Thông tin được Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương nói tại hội thảo ứng dụng công nghệ trong ngành kiểm toán, hôm 22/5. Ông cho rằng, kiểm toán không còn là công cụ giám sát tài chính đơn thuần, mà đang trở thành động lực thúc đẩy minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

binh0111-jpg-1748227133-174822-6982-1284-1748227201.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HtAdx5jDoQcjy6sPtH2aCw

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nói về những lợi thế của ngành kiểm toán khi ứng dụng công nghệ. Ảnh: T Bình

Với sự bùng nổ của dữ liệu số, các hệ thống ERP (phần mềm tích hợp giúp doanh nghiệp quản lý và điều phối mọi hoạt động kinh doanh cốt lõi như tài chính, nhân sự, sản xuất, chuỗi cung ứng...), nền tảng thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử tạo ra hàng tỷ giao dịch mỗi ngày... vượt xa khả năng xử lý thủ công. Vì thế ông cho rằng ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, một báo cáo kiểm toán về đầu tư công không chỉ dừng lại ở việc xác định chênh lệch ngân sách mà cần chỉ ra nguyên nhân sâu xa từ thiết kế thể chế hoặc bất cập trong giám sát. "Đây là thách thức đòi hỏi sự kết hợp giữa phân tích dữ liệu đa chiều và mô hình dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), học máy", Thứ trưởng Phương nói.

Ông dẫn chứng, Malaysia đã triển khai hệ thống AI kiểm toán 100% ngân sách của 15 Bộ, thay vì phương pháp chọn mẫu. Tại Việt Nam, việc ứng dụng phần mềm như ACL Robotics và IDEA trong kiểm toán nội bộ đã giúp tăng năng suất 40 - 60%, đồng thời rút ngắn 30% thời gian xử lý dữ liệu.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành kiểm toán, Thứ trưởng Phương đề xuất ba hành động cụ thể: xây dựng mô hình chuyển đổi số trong ngành kiểm toán; triển khai thí điểm mô hình trợ lý kiểm toán AI và thiết lập Quỹ đổi mới công nghệ kiểm toán.

Theo Thứ trưởng, thành công trong chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn con người, quy trình và văn hóa. "Ngành kiểm toán cần đầu tư vào việc phát triển nhân tài số, tái cấu trúc quy trình để tận dụng tối đa công nghệ, và xây dựng văn hóa đổi mới và học tập liên tục," ông nói.

Ông Đàm Xuân Lâm, bộ phận Kiểm toán, KPMG Việt Nam, cho biết: "Nghiên cứu của KPMG khẳng định AI không chỉ là một trào lưu nhất thời mà mang tầm quan trọng chiến lược. Hiện tại, gần ba phần tư doanh nghiệp đã sử dụng AI trong báo cáo tài chính, và con số này được dự kiến sẽ tăng lên 99% trong vòng ba năm tới".

Ông Lâm cũng chia sẻ về các ứng dụng AI mà KPMG đang triển khai, như AI Transaction Scoring và KPMG Clara AI Chat, giúp kiểm toán viên kiểm tra 100% giao dịch thay vì chỉ chọn mẫu, đồng thời hỗ trợ phân tích tài liệu phức tạp và phát hiện rủi ro tiềm ẩn trong quy trình.

Trên thực tế, các hãng kiểm toán hàng đầu thế giới đang đầu tư mạnh vào công nghệ. PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đã công bố dành 1 tỷ USD cho AI tạo sinh nhằm tiên phong ứng dụng AI trong kiểm toán, thuế và tư vấn. Một số nghiên cứu dự báo, phần lớn công việc kiểm toán có thể tự động hóa tới 90% nhờ AI trong vài năm tới.

Trọng Đạt

  • 'Làm sản phẩm lớn để tạo ảnh hưởng lớn cho kinh tế - xã hội'
  • Tên miền website có thể trở thành mục tiêu tấn công
  • FPT vào Top 40 doanh nghiệp CNTT châu Á
Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022