"Thời gian như ngưng lại. Mọi ký ức trong quá khứ ùa về như thước phim", Ánh Hoa kể lại vào ngày 25/5. Cách đấy hai hôm, cô nhận kết quả khỏi hoàn toàn bệnh ung thư máu từ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Ngày 25 Tết năm 2010, cơn bạo bệnh ập đến chỉ sau một trận sốt cao, Hoa phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Bác sĩ trao đổi riêng với gia đình, còn cô gái 12 tuổi chỉ loáng thoáng nghe được những từ lạ lẫm, như "bạch cầu cấp, ung thư máu...".
Căn bệnh đã len lỏi trong cơ thể, bác sĩ yêu cầu cô nhập viện ngay. Trong lúc đó, tai họa liên tục ập đến gia đình. Chị gái vội vã từ nhà xuống thăm em thì bị tai nạn giao thông. Ông ngoại 85 tuổi nghe tin cháu mắc bệnh, không giữ được bình tĩnh và bị tai biến. Ngày Tết trở thành nỗi ám ảnh của Hoa và cả gia đình.
"Bố mẹ chọn giấu đi, cố che chắn cho con gái. Còn tôi chỉ biết những đứa trẻ bị ung thư thường không sống lâu. Tuổi thơ đóng khung với giường bệnh", Hoa nói.

Kết luận của bác sĩ về tình trạng bệnh của Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bệnh bạch cầu cấp (còn gọi là bệnh máu trắng) là loại ung thư thường gặp ở trẻ em. Phổ biến nhất là bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL). Phần còn lại chủ yếu là bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML). Hiện chưa có số liệu cụ thể về ca mắc và tử vong do bệnh này ở trẻ em Việt Nam.
Đây là bệnh lý ác tính xảy ra sau nhiều đột biến của tế bào gốc lympho ở giai đoạn phát triển nhất định. Bệnh có thể diễn tiến kéo dài với triệu chứng mơ hồ: mệt mỏi, chán ăn, sốt không do nhiễm trùng, sụt cân, da xanh, đau khớp, đau đầu, chóng mặt, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiểu máu, đi ngoài phân đen. Vì vậy khó phát hiện sớm. Để chẩn đoán, người bệnh cần xét nghiệm máu, xét nghiệm tủy xương (chọc hút hoặc sinh thiết), chụp X-quang, siêu âm và sinh thiết hạch.
Đến mồng 4 Tết, hai bố con gồng gánh nhau ra Hà Nội kiểm tra, "mong kết quả có sai sót". Lần đầu được ra thủ đô, cô bé phấn khích đến mức mất ngủ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hoa phải làm nhiều xét nghiệm, đặc biệt là chọc tủy sống. Hoa nhớ mãi câu nói của một người đàn ông đang chờ khám: "Bệnh gì thì bệnh, miễn đừng là ung thư".
Sau khi có kết quả, bác sĩ chỉ định nhập viện. Ung thư "bẻ lái" cuộc sống cô gái. Trong phòng bệnh, Hoa liên tục đặt câu hỏi: "Vì sao những đứa trẻ phải tiêm truyền?", "Con có phải tiêm thuốc?", "Con có bị rụng tóc không?", "Con có khỏi bệnh không?".
Bố chỉ ậm ừ, nói phải nằm điều trị. Hoa không ngờ kế tiếp là chuỗi ngày đau đớn với kim tiêm, hóa chất. Hàng ngày, cô chỉ nằm bẹp dí vì phải dùng thuốc liều cao. Trong những đợt truyền đầu tiên, cô gặp nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, mất ngủ, mệt mỏi, bắt đầu rụng tóc. Sau truyền, Hoa thường nằm co ro trên giường, không thể ngóc đầu dậy.
Những suy nghĩ tiêu cực xuất hiện khiến cô suy sụp tinh thần. Thỉnh thoảng, Hoa cảm thấy chán nản, u sầu, sợ chết nên từ chối mọi quan tâm của mọi người. Cô phải gặp bác sĩ tâm lý để hỗ trợ, hòa nhập với việc điều trị.
Dần dần, cô học cách làm quen với những đứa trẻ xung quanh, tập nói chuyện với các anh chị tình nguyện để giảm bớt đau đớn. Hoa không còn sợ mỗi lần truyền hóa chất hay đi chụp chiếu, bởi "dù kết quả thế nào, tôi cũng đã đi rất xa rồi". Cô gọi tên từng đợt hóa trị là một cuộc chiến nhỏ, "thắng được cuộc nào thì hạnh phúc cuộc ấy".
Cô điều trị hóa chất tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần 3 năm, sau đó chuyển sang duy trì tái khám theo tháng, rồi theo quý và hiện tại là theo năm. Cô không nhớ nổi tiêm truyền bao nhiêu đợt, song mỗi lần bước ra bệnh viện đều lạc quan và động viên bản thân nỗ lực hơn.
"Từ khi bị bệnh, tôi hiểu chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào. Tôi luôn phải lắng nghe cơ thể để kịp thời nhập viện, tránh biến chứng", Hoa nói.
May mắn, quá trình điều trị của Hoa đi đúng phác đồ dự định. Khi dừng hóa chất, Hoa bắt đầu tăng cân, mọc tóc. Tuy nhiên, sức khỏe cô chưa ổn định, thường xuyên bị suy nhược cơ thể, suy giảm sức đề kháng, ốm vặt. Cơ thể mệt nhiều, nguy cơ tái phát bất kỳ lúc nào.
Để giữ tinh thần lạc quan, Hoa tham gia các chương trình cộng đồng của những tổ chức chống ung thư uy tín. Cô học hỏi và lắng nghe cách đồng bệnh vượt qua cuộc chiến. Đặc biệt, Hoa là thành viên tích cực của Tổ chức Salt Cancer Initiative (SCI) - Sáng kiến Ung thư Muối.

Ánh Hoa tham gia sự kiện cùng với Tổ chức ung thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau 7 năm, cô được gặp gỡ kết nối nhiều đồng bệnh, tham gia các hoạt động như lớp yoga, lớp vẽ, lớp thiền chuông online, 5000 bước chân hạnh phúc, các diễn đàn dành cho bệnh nhân ung thư tổ chức hàng năm ở các thành phố khác nhau.
"Lạc quan không chữa được ung thư nhưng giúp ta sống sót với nó, vượt qua nó và bước tiếp", Hoa nói.
Ung thư từng được coi là căn bệnh của tuổi già, nhưng ngày càng trẻ hóa. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy việc chẩn đoán ung thư ngay lập tức làm đảo lộn cuộc sống của bệnh nhân và gia đình. Họ phải chịu đựng nặng nề về tâm lý và tình cảm. 48% cảm thấy hoàn toàn hoặc một phần không hài lòng về cuộc sống. 87% người bệnh buồn hoặc rất buồn.
Tương tự, nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện trong 9 tháng trên 264 bệnh nhân ở khoa Ung bướu cho kết quả gần 58% người bị trầm cảm. Bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết hoặc những điều chưa biết phía trước.
Các nghiên cứu cho thấy tinh thần tích cực đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến với ung thư. Do quan niệm ung thư là án tử, không có khả năng cứu chữa, nên không ít người sốc, chấn thương tâm lý, trầm cảm, thậm chí muốn chết khi nhận tin mắc bệnh.
Công trình của các nhà khoa học Anh, Mỹ, Đức trên quy mô toàn cầu, được NY Times trích dẫn, cho thấy tỷ lệ tự tử ở người mắc ung thư cao hơn 85% so với dân số chung. Trong đó, bệnh nhân ung thư dạ dày và tuyến tụy có tỷ lệ tự tử cao nhất.
Do đó, bên cạnh điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị, các bác sĩ cho rằng tâm lý lạc quan, tích cực chiếm vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và khỏi bệnh. Duy trì tâm lý tích cực cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối vô cùng cần thiết. Nếu thực hiện tốt sẽ giúp việc điều trị tiến triển tích cực hơn.

Ánh Hoa luôn tự tin, lạc quan, xem ung thư là trải nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K khuyên người trẻ sau khỏi ung thư luôn giữ tinh thần lạc quan, làm việc phù hợp thể trạng, sức khỏe, dành thời gian cho gia đình hoặc công việc ưa thích. Không nên quá lo lắng, dẫn đến bỏ bê bản thân.
Nếu bị căng thẳng quá mức, bạn có thể tìm các chuyên gia tâm lý để được trị liệu bằng những kỹ thuật như chấp nhận và cam kết, giúp buông bỏ sợ hãi, tập trung vào hiện tại.
"Với tôi, ung thư là một trải nghiệm. Tuy đánh đổi cả máu và nước mắt song tôi đã khỏi bệnh, tự tin và tự hào vì đã không bỏ cuộc", Ánh Hoa chia sẻ.
Thùy An