VNE-Fish-1746355792-6937-1746355842.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fLdQQLb9WAc0vjdedU2Xug

Dự án Lunar Hatch hướng tới nuôi cá vược bền vững trên Mặt Trăng. Ảnh: O Barbaroux/lfremer

Khi trưởng thành, những con cá vược bơi quanh bể tại cơ sở khoa học nhỏ ở ngoại ô Palavas-les-Flots, miền nam nước Pháp sẽ sản sinh thế hệ đầu tiên được phóng vào không gian. Đây là nhiệm vụ trong dự án khoa học có tên Lunar Hatch, nhằm khám phá khả năng nuôi cá vược trên Mặt Trăng. Mục tiêu cuối cùng là nuôi trên Sao Hỏa để làm thực phẩm cho các phi hành gia trong tương lai. Dự án này là ý tưởng của tiến sĩ Cyrille Przybyla, nhà nghiên cứu sinh học biển thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Quốc gia Pháp, theo Guardian.

"Cá là nguồn protein tuyệt vời vì đây là tổ chức động vật mà chúng ta tiêu hóa tốt nhất, chứa omega 3 cùng vitamin B cần thiết cho phi hành gia trong không gian để duy trì khối lượng cơ bắp", Przybyla nói. "Câu hỏi là làm thế nào để sản xuất thực phẩm ở xa như vậy?".

Theo ông, câu trả lời là phóng trứng cá vào không gian, nơi chúng sẽ nở trong thời gian bay đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Ban đầu, cá sẽ được quan sát trước khi bị đông lạnh và đưa trở về Trái Đất nhưng mục tiêu cuối cùng là nuôi chúng trên Mặt Trăng. Przybyla tin chắc nếu các cơ quan vũ trụ trên thế giới quyết định xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng, Lunar Hatch có thể đưa cá vược vào thực đơn ít nhất hai lần một tuần.

Việc đưa cá vào không gian không phải ý tưởng mới. Loài cá đầu tiên thực hiện hành trình là những con cá nhỏ thuộc loài mummichog (Fundulus heteroclitus) được phóng vào quỹ đạo trong một nhiệm vụ Apollo năm 1973. Trước đó, loài cá nhỏ bé kém nổi bật này hiếm khi rời xa lạch nước lợ và vùng nước ven biển hoặc đầm lầy muối. Ba năm sau, hai phi hành gia Soyuz thực hiện một loạt thí nghiệm với bể cá guppy trong phòng thí nghiệm không gian Salyut của Liên Xô. Năm 2015, cá ngựa vằn đã đưa lên trạm ISS để tìm hiểu cách cơ bắp teo nhỏ trong môi trường vi trọng lực. Tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc cũng đưa một số cá ngựa vằn lên trạm Thiên Cung. Các sứ mệnh khác từng vận chuyển cá cóc, cá đuôi kiếm lục, cá medaka, guppy và cá vàng.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cá thực sự được nuôi và sử dụng làm nguồn thực phẩm thường xuyên cho phi hành gia. Przybyla cho biết mục tiêu của Lunar Hatch là tạo ra "chuỗi thực phẩm khép kín" trên Mặt Trăng, sử dụng một loạt ngăn chứa. Các bể đầu tiên sẽ đổ đầy nước từ băng tìm thấy ở đáy miệng núi lửa tại vùng cực của Mặt Trăng. Nước thải do cá trong bể tạo ra sẽ được sử dụng để sản xuất vi tảo, sau đó có thể dùng để nuôi sinh vật lọc bao gồm động vật hai mảnh vỏ hoặc động vật phù du giúp thu thập chất thải. Phân từ cá vược trong bể đầu tiên sẽ được xử lý bởi tôm và giun, sau đó trở thành thức ăn cho cá.

"Mục tiêu của Lunar Hatch là không tạo ra chất thải", Przybyla chia sẻ. "Mọi thứ đều được tái chế thông qua hệ thống nuôi trồng thủy sản tự động trong 4-5 tháng".

Nhóm nghiên cứu đã tính toán, để cung cấp hai phần cá mỗi tuần cho 7 phi hành gia trong nhiệm vụ kéo dài 16 tuần, cần khoảng 200 con cá vược. Ngoài 200 trứng cá vược được thụ tinh gửi vào không gian, 200 con non khác sinh bởi cá tại Palavas-les-Flots sẽ được giữ lại làm nhóm đối chứng.

Năm 2016, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) yêu cầu cộng đồng khoa học đưa ra ý tưởng cho căn cứ Mặt Trăng tương lai gọi là Làng Mặt Trăng. Họ thích đề xuất của Przybyla và cuối năm 2018, ông nhận được khoản tài trợ đầu tiên từ Trung tâm nghiên cứu không gian quốc gia Pháp (CNES). Bước đầu tiên là xác định liệu trứng cá đã thụ tinh có chịu được rung lắc trong quá trình phóng vào không gian hay không.

Sau khi hoàn thành hầu hết thử nghiệm mô phỏng trên mặt đất, bước quan trọng tiếp theo trong dự án Lunar Hatch là thực hiện nhiệm vụ không gian thực tế. Przybyla và nhóm của ông hiện đang chờ cơ hội từ CNES và Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA để đưa cá lên quỹ đạo. Thời điểm chính xác vẫn chưa được xác định, nhưng họ hy vọng có thể phóng trong tương lai gần. Môi trường khắc nghiệt của Mặt Trăng và nhiều trở ngại về hậu cần có thể dẫn tới mất nhiều năm để thiết lập cơ sở như vậy, theo Interesting Engineering.

An Khang (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022