VNE-Junk-3490-1724730645.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RkkYtKlbZptxZ5XAQ8mRxg

Ảnh cận cảnh mảnh vỡ thiên thạch. Ảnh: Đại học Wits

Các nhà khoa học đến từ Đại học Wits và NMMU theo dõi sát sao sự kiện, bao gồm thông tin mảnh vỡ rơi qua khí quyển Trái Đất trong khoảng 8h30 - 9h sáng ngày 25/8 theo giờ địa phương. Nhân chứng trông thấy một vệt sáng trên bầu trời phía trên vịnh St Francis. Một số người suy đoán đó là mảnh rác vũ trụ từ vệ tinh rơi trở lại khí quyển ở quỹ đạo tương đối thấp, bị vỡ ra khi bốc cháy. Thuyền trưởng của một tàu ngắm cá voi trông thấy vật thể rơi xuống biển ngoài khơi mũi St Francis.

Tuy nhiên, theo giáo sư Roger Gibson đến từ Trường khoa học địa chất Wits, dựa trên đánh giá, sự kiện này phù hợp với một tiểu hành tinh đá lớn cỡ chiếc xe hơi bay qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ rất cao. Ma sát với khí quyển tạo ra cầu lửa ấn tượng, khiến nó vỡ ra trong lúc bay. Các nhà nghiên cứu cho biết người dân tìm thấy một số mảnh vỡ thiên thạch gần Kirkwood ở Eastern Cape, cách mũi St Francis hơn 100 km.

Đại học Wits là một trong vài cơ sở lưu trữ thiên thạch uy tín ở Nam Phi. Gibson và đồng nghiệp theo dõi chặt chẽ các phát hiện thiên thạch rơi trên cả nước. Lần gần nhất thiên thạch rơi xuống Nam Phi xảy ra ở Lichtenburg năm 1973. "Thiên thạch rất hiếm và có giá trị khoa học lớn bởi chúng hé lộ thành phần và sự ra đời của hệ Mặt Trời. Cách chúng tương tác với khí quyển Trái Đất cũng quan trọng do gắn liền với mối đe dọa tiềm ẩn", Gibson nói.

Chỉ có 51 thiên thạch được ghi nhận ở Nam Phi, trong đó có 22 vụ thiên thạch rơi. Tương tự hóa thạch, thiên thạch là di sản quốc gia và mọi hoạt động mua bán phải tuân thủ quy định trong Đạo luật tài nguyên di sản Nam Phi. Gibson và các đồng nghiệp là giáo sư Lew Ashwal và tiến sĩ Leo Vonopartis, cùng tiến sĩ Carla Dodd đến từ khoa Khoa học địa chất ở NMMU, háo hức tìm hiểu nhiều hơn về vụ rơi thiên thạch hôm 25/8. Theo Gibson, một số người nghe thấy tiến nổ siêu thanh từ vịnh Plettenberg ở xa hơn 200 km từ Gqberha. Nhiều người cảm nhận được rung động trên nền đất do tiếng nổ siêu thanh gây ra.

Nhìn bằng mắt thường, thiên thạch có thể giống đá. Tuy nhiên, chúng có bề mặt màu đen trơn nhẵn gọi là vỏ chảy (fusion crust), hình thành khi thiên thạch bốc cháy trong khí quyển. Nhiều thiên thạch hút nam châm. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chụp ảnh, ghi lại vị trí tìm thấy vật thể, bọc bằng giấy bạc, đặt trong túi zip trước khi liên lạc với nhà chức trách.

An Khang (Theo Phys.org)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022