Tôi là Thanh, 32 tuổi, ly hôn đã được 3 năm. Tôi và Lâm – chồng cũ – quen nhau từ thời đại học, yêu nhau 4 năm rồi cưới. Tưởng yên ấm, ai ngờ cuộc sống sau cưới lại kinh khủng đến thế. Lâm nhu nhược, chuyện gì cũng nghe mẹ, còn tôi thì không thể làm dâu kiểu "sáng dạ tối vâng", lầm lũi nghe lời được.
Mẹ chồng tôi – bà Biển – là người phụ nữ sắc sảo, khéo miệng, nhưng cực kỳ kỹ tính. Ở cùng nhà với bà 3 năm, tôi học được một điều "Khi phụ nữ sống chung mà không ai chịu lùi, thì căn bếp cũng có thể trở thành chiến trường". Bà chê tôi nấu ăn dở, dọn nhà vụng, mặc dù tôi đi làm cả ngày, về nhà vẫn quần quật nấu nướng, giặt giũ. Bà có 2 người con gái, đều đã lấy chồng, nên mọi sự kỳ vọng – và kiểm soát – đều trút hết lên tôi. Lâm thì như người vô hình, mẹ và vợ tranh cãi thế nào cũng làm như không nghe thấy, chẳng hề có ý định can thiệp. Tôi mệt. Tôi bỏ.
Sau ly hôn, tôi chuyển ra ngoài thuê trọ. Lâm tái hôn chỉ sau hơn một năm. Vợ mới của anh ta – nghe đâu là người hiền lành, dễ bảo, làm công việc kế toán ở gần nhà. Tôi không để tâm. Tôi chỉ biết, mình chưa từng quay lại con ngõ nhà chồng cũ suốt 3 năm trời… cho đến tuần trước.
Hôm đó tôi tình cờ nghe tin bà Biển đổ bệnh, nằm viện cả tuần rồi được cho về nhà, yếu lắm. Không hiểu sao, tôi thấy mình nên ghé qua một lần. Không phải vì còn trách nhiệm, mà vì 3 năm sống chung, dù thế nào, bà cũng từng là người tôi gọi là "mẹ".
Tôi mang theo ít yến sào và hoa quả. Vừa bước vào sân, tôi đã chạm mặt cả 3 người: 2 chị chồng – chị Loan và chị Hằng – và vợ mới của Lâm. Cả 3 người đều bất ngờ khi thấy tôi. Chị Loan còn nói mát một câu: "Thanh đây à? Mấy năm không gặp, nhìn khác quá. Tưởng đi luôn rồi chứ?".
Tôi cười nhạt, không đáp. Vợ mới của Lâm thì hơi luống cuống, chào tôi rồi mời tôi ngồi.
Bà Biển nằm trong buồng, thấy tôi thì khóc òa lên như trẻ con. Tôi hơi lúng túng, ngồi xuống cạnh bà, hỏi thăm sức khỏe. Bà không trả lời ngay, mà nắm chặt tay tôi, giọng thều thào:
"Con ơi... con đưa mẹ về sống với con được không? Mẹ yếu lắm rồi, chắc chẳng sống được mấy nữa... Mẹ có 300 triệu để dưỡng già. Mẹ cho con hết. Con chỉ cần chăm mẹ thôi, mẹ tin con… chứ không tin ai nữa".
Cả căn phòng chết lặng.
Chị Loan sững người: "Mẹ nói cái gì vậy? Mẹ đang ở nhà mình mà. Con gái ruột của mẹ đây mà mẹ không tin, mẹ lại tin… con dâu cũ?".
Chị Hằng thì cau mặt, nhìn tôi rồi nhìn mẹ: "Mẹ bị sốt rồi nói linh tinh hả mẹ? Vợ mới của thằng Lâm đang ở đây, chăm mẹ từng bữa, sao mẹ lại đòi theo đứa con dâu cũ này".
Vợ mới của Lâm cúi đầu, không nói gì, mắt rơm rớm nước.
Tôi sốc. Tôi không ngờ một người từng căng với tôi đến mức không nhìn mặt, giờ lại van xin tôi như vậy.
Tôi nắm tay bà, hỏi khẽ: "Sao mẹ lại muốn về ở với con? Vợ mới của anh Lâm chăm mẹ rồi, mẹ còn con gái nữa mà".
Bà nhìn tôi, mắt đỏ hoe: "Mấy đứa này, đứa nào mà không nhìn vào số tiền mẹ cất giấu chứ. Còn con nữa, có phải con đến để cười hả hê khi thấy mẹ ốm yếu tới mức này không? Đúng rồi, chứ không thì sao tự dưng con lại về đây".

Ảnh minh họa
Tôi cứng họng không biết đáp lại thế nào. Chị Hằng thấy vậy thì bảo: "Thấy chưa, bảo mẹ lẫn rồi mà không nghe. Tốt nhất em về đi, bà nhìn thấy em lại nhớ tới mấy chuyện chẳng hay ho gì, rồi bệnh tình nặng thêm".
Nghe thế mà tôi uất ức, thấy mình đúng là ngớ ngẩn, tự nhiên vác mặt về đây để cả nhà chồng cũ coi thường, sỉ nhục. Tôi lạnh lùng nói: "Vậy thôi, chào mẹ, con về, từ giờ con không bao giờ quay lại đây nữa đâu".
Nhưng khi tôi định bỏ đi thì mẹ chồng cũ lại kéo tay giữ tôi lại: "Kìa, con giận mẹ à, mẹ nói thế thôi chứ mẹ không có ý đó... Xin con, con ở lại với mẹ. Mẹ sợ 3 đứa kia lắm, chúng nó chỉ mong mẹ chết để lấy hết tiền của mẹ...". Đến lúc này thì tôi cảm thấy đúng là đầu óc mẹ chồng đã không còn minh mẫn nữa. Nhưng cứ hễ tôi muốn rời đi thì bà lại khóc lóc, cầu xin ở lại khiến tôi khó xử vô cùng. Mãi tới khi bà ngủ, tôi mới ra về được.
Sáng nay, Lâm gọi điện cho tôi, sau một hồi hỏi han vớ vẩn, Lâm cũng vào chủ đề chính, anh ta bảo bà Biển nhớ tôi, muốn tôi đến thăm nên bắt các con gọi điện cho tôi, nếu không gọi thì bà sẽ khóc lóc, kêu gào. Anh ta mong tôi niệm tình cũ mà tới thăm bà thêm một lần. Tôi khó xử quá, chẳng biết phải làm sao nữa. Đến thăm cũng dở, không đến thăm thì thành mình máu lạnh. Tôi nên làm sao đây?