LG là hãng lớn cuối cùng ra mắt thế hệ TV 2025 tại Việt Nam sau Samsung, Sony, TCL và Xiaomi đầu tháng này. Bên cạnh các nâng cấp về phần cứng, điểm nhấn được hãng Hàn Quốc nhắc đến là tích hợp trí tuệ nhân tạo thấu cảm (Affectionate Intelligence). Về phần mềm, sự khác biệt giữa model ở phân khúc cao và thấp cấp chủ yếu ở tốc độ phản hồi của chip xử lý, trong khi các tính năng tương đồng.

TV LG 2025 có các tính năng AI nhận dạng giọng nói, tương tác với Copilot. Ảnh: Tuấn Hưng
Với Voice ID, TV LG có thể tự động nhận diện giọng nói người dùng và chuyển sang tài khoản sử dụng tương ứng. Mỗi tài khoản sẽ ứng với một thành viên trong gia đình với các tùy chọn khác nhau như đề xuất nội dung, sắp xếp ứng dụng cũng như chế độ hình ảnh, âm thanh cá nhân hóa.
LG vẫn sử dụng trợ lý giọng nói tiếng Việt như cũ, nhưng bổ sung khả năng tương tác câu lệnh tìm kiếm với Google Search và chatbot Copilot. Đây là điểm mạnh khi so sánh với các hệ điều hành hiện tại như Goolge TV được Sony, Xiaomi, TCL sử dụng và TizenOS trên Samsung TV. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, người dùng vẫn phải thêm thao tác mở gián tiếp qua trình duyệt để tương tác với Copilot. Đại diện LG cho biết việc tích hợp sâu hơn sẽ có trong những tháng tới.

Copilot trả lời câu hỏi của người dùng trên TV LG. Ảnh: Tuấn Hưng
Điều khiển trên loạt TV mới của LG cũng có thiết kế mới sau nhiều năm. Phiên bản 2025 theo triết lý tối giản, khá giống của Sony, TCL giúp dễ sử dụng nhưng mất đi tính đặc trưng của thiết kế công thái học như trước. Remote vẫn hỗ trợ nhận dạng cử chỉ tay, lấy trọng tâm là nút gọi trợ lý giọng nói Affectionate Intelligence. TV LG AI 2025 có thể hoạt động như một trung tâm điều khiển nhà thông minh (LG Home Hub) tương thích Google Home, LG ThinQ.
Các dòng TV OLED trong năm 2025 của LG gồm M5, G5, C5 và B5. Trong đó, hai dòng cao cấp G5 và M5 trang bị bộ xử lý Alpha A11 AI thế hệ hai cho tốc độ xử lý mạnh hơn và độ sáng cao gấp ba lần so với các dòng OLED cơ bản còn lại. Các sản phẩm đều được mở rộng kích thước, như M5 và G5 thêm phiên bản 97 inch, trong khi kích thước 77 inch sẽ có trên G5 và B5.
M5 tiếp tục là dòng TV OLED không dây với khả năng truyền hình ảnh 4K 144 Hz, còn G5 là model OLED đầu tiên có tốc độ làm mới 165 Hz độ phân giải 4K.

Điều khiển LG mới thiết kế tối giản, dễ dùng nhưng không còn nét đặc trưng như các thế hệ trước. Ảnh: Tuấn Hưng
Trong khi đó, dòng C5 nâng cấp tăng 13% độ sáng so với thế hệ tiền nhiệm, thiết kế viền kim loại cao cấp hơn. Dòng B5 thay đổi với viền mỏng tương tự. Tất cả có chứng nhận màn hình ánh sáng xanh thấp (35% so với ngưỡng yêu cầu 50%) bảo vệ mắt.
Ở phân khúc TV LCD cao cấp, LG tung ra ba dòng dùng công nghệ Mini LED là QNED9M, QNED 92 và QNED 86. Hãng cũng đánh dấu việc bỏ công nghệ chấm lượng tử, thay bằng Dynamic QNED Color Pro và Dynamic QNED Color để cải thiện độ sâu, độ nét và chính xác về màu sắc. Đây cũng là năm đầu LG đem công nghệ không dây lên dòng QNED với model 9M sử dụng hộp Zero Connect Box tương tự mẫu OLED M5. Dòng QNED 86 cũng lần đầu có kích thước siêu lớn 100 inch.
LG còn có các dòng QNED thấp hơn gồm QNED82, QNED81, QNED80 và QNED70 với kích thước từ 43 đến 97 inch.
Tuấn Hưng