nói.

Nhiều khi trong cả câu lạc bộ chỉ có hai anh em là người Trung Quốc, không có phiên dịch, nên ngoài việc tập luyện, các em còn phải học tiếng địa phương. Mỗi lần chuyển đội là phải làm quen với một phương ngữ khác.

Ông tiết lộ đã bán 5 căn nhà ở Bắc Kinh, Nam Ninh, Đại Liên và cả ở Tây Ban Nha để có tiền cho các con theo đuổi giấc mơ bóng đá, tổng chi phí 10 triệu nhân dân tệ.

Khi sang Tây Ban Nha, Bai Tao từ bỏ toàn bộ công việc ở Trung Quốc. Không biết tiếng bản địa, không có bằng cấp được công nhận, ông và vợ suốt nhiều năm không kiếm được việc, sống nhờ tiền tiết kiệm. Từ căn hộ rộng ở Bắc Kinh, họ chuyển sang thuê một căn hộ cũ ở Madrid với giá 1.500 euro/tháng.

Dẫu vậy, ông không hối hận. "Mỗi lần nhìn hai con trên sân, tôi thấy mọi thứ đều xứng đáng", Bai Tao nói.

photo-3-1748148226-6639-1748148861.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7EmCpHayojaA5Rf81qfFaQ

Liangfeng, 17 tuổi đặt ước mơ trở thành tuyển thủ quốc gia. Ảnh: Backchina

Câu chuyện của gia đình được chia sẻ trong một chương trình gần đây và đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho đây là một canh bạc, nếu không thành công cái giá bỏ ra quá đắt.

Tuy nhiên, không chỉ gia đình ông Bai Tao như vậy. Tuyển thủ Zhang Yuning, 28 tuổi, cũng được cha bán 8 căn nhà để đưa sang châu Âu. Hôm nay, Zhang là ngôi sao của đội tuyển Trung Quốc.

Hay tay vợt nữ Zheng Qinwen, 23 tuổi, cũng có một người cha từng bán nhà, vay tiền cho con sang Pháp tập luyện. Nay cô đã là nhà vô địch Thế vận hội.

Với Bai Tao, dù hai con có những thành tích nhất định, mục tiêu của họ vẫn là được khoác áo đội tuyển quốc gia. "Một mặt là để mang vinh quang về cho đất nước, mặt khác, trong số các môn thể thao, cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có mức thu nhập cao nhất", ông Bai nói.

Khi được hỏi liệu từng ấy hy sinh có đáng không, Bai Tao cho biết không phải ai cũng thành công trong mọi việc. Nếu các con không thành cầu thủ chuyên nghiệp, ông cũng xem chặng đường này như một trải nghiệm đáng nhớ trong đời.

"Một người không có mơ ước thì chẳng khác gì cá khô", ông nói.

Bảo Nhiên (Theo Backchina)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022