Từ năm 2012, nông dân ở xã Ea Kmút trồng cây sachi để phát triển kinh tế. Cây này trồng để lấy hạt làm thực phẩm hoặc ép dầu vì có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giàu Omega 3, 6 và 9. Tuy nhiên quả sachi khi tách hạt rất khó khăn. Mỗi nông dân làm thủ công cả ngày mới tách được hơn 20 kg hạt.

Vốn có kiến thức khi trước kia từng học Trung cấp cơ khí, anh Khánh lên mạng xem các video nước ngoài tìm hiểu cách chế tạo máy tách vỏ sachi. Mất khoảng một năm, anh cho ra đời chiếc máy tách vỏ quả sachi.

Chiếc máy anh chế tạo gồm hệ thống tách vỏ theo cơ chế hai đĩa thép hình côn. Hệ tách vỏ này có ưu điểm có thể tách vỏ hạt ở nhiều kích thước, hình dạng khác nhau. Hạt sau khi tách không bị vỡ, tỷ lệ hao hụt thấp.

May-tach-vo-Sachi-2746-1724150917.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UJ2oYeoqSt_hMiKCMNbenA

Anh Khánh bên máy tách vỏ sachi do mình chế tạo. Ảnh: NVCC

Theo anh Khánh, các máy tách vỏ của nước ngoài chủ yếu dùng hai mâm đĩa bằng đá phẳng để sát nhau. Tuy nhiên, kỹ thuật này có nhược điểm hạt vỡ nhiều, tỷ lệ lãng phí cao. Để làm chủ kỹ thuật tách vỏ với đĩa thép hình côn, anh Khánh từng nhiều lần thất bại khi thử nghiệm. Mỗi mẻ hạt sachi thất bại, anh tổn thất hơn 1 triệu đồng tiền mua nguyên liệu. "Thử nghiệm hàng chục mẻ, tôi mới có được thiết kế tối ưu nhất", anh kể.

Ngoài hệ thống tách vỏ, anh Khánh cải tiến thiết kế van tiết lưu đường gió và bầu quạt gió xả vỏ nhằm giúp tách hạt và vỏ triệt để hơn, không bị lẫn vào nhau. Theo anh, một số máy tách hạt hiện nay sử dụng nguyên lý quạt đập, cho lượng gió không đều, nên hút cả hạt và vỏ bị lẫn vào nhau. Anh sử dụng quạt cao áp công nghiệp, chỉnh lượng gió đều hơn, có nhiều chế độ hoạt động nên hạt sau khi tách có độ sạch cao. Máy tách vỏ sachi sử dụng động cơ điện 1 pha hoặc 3 pha tùy nhu cầu.

Anh cũng cải tiến hệ thống bánh đà ly tâm nhằm tăng công suất hoạt động của máy, giúp người dùng điều chỉnh cường độ hoạt động để máy tách được đối với hạt sachi có độ dai. Máy còn có hệ thống sàn rung phân loại kích thước hạt trước khi đưa xuống khay hạt thành phẩm.

nong-dan-lam-may-tach-vo-qua-sachi-1724150167.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E2WCq56TK_KtBqSpdMCUUg
Nông dân làm máy tách vỏ quả sachi

Hoạt động máy tách vỏ sachi do anh Khánh thiết kế. Video: Nhân vật cung cấp

Trong một giờ hoạt động, máy tách được 600 kg quả sachi, thu được 300 - 350kg hạt đen, 250kg hạt trắng. Tùy nhu cầu mà người sử dụng có thể điều chỉnh máy cho ra hạt đen hay hạt trắng. Tỷ lệ hạt bị vỡ, hao hụt khoảng 1%.

Anh Khánh cho biết, giá máy quy mô hộ gia đình khoảng 14,5 triệu đồng, máy lớn dùng trong doanh nghiệp giá 70 triệu đồng. Hiện anh đã chuyển giao cho một số HTX nông nghiệp trong và ngoài địa phương. Sản phẩm cũng được anh xuất khẩu sang một số thị trường như Đài Loan, Malaysia, Lào... Máy tách vỏ sachi của anh Khánh được trao giải Nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần 9 do Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk tổ chức hồi cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar đánh giá, anh Nguyễn Trung Khánh với đam mê khoa học kỹ thuật, tự chế tạo máy tách vỏ hạt sachi năng suất cao, giảm sức lao động giúp nông dân địa phương phát triển kinh tế. Lãnh đạo huyện Ea Kar cho biết sẽ hỗ trợ, hướng dẫn tác giả làm các thủ tục về sở hữu trí tuệ, đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm.

Vĩnh Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022